Nhiều công trình giao thông cần được duy tu, bảo trì
Cùng với việc đầu tư mới hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thì công tác bảo trì, bảo dưỡng các công trình cũng cần được quan tâm thực hiện.Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhu cầu bảo trì, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ rất nhiều, trong khi kinh phí còn hạn hẹp.
Nhu cầu bảo trì còn nhiều
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) được UBND tỉnh Long An giao nhiệm vụ quản lý hệ thống đường tỉnh (ĐT) gồm 63 tuyến đường với tổng chiều dài 959,567km.Chưa kể sẽ tiếp nhận đường tuần tra biên giới từ địa phương khoảng 85,60km (gồm 36,4km đường bêtông ximăng, 49,2km đường láng nhựa).Số lượng cầu trên ĐT được giao quản lý 335 cây cầu.
Trước tình hình mưa, bão ngày càng diễn biến phức tạp dẫn đến ngập kết cấu nền, mặt đường. Tốc độ đô thị hóa nhanh, hai bên tuyến đường, người dân san lấp nền, cất nhà cao hơn mặt đường, hệ thống thoát nước chưa được đầu tư, mùa mưa thường gây đọng nước, có chỗ tràn ra đến 1/2 mặt đường. Tình trạng xe quá tải chưa được xử lý triệt để,...Đó là những yếu tố tác động làm cho kết cấu hạ tầng đường bộ càng nhanh xuống cấp, hư hỏng.
“Về khía cạnh an toàn giao thông, tình trạng kết cấu hạ tầng giao thông hư hỏng, xuống cấp cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông” - Ủy viên Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh - Phùng Văn On nhìn nhận.
Phó Giám đốc Sở GTVT - Nguyễn Thành Ngoãn cho biết: “Thực trạng đối với mạng lưới ĐT hiện có tiêu chuẩn kỹ thuật (cấp II, III) mới chỉ chiếm khoảng 18%, còn lại 82% là đường có tiêu chuẩn kỹ thuật cấp thấp (cấp IV chiếm khoảng 38%, cấp V trở lên chiếm 44%)”.
Chiều rộng mặt đường theo đúng cấp kỹ thuật còn thấp; chiều rộng mặt đường trên 7m có khoảng 45%; mặt đường từ 5-7m khoảng 23%; còn lại là mặt đường có bề rộng dưới 5m chiếm khoảng 32%. Chất lượng mặt đường chưa cao, đường tốt chiếm khoảng 12%, trung bình chiếm 60%, đường xấu và rất xấu chiếm 28%; vẫn còn 39 cầu yếu trên mạng lưới ĐT.
Theo báo cáo của Sở GTVT, trong tổng số 959,567km ĐT quản lý được bảo trì năm 2019, có 267km quá thời hạn sửa chữa lớn 8 năm và 286km quá thời hạn sửa chữa 4 năm nhưng chưa được đầu tư sửa chữa. Trong số 335 cây cầu trên các tuyến ĐT, còn 39 cầu yếu (trong đó, dàn sắt mặt sắt 19 cầu; dàn sắt mặt gỗ 19 chiếc cầu và 1 cầu treo mặt gỗ). Gần 200km đường cấp phối có chất lượng xấu và rất xấu. Ngoài ra, tuyến đường tuần tra biên giới dài hơn 85km, mặt đường rộng 3,5m đã bàn giao cho các huyện quản lý từ lâu và ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Vì vậy, nhu cầu bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cũng rất lớn.
Vốn cho bảo trì còn rất hạn hẹp
Hiện nay, nguồn vốn cho việc xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã được đa dạng hóa. Trong đó, phải kể đến nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, vốn tín dụng trong nước, vốn vay ODA, vốn của các doanh nghiệp, vốn từ các thành phần kinh tế tư nhân theo hình thức BOT,...
Theo đánh giá của Sở GTVT, những năm qua, việc bố trí vốn cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ cũng được cố gắng nhưng nhìn chung, tỷ lệ vốn cho bảo trì vẫn còn rất hạn hẹp.
Báo cáo UBND tỉnh, Sở GTVT cho rằng, việc bố trí nguồn vốn cho công tác đầu tư phát triển và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ vẫn còn mất cân đối giữa vốn đầu tư xây dựng cơ bản và vốn bảo trì. Chỉ tính riêng vốn đầu tư cho hệ thống ĐT từ năm 2015 đến 2018 thì vốn xây dựng cơ bản trung bình các năm chiếm khoảng 90-94%, trong khi đó vốn dành cho bảo trì chỉ đạt 6-10% tổng vốn.
Giai đoạn 2015-2018, hàng năm, Sở GTVT được ngân sách tỉnh phân bổ nguồn vốn sự nghiệp giao thông. Sau khi tiết kiệm 10% để cải cách tiền lương, trung bình còn khoảng 67,5 tỉ đồng/năm cho toàn bộ công tác bảo trì ĐT. Trong đó, bao gồm cả bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ, công tác khắc phục bão, lũ, thiên tai, an toàn giao thông và các công tác khác,... Như vậy, so với định mức và quy trình bảo trì đường bộ do Bộ GTVT ban hành thì Sở GTVT cho biết, nguồn vốn đó chỉ đáp ứng được 35-45% nhu cầu bảo trì tối thiểu.
Năm 2019, nguồn vốn sự nghiệp giao thông đã bố trí 72 tỉ đồng, tăng 4,5 tỉ đồng so với các năm trước nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu duy tu, sửa chữa, trong khi chiều dài các tuyến đường ngày càng tăng và tuổi thọ các công trình thì ngày càng giảm.
Theo Phó Giám đốc Sở GTVT - Nguyễn Thành Ngoãn, để bảo đảm ngăn chặn sự xuống cấp của công trình, duy trì được trạng thái khai thác, sử dụng của cầu, đường bộ được thực hiện đúng theo "Tiêu chuẩn kỹ thuật bảo dưỡng thường xuyên đường bộ TCCS 07:2013/TCĐBVN ban hành theo Quyết định số 1682/QĐ-TCĐBVN, ngày 07-10-2013 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam" thì phải cần tối thiểu khoảng 149 tỉ đồng/năm.
Từ những vấn đề nêu trên, Sở GTVT kiến nghị tỉnh nâng hạn mức phân bổ kế hoạch vốn hàng năm từ 72 tỉ đồng lên 150 tỉ đồng/năm.Khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nên ưu tiên cho danh mục trung đại tu các tuyến đường (cải tạo mặt đường và xây dựng hệ thống thoát nước dọc) khoảng 400-500 tỉ đồng/năm./.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/nhieu-cong-trinh-giao-thong-can-duoc-duy-tu-bao-tri-a84556.html