Nhiều công trình thi công 'rùa bò' ở Cà Mau

Hiện đang ở giai đoạn mùa khô, thuận lợi cho công tác xây dựng cơ bản. Dù vậy, nhiều công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Cà Mau vẫn thi công chậm chạp, tiến độ 'rùa bò'.

Thi công nửa chừng rồi ngưng

Một trong những công trình xây dựng cơ bản quan trọng được triển khai trên địa bàn tỉnh Cà Mau là tuyến đê biển Tây từ Sông Đốc đến Khánh Hội, dài 36km. Theo dự kiến, nhiều gói thầu thi công xong cuối năm 2018 nhưng hiện tại, việc thi công vẫn còn dở dang.

Ghi nhận thực tế tại công trình, chúng tôi thấy nhiều đoạn mới chỉ bóc lớp đất mặt, đắp taluy hai bên; một số nơi thì mới bơm cát lấp. Không chỉ trên công trường khá vắng vẻ, có nơi vắng công nhân và thiết bị thi công. Theo người dân địa phương, với tiến độ thi công “rùa bò” như vậy thì tuyến đê này chưa biết khi nào xong.

Tuyến đê biển Tây thi công rất chậm chạp

Tuyến đê biển Tây thi công rất chậm chạp

Nhiều năm nay, người dân địa phương rất bức xúc trước việc tuyến đường từ cầu Kênh Năm (huyện Năm Căn) đến cầu Thanh Tùng (huyện Đầm Dơi) thi công theo theo kiểu “rùa bò”.

Theo kế hoạch, hạng mục xây dựng nền đường đất đen (do UBND huyện Năm Căn làm chủ đầu tư) phải hoàn thành trước tháng 5-2016. Tuy nhiên, sau nhiều lần gia hạn thì đến đầu năm 2019 vẫn chưa hoàn thành. Do xây dựng nền đường đất đen đã lâu mà vẫn chưa xong nên không thể triển khai xây dựng mặt đường được. Vì dự án triển khai chậm nên phải điều chỉnh, dẫn đến “nguy cơ” làm tăng tổng mức đầu tư dự án.

Trên địa bàn tỉnh Cà Mau, Ngọc Hiển là huyện nằm xa trung tâm nhất và cũng là huyện nằm ở cực Nam Tổ quốc. Nhằm phục vụ việc khám và chữa bệnh cho người dân nơi đây, năm 2008, UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình Bệnh viện đa khoa huyện Ngọc Hiển. Tuy nhiên, bệnh viện này triển khai chậm chạp.

Cụ thể, năm 2016, UBND tỉnh Cà Mau giao UBND huyện Ngọc Hiển làm chủ đầu tư thực hiện gói thầu số 20 (gói thầu thi công xây dựng Khoa khám bệnh, hành chính, hồi sức, cấp cứu, khoa cận lâm sàng, khoa mổ, thử tải cọc). Đây là một trong những hạng mục quan trọng của dự án.

Dù vậy, khi triển khai đấu thầu, UBND huyện Ngọc Hiển lại đưa ra tiêu chí làm hạn chế nhà thầu tham dự dẫn đến các nhà thầu khiếu nại. Ngoài ra, chủ đầu tư còn có sai sót trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, dẫn đến làm phát sinh thủ tục, kéo dài thời gian thực hiện dự án.

Trước thực tế đó, UBND tỉnh Cà Mau phải chuyển giao dự án về Ban quản lý dự án công trình xây dựng tỉnh Cà Mau làm chủ đầu tư. Dù vậy, tiến độ vẫn không được đẩy nhanh.

Còn Bệnh viện đa khoa Cà Mau luôn trong tình trạng quá tải, bệnh nhân thường xuyên phải nằm giường ghép. Nhưng khi triển đầu tư xây dựng Khu kỹ thuật - nghiệp vụ kết hợp khoa cấp cứu thì làm nửa chừng rồi ngưng thi công.

Khu kỹ thuật - nghiệp vụ kết hợp khoa cấp cứu Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau thi công nửa chừng thì ngưng

Khu kỹ thuật - nghiệp vụ kết hợp khoa cấp cứu Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau thi công nửa chừng thì ngưng

Ông Trần Lĩnh Trang, Giám đốc Ban quản lý Dự án công trình xây dựng tỉnh Cà Mau, lý giải, công trình phải tạm ngưng do phát sinh một khối nâng tầng làm Khoa tim mạch 100 giường để làm vệ tinh cho Bệnh viện Chợ Rẫy. Do đó, phải lập dự án điều chỉnh, thiết kế lại nên mất một thời gian.

Sẽ kiểm điểm trách nhiệm chủ đầu tư

UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 trên 2.829 tỷ đồng, bao gồm: vốn ngân sách Trung ương 1.092 tỷ đồng, vốn cân đối ngân sách địa phương 1.737 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 3-2019, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công đạt 337 tỷ đồng, bằng 12% tổng kế hoạch vốn năm 2019. Theo UBND tỉnh Cà Mau, tỷ lệ giải ngân như vậy là… rất thấp.

Các chủ đầu tư giải thích, công trình chậm tiến độ, giải ngân thấp có nhiều nguyên nhân nhưng lý do “muôn thuở” vẫn là vướng mặt bằng.

Về vấn đề này, ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho rằng, cần làm rõ nguyên nhân nào chi phối, vướng mặt bằng ở chỗ nào, chiếm bao nhiêu phần trăm khối lượng chứ không thể vướng hết công trình được.

Theo ông Bi, việc công trình chậm, giải ngân thấp cũng có lý do khách quan là do Trung ương giao vốn chậm (công trình vốn ngân sách Trung ương). Tuy nhiên, có nguyên nhân chủ quan, có những công trình giao vốn từ đầu năm nhưng vẫn… chậm.

“Chậm là do điều hành, năng lực chủ đầu tư, trách nhiệm thẩm định của các sở chuyên ngành. Các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp, không có nguyên nhân chính đáng, lỗi do chủ quan thì kiểm điểm, gắn với xếp loại cuối năm”, ông Bi nói

Ông Bi cũng yêu cầu các chủ đầu tư kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật đối với các nhà thầu không đáp ứng yêu cầu, vi phạm các điều, khoản hợp đồng đã ký kết, các nhà thầu không có năng lực thực hiện dự án…

TẤN THÁI

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nhieu-cong-trinh-thi-cong-rua-bo-o-ca-mau-588643.html