Nhiều công trình thủy lợi ở Nghệ An và Hà Tĩnh xuống cấp, hư hỏng
Theo thống kê của cơ quan chức năng, trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh hiện có hơn 200 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp, trong đó 103 công trình bị hư hỏng nặng cần có phương án khắc phục, sửa chữa ngay. Tuy vậy, việc huy động nguồn lực để xây dựng, sửa chữa các công trình thủy lợi này đang là vấn đề nan giải của hai địa phương.
Phần lớn hồ, đập hư hỏng, xuống cấp tại Nghệ An và Hà Tĩnh là những hồ, đập nhỏ do địa phương quản lý, đều được đào đắp bằng đất vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Tại thời điểm đó, điều kiện, phương tiện thi công còn thiếu và yếu, chủ yếu là làm thủ công và thủ công kết hợp cơ giới, số liệu thủy văn, tài liệu đo đạc chưa được đầy đủ, quá trình lập hồ sơ dự án và thiết kế kỹ thuật chưa đề cập hết các trường hợp bất lợi của thiên tai.
Bên cạnh đó, nhiều đập xây dựng đã lâu, qua nhiều năm sử dụng, chịu tác động từ thiên tai, lại thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng, cho nên đến nay đã xuống cấp, nguy cơ mất an toàn cao.
Sự cố vỡ thân đập Bàn Vàng, xã Tiến Thành, huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) vào chiều 15/9/2021 là một thí dụ. Đây là con đập cung cấp nước tưới cho gần 40 ha cho lúa, hoa màu cho người dân địa phương. Mặc dù đã được cải tạo năm 2009, nhưng do xây dựng đã quá lâu (gần 50 năm), chủ yếu được đắp bằng đất nên thân đập yếu và đã tự vỡ vào giữa tháng 9/2021 với chiều rộng khoảng 5m và chiều sâu khoảng 4m. Rất may, sự cố vỡ đập không gây thiệt hại về người.
Nhiều hồ, đập ở một số địa phương ở Nghệ An và Hà Tĩnh bị hư hại nghiêm trọng, hay bị vỡ, nhất là hồ đập có trữ lượng nước vài triệu mét khối, được xây dựng đã lâu, do thiếu vốn chưa được nâng cấp. Những hồ đập này được ví như “bom nước” trên đầu người dân địa phương mỗi mùa mưa bão.
Ngay sau sự cố, lãnh đạo tỉnh Nghệ An cùng chính quyền địa phương và các ngành liên quan đã đến hiện trường chỉ đạo khắc phục sự cố với phương châm “4 tại chỗ” cùng hàng trăm người và các phương tiện máy móc được huy động tối đa. Để bảo đảm an toàn trong mùa mưa, địa phương cũng đã cho gia cố thêm đá hộc và bao đất tại điểm bị vỡ. Phía hai đầu đoạn vỡ thân đập, xã cho cắm biển cảnh báo nguy hiểm. Tuy nhiên, nguy cơ tiềm ẩn tiếp tục xảy ra sự cố vẫn đang hiện hữu. Hiện huyện Yên Thành đang tiến hành các quy trình để nâng cấp toàn diện con đập này, nhằm bảo đảm an toàn mỗi khi mưa bão về.
Không chỉ huyện Yên Thành mà nhiều hồ, đập ở một số địa phương khác ở Nghệ An và Hà Tĩnh cũng bị hư hại nghiêm trọng, hay bị vỡ, nhất là hồ đập có trữ lượng nước vài triệu mét khối, được xây dựng đã lâu, do thiếu vốn chưa được nâng cấp. Những hồ đập này được ví như “bom nước” trên đầu người dân địa phương mỗi mùa mưa bão. Theo số liệu từ Chi cục Thủy lợi hai tỉnh, trong số 1.554 hồ đập thủy lợi hiện có trên địa bàn, 211 hồ đập bị hư hỏng, xuống cấp chưa có kinh phí để nâng cấp, sửa chữa, trong đó có 103 hồ chứa xung yếu, nguy cơ mất an toàn cao trong mùa mưa lũ năm 2022.
Hầu hết các hồ chứa nằm trong tình trạng “báo động” nằm rải rác tại các địa phương đều có mặt cắt đập nhỏ, thấp, hiện tượng sạt trượt mái thượng, hạ lưu diễn ra phổ biến, không đáp ứng Quy chuẩn QCVN 04-05:2012/BNNPTNT, tràn xả lũ hẹp hoặc tràn đất không đủ khả năng thoát lũ; cống lấy nước bị xói lở mang cống, thân cống bị hư hỏng nặng, cánh cống không còn khả năng vận hành điều tiết..., nguy cơ mất an toàn là rất lớn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn cho rằng, Hà Tĩnh là địa phương thường xuyên bị thiên tai, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, hằng năm các công trình chịu tác động của mưa, bão và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng ngày càng khốc liệt, khó lường. Hiện nay nhiều công trình hạ tầng còn thiếu và yếu, nhất là hệ thống đê điều, hồ đập, hệ thống giao thông, cơ sở y tế bị xuống cấp, một số công trình chưa được đầu tư xây dựng hoặc đã được xây dựng từ lâu, hiện trạng đã xuống cấp; đặc biệt, nhiều vị trí xung yếu không đáp ứng yêu cầu phòng chống lụt bão, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và tài sản.
Trong điều kiện nguồn ngân sách địa phương hạn chế, việc cân đối, bố trí nguồn lực để đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống công trình đê điều, hồ đập trong giai đoạn hiện nay là rất khó khăn. Vì vậy, tỉnh Hà Tĩnh mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành xem xét hỗ trợ đầu tư các công trình kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển và 12 hồ chứa nước xuống cấp nghiêm trọng.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh Trần Đức Thịnh cho biết, trong khi chờ nguồn kinh phí để sửa chữa, nâng cấp các hồ đập, trước mắt địa phương đã kiểm tra kỹ lưỡng hiện trạng hồ đập để xây dựng phương án mở rộng, hạ thấp tràn hoặc mở thêm tràn xả lũ phụ để tăng khả năng tháo lũ. Đối với những hồ chứa không bảo đảm an toàn, Chi cục Thủy lợi tỉnh đã khuyến cáo, chỉ đạo các địa phương, đơn vị tuyệt đối không được tích nước hoặc chỉ tích nước ở mức phù hợp.
Cùng với đó, các địa phương cần tổ chức lập, rà soát phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó tình huống khẩn cấp cho các công trình và vùng hạ du đập, lưu ý các kịch bản ứng phó với mưa lớn, cực đoan; thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ” trong công tác vận hành, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy lợi; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy trình vận hành các công trình thủy lợi; rà soát, đánh giá các quy trình vận hành hồ chứa, quy trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi để bổ sung, điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp; tổ chức vận hành các công trình theo đúng quy trình đã được phê duyệt; đồng thời bố trí hệ thống thông tin, cảnh báo cho người dân ở vùng hạ du khi xả lũ hồ chứa; xây dựng cơ sở dữ liệu, cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu về đập, hồ chứa thủy lợi trên phần mềm quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi.