Nhiều cụm công nghiệp ở Bà Rịa - Vũng Tàu để lãng phí đất đai, hạ tầng

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần tổ chức rà soát việc triển khai thực hiện quy hoạch các cụm công nghiệp tiểu thủ công nghiệp đã được phê duyệt.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT) hiện có 15/17 cụm công nghiệp đã được giao cho các doanh nghiệp và địa phương làm chủ đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 6 cụm công nghiệp đi vào hoạt động. Đâu là nguyên nhân các cụm công nghiệp trên địa bàn BRVT chậm trễ vận hành?

Cụm công nghiệp bỏ hoang

Cụm công nghiệp chế biến hải sản Bình Châu được khởi công vào năm 2014 và hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng vào năm 2019, trên tổng diện tích hơn 21 ha. Cũng trong năm 2019, công trình này đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng, được UBND huyện Xuyên Mộc bàn giao cho Công ty Đầu tư và khai thác Hạ tầng Khu công nghiệp Đông Xuyên và Phú Mỹ 1 (Công ty IZICO) trực tiếp quản lý. Tuy nhiên, đến nay công trình này vẫn chưa hoạt động.

Do chưa có giá thuê Cụm công nghiệp chế biến hải sản Bình Châu vẫn bỏ hoang.

Do chưa có giá thuê Cụm công nghiệp chế biến hải sản Bình Châu vẫn bỏ hoang.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho biết, hệ thống hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp chế biến hải sản Bình Châu đã hoàn thiện, được giao cho công ty IZICO quản lý, vận hành và xây dựng phương án đơn giá cho thuê đất. Tuy nhiên, UBND tỉnh vẫn chưa ban hành đơn giá chính thức cũng như các chính sách hỗ trợ có liên quan:

“Khó khăn khiến huyện vẫn chưa làm việc được với người dân là do UBND tỉnh chưa có quyết định chính thức về giá thuê đất. Mặc dù Sở tài chính đã có giá dự kiến là 70.000 đồng/m2, nhưng người dân vẫn chờ quyết định chính thức, vì trước đây đã có thông báo cho dân là 35.000 đồng/m2, giá này không thu phần hạ tầng. Sau này Sở Tài chính cho rằng những công trình như trên phải thu hồi vốn”, ông Khanh giải thích.

Còn tại Cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Long Phước, TP Bà Rịa mặc dù cũng đã hoàn thành xây dựng từ năm 2019 nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào hoạt động. Trước đây Cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Long Phước là khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, do UBND thành phố Bà Rịa làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng.

Ban đầu, khu này có quy mô 8,9 ha, được quy hoạch để phục vụ việc di dời các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Bà Rịa. Sau đó, nơi này được mở rộng thêm 1,9 ha cho đủ diện tích để chuyển thành cụm công nghiệp (10 ha) và đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh.

Ông Trần Thanh Dũng, Phó chủ tịch UBND thành phố Bà Rịa cho biết, hiện nay việc giao cho Công ty IZICO quản lý, vận hành khai thác là chưa phù hợp với quy định, do cụm công nghiệp này không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn.

“Vướng mắc ở chỗ Công ty IZICO là đơn vị sự nghiệp không có quyền cho thuê lại mà phải là doanh nghiệp. Thành phố đã họp bàn nhiều lần rồi nhưng hiện vẫn chưa có hướng tháo gỡ. Theo luật thì địa phương giao cho IZICO là sai vì đất này là nhà nước đầu tư, nếu để Sở Tài nguyên và môi trường ký hợp đồng giao đất thì phải qua đấu giá”, ông Dũng nêu vướng mắc.

Cách nào gỡ vướng?

Sở Công Thương tỉnh BRVT cho biết, đến nay có 15 cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh giao cho các doanh nghiệp và địa phương làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 5 cụm công nghiệp do doanh nghiệp làm chủ đầu tư và 1 cụm công nghiệp do Nhà nước làm chủ đầu tư thu hút được các dự án thứ cấp vào hoạt động, với 30 dự án, tổng vốn thực hiện khoảng 4.686 tỷ đồng và diện tích đất cho thuê hơn 102 ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân khoảng 30%.

Ngoài những khó khăn như đã nêu trên, còn có nguyên nhân do các thủ tục về đất đai, xây dựng và giải phóng mặt bằng đang làm chậm tiến độ thu hút nhà đầu tư tại các cụm công nghiệp.

Để tháo gỡ các vướng mắc, UBND tỉnh BRVT cho biết đã chỉ đạo các Sở, ngành liên quan cần rà soát, tính toán quy mô từng doanh nghiệp, công năng, năng lực sản xuất của từng loại hình cụ thể, để đảm bảo di dời các cơ sở sản xuất phù hợp với thực tế và theo hướng đổi mới công nghệ, tăng quy mô, công suất, hạn chế ô nhiễm môi trường và phát triển bền vững.

Cụm công nghiệp Long Phước từ năm 2019 đến nay luôn đóng cửa.

Cụm công nghiệp Long Phước từ năm 2019 đến nay luôn đóng cửa.

Riêng với trường hợp Cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Long Phước, theo ông Đinh Thanh Liêm, Phó Phòng quản lý công nghiệp, Sở Công Thương tỉnh BRVT, chỉ khi Công ty IZICO được UBND tỉnh chuyển đổi thành tổ chức kinh tế mới đủ điều kiện cho thuê lại đất và theo quy định hiện hành.

“Đối với các dự án thứ cấp đầu tư vào cụm công nghiệp đang bị vướng về thuê đất, tỉnh BRVT đang giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các ngành liên quan, tham mưu để chuyển đổi mô hình hoạt động của Công ty IZICO. Sau khi chuyển sang công ty cổ phần thì IZICO mới có cơ sở cho thuê đất, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phải hướng dẫn thủ tục này, sau đó mới ký hợp đồng cho thuê đất” ông Đinh Thanh Liêm chỉ rõ.

Để các cụm công nghiệp sớm đi vào hoạt động, tránh lãng phí đất đai, hạ tầng đã đầu tư, tỉnh BRVT cần tổ chức rà soát việc triển khai thực hiện quy hoạch các cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đã được duyệt. Đặc biệt là tập trung đánh giá việc thực hiện mô hình quản lý để khắc phục những tồn tại, hạn chế của từng cụm công nghiệp, sớm đưa các mô hình vào sản xuất, ổn định hoạt động của doanh nghiệp./.

Gia Khang/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/nhieu-cum-cong-nghiep-o-ba-ria-vung-tau-de-lang-phi-dat-dai-ha-tang-849035.vov