Nhiều công ty 'ngoại' đang tìm cách gia nhập thị trường Việt Nam
Trong bối cảnh biến động địa chính trị, các doanh nghiệp trên toàn cầu đang có những thay đổi trong cách tiếp cận về chuỗi cung ứng. Theo Savills Việt Nam, dòng vốn quốc tế đổ vào thị trường bất động sản, trong đó có bất động sản thương mại, đặc biệt là logistics đã bắt đầu xảy ra ở một số nơi trên thế giới. Trong đó, Việt Nam đang được số lượng lớn các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm...
Việt Nam đang nhận được sự quan tâm của số lượng lớn các nhà đầu tư nước ngoài
Chuyên gia Savills chia sẻ, sau ba năm bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19, chuỗi cung ứng toàn cầu đang có những chuyển biến tích cực, dần trở lại trạng thái ổn định. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ngành logistics, sản xuất và các ngành công nghiệp khác đã khôi phục hoàn toàn. Đại dịch và những biến động địa chính trị đã phơi bày sự mong manh của chuỗi cung ứng và tập trung hơn vào khả năng phục hồi. Trong khi đó, chi phí vẫn là yếu tố then chốt của các doanh nghiệp trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay.
Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc vẫn là “công xưởng của thế giới”, chiếm khoảng 30% sản xuất toàn cầu. Tuy nhiên, theo ông Jack Harkness, Giám đốc Dịch vụ Logistics và Bất động sản Khu công nghiệp, Savills châu Á - Thái Bình Dương, việc tăng chi phí lao động ở Trung Quốc đồng nghĩa với việc thị trường này không còn hiệu quả về mặt chi phí như trước, đặc biệt khi các chính sách khuyến khích doanh nghiệp hồi hương và những lo ngại về an ninh toàn cầu đang diễn ra.
Ông Harkness cho hay, nhiều công ty có cơ sở tại Trung Quốc đang tìm cách mở rộng, hơn là thay thế các nhà máy hiện có. Ví dụ, Apple đã công bố kế hoạch đa dạng hóa ra khỏi Trung Quốc. Siemens cũng cho biết họ đang xem xét các địa điểm khác ở Đông Nam Á. Trong bối cảnh đó, các quốc gia như Việt Nam, Indonesia có thể được hưởng lợi nếu các công ty bắt đầu tìm kiếm các trung tâm sản xuất chi phí thấp khác ở châu Á.
Nhận xét về xu hướng, ông John Campbell, Phó Giám đốc, Bộ phận Dịch vụ bất động sản công nghiệp Savills Việt Nam cho biết, Việt Nam đang được số lượng lớn các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.
“Cụ thể ở khu vực phía Bắc, cũng như mọi năm, đều chứng kiến nguồn cầu trong ngành công nghiệp điện tử ở mức cao. Ở miền Nam, Savills ghi nhận nhu cầu rất đa dạng, từ logistics, hàng tiêu dùng nhanh, dược phẩm, thực phẩm và đồ uống. Về quốc gia, chúng tôi ghi nhận số lượng doanh nghiệp châu Âu tăng so với trước Covid-19 như: Đức, Pháp. Đây là kết quả của các hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam. Các nhà đầu tư châu Á khác cũng quan tâm đến thị trường miền Nam".
Ông John Campbell dự báo, nửa cuối năm nay sẽ ghi nhận những triển vọng tăng trưởng. Bất chấp các dự báo về suy thoái kinh tế toàn cầu, các tín hiệu vẫn được kỳ vọng khá tích cực. Mặc dù có nhiều sự trì trệ trong việc ký kết hợp đồng cho thuê mới nhưng nhiều công ty nước ngoài đã và đang cân nhắc Việt Nam trong năm nay, và họ vẫn đang tìm cách gia nhập thị trường.