Nhiều công ty nước ngoài mở rộng năng lực thử nghiệm và đóng gói chip tại Việt Nam

Hãng tin Reuters hôm qua (12/11) dẫn lời các giám đốc điều hành cho biết, nhiều công ty nước ngoài đang mở rộng năng lực thử nghiệm và đóng gói chip tại Việt Nam, trong khi các công ty trong nước đang 'để mắt' đến việc hợp tác đầu tư, giữa bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang nhanh chóng dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc để tránh tác động từ căng thẳng thương mại.

Việt Nam đang là điểm đến thu hút đầu tư từ các nhà sản xuất bán dẫn toàn cầu. Ảnh minh họa: Baochinhphu.vn

Việt Nam đang là điểm đến thu hút đầu tư từ các nhà sản xuất bán dẫn toàn cầu. Ảnh minh họa: Baochinhphu.vn

Ngành sản xuất bán dẫn back-end (quá trình sản xuất và lắp ráp cuối cùng các sản phẩm bán dẫn) - ít thâm dụng vốn hơn so với sản xuất bán dẫn front-end (sản xuất và thử nghiệm các linh kiện chính), hiện do Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) thống trị, nhưng Việt Nam đang nổi lên là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất trong phân khúc trị giá 95 tỷ USD này.

Ông Cho Hyung Rae - Phó Chủ tịch Tập đoàn Hana Micron tại Việt Nam cho biết, công ty đang mở rộng đầu tư ở quốc gia Đông Nam Á này để đáp ứng yêu cầu của các khách hàng công nghiệp.

Được biết, tập đoàn Hàn Quốc Hana Micron đang đầu tư khoảng 1.300 tỷ won (khoảng hơn 922 tỷ USD) tại Việt Nam cho đến năm 2026 để thúc đẩy hoạt động đóng gói chip, hướng tới đưa Việt Nam trở thành cơ sở sản xuất chủ lực của tập đoàn này trên toàn cầu.

Năm ngoái, công ty Amkor Technology có trụ sở chính tại Mỹ đã công bố kế hoạch trị giá 1,6 tỷ USD để xây dựng một nhà máy rộng 200.000m2 tại Bắc Ninh - nơi sẽ trở thành cơ sở sản xuất công đoạn sau chất bán dẫn lớn nhất và tiên tiến nhất của Amkor, “mang đến khả năng đóng gói bán dẫn thế hệ tiếp theo”.

Trong khi đó Intel - công ty đã có một gian hàng lớn tại triển lãm bán dẫn quốc tế đầu tiên của Việt Nam vào tuần trước, cũng đã xây dựng nhà máy sản xuất chip lớn nhất trong mạng lưới toàn cầu của mình tại Việt Nam.

Theo Reuters, sự tăng trưởng của Việt Nam trong phân khúc sản xuất chip càng được đẩy mạnh dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Báo cáo do Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ và Boston Consulting Group công bố hồi tháng 5 cho rằng, Việt Nam dự kiến sẽ chiếm 8% - 9% thị phần toàn cầu về lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chip (ATP) vào năm 2032, tăng từ mức chỉ 1% vào năm 2022, phần lớn nhờ vào các khoản đầu tư từ các công ty nước ngoài trong lĩnh vực này.

Song song đó, các công ty trong nước cũng dự kiến sẽ đóng góp vào dự báo tăng trưởng của ngành bán dẫn. Đơn cử như công ty đầu tư và phát triển Sovico Group (Việt Nam) cũng đang tìm kiếm đối tác nước ngoài để cùng đầu tư vào một cơ sở ATP tại Đà Nẵng, cố vấn cấp cao của Sovico cho biết.

Ngoài ra, Reuters cho biết, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất chip đầu cuối, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài liên quan đến lĩnh vực này.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/nhieu-cong-ty-nuoc-ngoai-mo-rong-nang-luc-thu-nghiem-va-dong-goi-chip-tai-viet-nam-147941.html