Nhiều công ty đặt tên 'mập mờ', mạo danh công ty tư vấn tài chính để thực hiện cho vay

Đến ngày 30/9/2022, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 11,6 triệu tỷ đồng, tăng 10,9% so với cuối năm 2021.

Con số trên được bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước chia sẻ tại Hội thảo: “Tài chính Tiêu dùng - Kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức sáng nay (18/10).

Điểm đáng chú ý, dư nợ cho vay tiêu dùng đạt khoảng 2,42 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 16% so với cuối năm 2021, chiếm gần 21% dư nợ tín dụng nền kinh tế với 84 TCTD tham gia cho vay. Dư nợ cho vay tiêu dùng của các Công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 145 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cuối năm 2021, chiếm gần 6% dư nợ cho vay tiêu dùng của hệ thống và chiếm gần 1,3% dư nợ toàn nền kinh tế.

Cũng theo bà Tùng, qua theo dõi kết quả cho thấy hoạt động cho vay tiêu dùng đã có bước nhảy vọt cả về số lượng TCTD tham gia, mức độ đa dạng về sản phẩm tín dụng tiêu dùng và quy mô dư nợ (dư nợ tăng 1,8 lần 5 năm qua và tăng hơn 10 lần trong 10 năm). Tăng trưởng dư nợ cho vay tiêu dùng bình quân 10 năm 2010-2020 (33,7%) luôn cao hơn tăng trưởng dư nợ cho vay nền kinh tế (17,3%).

Trong 2 năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm tốc độ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng thấp hơn tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (tăng trưởng tín dụng chung các năm 2020, 2021 lần lượt là 12,17% và 12,53%; trong khi tăng trưởng dư nợ cho vay tiêu dùng lần lượt là 10,15% và 12,39%), tuy nhiên từ đầu năm 2022, theo sự phục hồi của kinh tế - xã hội, tín dụng tiêu dùng có xu hướng tăng trưởng nhanh trở lại.

"Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng ngày càng tăng trong tổng dư nợ nền kinh tế (từ 8,17% năm 2010 lên xấp xỉ 20% cuối năm 2021 và ước trên 21% cuối năm 2022), từ đó ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen theo chủ trương của Chính phủ", bà Tùng nói.

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện nay chỉ có 16 công ty tài chính được cơ quan quản lý cấp phép hoạt động với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và 74.337 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc.

Tính đến 30/6/2022, tổng tài sản của khối các công ty tài chính là 240.348 tỷ đồng, tăng khoảng 7% so với thời điểm cuối năm 2021; vốn điều lệ của các công ty tài chính là 31.235 tỷ đồng, tăng 3,54% so với thời điểm cuối năm 2021, trong đó Công ty tài chính Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng có mức vốn điều lệ cao nhất là 10.928 tỷ đồng.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, sự phát triển của tài chính tiêu dùng đã được ghi nhận không chỉ bởi sự gia tăng về quy mô và tốc độ tăng trưởng mà còn bởi những hiệu ứng tích cực đối với nền kinh tế xã hội.

“Bên cạnh những kết quả đạt được, công ty tài chính cũng gặp một số khó khăn, phạm vi và quy mô hoạt động còn hạn chế, tiềm ẩn nhiều rủi ro, dẫn đến chưa phát huy đầy đủ vai trò của loại hình tổ chức tín dụng chuyên biệt này. Ngoài ra, hoạt động không lành mạnh của các tổ chức cung cấp tài chính tiêu dùng không do cơ quan quản lý cấp phép và hoạt động “tín dụng đen” đã gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động và uy tín của các công ty tài chính tiêu dùng”, Phó Thống đốc chia sẻ .

Cũng trong vấn đề có liên quan, Trung tá Đỗ Minh Phương, Phó trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho biết, tính đến tháng 4/2022, toàn quốc có 25.354 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ/37.103 người làm nghề (chiếm 18% số cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh tiền tệ, giảm 2.645 cơ sở/4.864 người làm nghề.

Theo thống kê của lực lượng cảnh sát hình sự, trong 3 năm (từ 15/4/2019 – 14/4/2022), qua công tác nghiệp vụ, các địa phương đã rà soát, phát hiện 7.903 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, 691 cơ sở kinh doanh tài chính dưới các hình thức, 3.941 cá nhân hoạt động cho vay lãi suất cao, 37 cơ sở kinh doanh, 46 cá nhân hoạt động huy động vốn lãi suất cao, 762 cá nhân tham gia hụi, họ, biêu, phường.

13 cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ, 140 băng nhóm/730 đối tượng; 1.874 đối tượng hoạt động đơn lẻ có dấu hiệu hoạt động tín dụng đen (170 cơ sở kinh doanh không phép, 1.293 đối tượng có tiền án tiền sự, 783 đối tượng ngoại tỉnh). Kết quả đã khởi tố 701 bị can, xử phạt hành chính 428 đối tượng.

Đáng chú ý, cũng trong 3 năm qua, lực lượng Công an đã tiếp nhận, phát hiện 2.740 vụ/4.941 đối tượng, trong đó đã khởi tố 1.575 vụ/3.399 bị can; xử phạt hành chính 719 vụ/1.182 đối tượng; riêng tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã tiếp nhận, phát hiện 1.592 vụ/2.771 đối tượng; đã khởi tố 1.038 vụ/2.025 bị can; xử phạt hành chính 359 vụ/485 đối tượng.

“Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen tuy được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, nhất là sau tác động của dịch bệnh Covid-19 làm thiệt hại nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Tình trạng tạm dừng kinh doanh kinh doanh không có lãi; nợ lương, mất việc làm, giảm thu nhập khiến nhu cầu vay tiền để phục vụ sinh hoạt, kinh doanh tăng cao”, ông Phương nói.

Đại diện Cơ quan Thanh tra giám sát, Ngân hàng Nhà nước cho biết, thực tế, hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép đều tuân thủ nghiêm ngặt quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định khác có liên quan trong lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên, dù đang tích cực giúp người dân tiếp cận được các nguồn vốn chính thức, qua đó góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen, nhưng hoạt động/thương hiệu của các công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép lại đang bị hiểu nhầm/đánh đồng với các công ty tài chính mạo danh, không hoạt động theo Luật Các TCTD hay các quy định pháp luật ngân hàng khác.

Ví như, một số công ty tư vấn tài chính, công ty đầu tư tài chính, các công ty kinh doanh dịch vụ cầm đồ, các công ty fintech cho vay online, các App cho vay... không phải do NHNN cấp phép, không phải là TCTD - những công ty này tự đặt tên mập mờ là “công ty tài chính” và cũng thực hiện hoạt động cho vay, dễ gây hiểu nhầm như công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép.

“Bất kỳ tổ chức nào không được Ngân hàng Nhà nước cấp phép mà sử dụng cụm từ “công ty tài chính” “hoặc các cụm từ, thuật ngữ khác trong tên của tổ chức, chức danh hoặc trong các phần phụ thêm của tên, chức danh hoặc trong giấy tờ giao dịch hoặc quảng cáo của mình nếu việc sử dụng cụm từ, thuật ngữ đó có thể gây nhầm lẫn cho khách hàng về việc tổ chức của mình là một tổ chức tín dụng” là vi phạm quy định tại Điều 5 về “Sử dụng thuật ngữ liên quan đến hoạt động ngân hàng”, Luật Các tổ chức tín dụng”, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nhấn mạnh.

Nhuệ Mẫn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nhieu-cong-ty-dat-ten-map-mo-mao-danh-cong-ty-tu-van-tai-chinh-de-thuc-hien-cho-vay-post308031.html