Nhiều công ty Việt lãi ngàn tỉ đồng
Với bệ đỡ lãi suất thấp, giá cả tương đối ổn định cho đến các chính sách hỗ trợ kịp thời đã giúp nhiều công ty Việt thắng lớn trong nửa đầu năm 2024.
Sự phục hồi kinh tế, kết hợp với chiến lược kinh doanh hợp lý đã giúp các công ty Việt trong lĩnh vực bán lẻ có sức tăng mạnh mẽ về lợi nhuận.
Thi nhau báo lãi
Điển hình là ông lớn Thế Giới Di Động (TGDĐ) đã bắt đầu lấy lại sự phục hồi kinh doanh. Năm 2023, công ty này đối diện với cú lao dốc mạnh chưa từng thấy khi lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm chỉ đạt chưa đầy 30 tỉ đồng. Đây là con số lãi thấp nhất tính trong vòng 10 năm trở lại đây của TGDĐ.
Thậm chí nếu xét riêng từng quý, nhà đầu tư khi theo dõi TGDĐ trên sàn chứng khoán cũng bất ngờ vì lợi nhuận mỗi quý của TGDĐ thông thường từ vài trăm tỉ lên đến cả ngàn tỉ đồng.
Tuy nhiên, nửa đầu năm 2024, TGDĐ báo lãi hơn 2.000 tỉ đồng. Ông Trần Huy Thanh Tùng, Tổng giám đốc TGDĐ cho biết, mức tăng lợi nhuận sau thuế mạnh nhờ vào công ty tối ưu chi phí do quá trình tái cấu trúc, tinh gọn hệ thống, và nâng cao hiệu quả vận hành khi đóng các cửa hàng không hiệu quả, mà vẫn không ảnh hưởng đến doanh thu.
Một đại gia trong ngành vàng và trang sức là PNJ cũng thắng lớn trong 6 tháng năm 2024, với lợi nhuận sau thuế gần 1.200 tỉ đồng. Nếu nhìn sâu vào cơ cấu doanh thu của PNJ, bên cạnh thế mạnh kinh doanh trang sức, thì bán vàng cũng nổi lên mạnh mẽ và đóng góp doanh thu và lợi nhuận rất lớn.
Một điều khá thú vị, năm 2024, lần đầu tiên PNJ cho ra phiên bản vàng mini (tương đương 0,3 - 0,5 chỉ) nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư, thu hút khách hàng trẻ muốn “đu trend” mua vàng Ngày vía Thần tài. Cách làm sáng tạo này đã giúp PNJ thắng lớn.
Ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc PNJ cho biết, nửa đầu năm 2024, việc có lợi nhuận tăng trưởng vì công ty đã thực hiện các biện pháp tối ưu nguồn lực, nâng cao năng lực vận hành nhằm duy trì biên lợi nhuận gộp ở mức tích cực, cũng như thị trường vàng sôi động.
Những chuyển động trong ngành du lịch cũng đã thúc đẩy các doanh nghiệp trong ngành hàng không thắng lớn trong nửa đầu năm 2024. Trong đó, ACV (Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam) và Vietnam Airlines là một điển hình.
Bức tranh kinh doanh của Vietnam Airlines có sự đảo chiều ngoạn mục. Lũy kế nửa đầu năm 2024, hãng hàng không này đã có lợi nhuận vượt hơn 5.000 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ đến gần 1.400 tỉ đồng. Số lãi ròng này cũng chấm dứt 19 quý lỗ liên tiếp của Vietnam Airlines.
Cú vượt khó của hãng hàng không nằm ở việc khôi phục đường bay nội địa, mở thêm nhiều đường bay quốc tế, giá vé tăng giúp doanh thu tăng và việc được xóa nợ hơn 4.000 tỉ đồng khiến các chỉ số tài chính tốt lên.
Tương tự, lũy kế 6 tháng năm 2024, ACV đang tận hưởng khoản lợi nhuận cao kỷ lục lên đến hơn 6.000 tỉ đồng, mà trong đó có sự đóng góp rất lớn đến từ thu phí phục vụ hành khách tại sân bay với con số gần 5.408 tỉ đồng, chưa kể thu từ phục vụ khách VIP cũng gần 60 tỉ đồng.
Ban lãnh đạo ACV cho biết, khách quốc tế kèm theo sản lượng cất hạ cánh quốc tế tăng mạnh, đã giúp công ty có hiệu quả kinh doanh tốt.
Tập đoàn VinaCapital nhận định, trong 5 tháng đầu năm 2024, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã tăng 65% so với cùng kỳ. Điều này vừa đóng góp vào tăng trưởng GDP của Việt Nam mà còn đem lại lợi ích cho nhiều công ty Việt Nam.
Ở góc độ khác, các công ty chứng khoán và ngân hàng vẫn duy trì mức lợi nhuận khủng, như SSI lãi 1.600 tỉ đồng hay BIDV lãi 12.000 tỉ đồng.
Điều này nhờ vào dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân đổ vào thị trường chứng khoán mạnh hơn dự kiến, nhờ lãi suất thấp hơn và câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi. Ngân hàng vẫn duy trì biên lãi tốt nhờ lãi suất tiền gửi thấp cũng như tăng trưởng tín dụng tốt lên.
Doanh nghiệp ngàn tỉ tiếp tục tỏa sáng
Khi kinh tế tiếp tục ngày càng tốt hơn, xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ vượt kỳ vọng.
Ông Trần Thăng Long, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán BIDV đánh giá, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp phản ánh đúng sự phục hồi kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Ngoài ra, sự kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa khi đem lại lãi suất thấp và tỉ giá đang duy trì mức ổn định, cũng góp phần vào sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cho các công ty.
Theo giới phân tích, công ty Việt tiếp tục hưởng lợi nhờ kinh tế tăng trưởng, số lượng lớn hiệp định thương mại tự do đã ký kết và Chính phủ không ngừng ban hành những gói hỗ trợ hấp dẫn, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, chú trọng xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Do đó, sẽ ngày càng có nhiều công ty Việt gia nhập nhóm lợi nhuận ngàn tỉ đồng. Đặc biệt các công ty hoạt động trong lĩnh vực logistics, cảng biển, bất động sản khu công nghiệp. Chẳng hạn, Gemadept chuyên về cảng biển đã đạt lợi nhuận sau thuế gần 1.000 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2024.
Ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường Tập đoàn VinaCapital cho biết, xuất khẩu tăng mạnh giúp tăng khối lượng vận chuyển bằng đường hàng không và đường biển, qua đó giúp các cảng biển Việt Nam hoạt động hết công suất.
Các công ty trong lĩnh vực logistics đã kiếm được doanh thu đáng kể từ xếp dỡ và vận chuyển hàng hóa. Chưa hết, sức hút FDI vào Việt Nam đang tăng trưởng mạnh đã giúp các công ty khai thác và quản lý khu công nghiệp có nguồn thu tốt nhờ vào tỉ lệ lấp đầy lẫn giá thuê tăng cao.
"Chúng tôi kỳ vọng số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng 40% trong năm nay, sau khi tăng gần 250% vào năm ngoái. Năm nay, với lượng khách du lịch quốc tế tiếp tục phục hồi, sẽ đóng góp thêm hơn 1 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP của Việt Nam. Điều này cũng đồng nghĩa các công ty như Vietnam Airlines hay ACV tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ về lợi nhuận" - ông Michael Kokalari nhận định.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Trí Thông cho biết, không gian tăng trưởng lợi nhuận của PNJ vẫn rất tốt cho thời gian còn lại của năm 2024. Bệ đỡ cho điều này nằm ở việc công ty thực thi chiến lược tăng năng lực mới về công nghệ và sự sáng tạo cũng như sức chi tiêu mạnh mẽ cho nhu cầu làm đẹp của người dân.
Công ty chứng khoán SSI cho biết, trong bối cảnh Nhà nước tiến hành thanh tra hoạt động mua bán vàng, các công ty vàng nhỏ lẻ không chứng minh được nguồn gốc vàng sẽ phải đóng cửa hoặc hạn chế kinh doanh, qua đó PNJ có cơ hội lấy thêm thị phần và khẳng định vị thế đầu ngành.
GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận định, để tạo dựng các doanh nghiệp Việt lớn mạnh nên có sự hỗ trợ của Nhà nước. Chẳng hạn, Nhà nước đầu tư hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp đang hoạt động, đầu tư và nghiên cứu trong lĩnh vực mới nổi như AI, bán dẫn, hay xác định các chính sách để dành thị phần cho doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, cơ quan quản lý Nhà nước cần có chính sách ổn định để công ty Việt sẵn sàng định hướng đầu tư lâu dài.
“Trên cơ sở đó, doanh nghiệp sẽ không bỏ cuộc trước các khó khăn, dám đối diện trước sự cạnh tranh khốc liệt và dần trở thành người chơi lớn trên thị trường có khả năng vươn tầm với các doanh nghiệp nước ngoài.
Khi nhiều công ty Việt lớn mạnh và trở thành trụ cột trong lĩnh vực nào đó, dễ bắt tay với đối tác nước ngoài để cùng hợp tác phát triển, tiếp nhận được công nghệ cao, và sau đó vươn lên chiếm lĩnh thị trường và tạo ra sự lan tỏa chuỗi cung ứng cho các công ty Việt khác” – ông Cường nói.
Các công ty chứng khoán và ngân hàng vẫn duy trì mức lợi nhuận khủng, như SSI lãi 1.600 tỉ đồng hay BIDV lãi 12.000 tỉ đồng.
Điều này nhờ vào dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân đổ vào thị trường chứng khoán mạnh hơn dự kiến, nhờ lãi suất thấp hơn và câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi. Ngân hàng vẫn duy trì biên lãi tốt nhờ lãi suất tiền gửi thấp cũng như tăng trưởng tín dụng tốt lên.
Nguồn PLO: https://plo.vn/video/nhieu-cong-ty-viet-lai-ngan-ti-dong-post804929.html