'Nhiều đại án làm chúng ta không khỏi giật mình vì thất thoát quá lớn'
Theo đại biểu Trần Quang Minh, chúng ta cần nhìn nhận lại lĩnh vực đầu tư công, vốn được cho là gây ra thất thoát, lãng phí thuộc nhóm đứng đầu.
Cần có công cụ đánh giá về sử dụng dịch vụ công
Thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 sáng 31/10, ĐBQH Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) quan tâm đối với giám sát về dịch vụ công; nhiều công trình, dự án sử dụng vốn Nhà nước bị thất thoát, lãng phí.
Theo đại biểu, cuộc giám sát tối cao thực hiện chính sách pháp luật và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vừa qua là một cuộc rà soát tương đối tổng thể, quy mô đối với lực lĩnh vực công. Đây là một cuộc giám sát khó về mặt lượng hóa của sự lãng phí, giá trị của việc thực hành tiết kiệm.
Khó khăn là vậy, nhưng dễ dàng nhận thấy sự lãng phí trong thực tế đối với các công trình, dự án, hoạt động cụ thể, từ việc lớn đến việc nhỏ ở hầu khắp các lĩnh vực được giám sát và kể cả chưa được giám sát.
Đại biểu đoàn Quảng Bình chỉ ra: “Nhiều đại án trong những năm qua làm cho chúng ta không khỏi giật mình vì thất thoát quá lớn trong khi đất nước còn khó khăn. Ngoài việc liên quan đến tham nhũng, không loại trừ nhận thức, ý thức trách nhiệm, lương tâm và trình độ, năng lực yếu kém của cán bộ lãnh đạo khi đưa ra quyết định không phù hợp, gây ra lãng phí nặng nề, tổn hại khôn lường”.
Đại biểu Quang Minh nêu điển hình về những hoạt động đầu tư ra nước ngoài hay hợp tác với nước ngoài kém hiệu quả, thua lỗ như trong thời gian vừa qua hay những con số thực sự cần phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc như: giai đoạn 2016- 2021 có nhiều dự án sử dụng vốn Nhà nước có thất thoát, lãng phí;
Hàng nghìn hecta đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật và nhiều con số đáng suy ngẫm khác. Lĩnh vực đầu tư công của chúng ta được cho là gây ra thất thoát, lãng phí thuộc nhóm đứng đầu.
Theo đại biểu, người Việt Nam được cho là thông minh, chăm chỉ, cần cù, trình độ đào tạo chuyên môn ngày một chú trọng nhưng năng suất lao động không cao. Ví dụ điển hình trong thời gian qua, đó là một trong 15 chỉ tiêu đề ra không đạt tốc là độ tăng năng suất lao động. Ngoài những lý do khách quan, chắc chắn có yếu tố chủ quan, sự lãng phí trong đào tạo, bố trí, phân luồng, sử dụng, quản lý nguồn nhân lực.
“Theo đó, đối với lĩnh vực công cần phải có những công cụ để đánh giá hiệu quả công việc mang tính định lượng thay vì định tính như hiện nay”, đại biểu Trần Quang Minhbày tỏ.
Tạo nguồn lực tăng trưởng
Phát biểu ý kiến, đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) nhìn nhận, không nên coi việc giám sát này là đơn thuần đối chiếu các loại định mức, tiêu chuẩn xem có phù hợp hay không. Bởi, có những lãng phí vô hình mà báo cáo không đề cập được, không đo đếm được.
Đồng thuận với nhiều nhận định về tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động, đại biểu cho rằng trong đánh giá cần bám sát thực tế hơn nữa, lấy thực tế làm thước đo đánh giá, trong đó cần đặc biệt chú ý việc các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương quản lý biên chế mà không tính đến quy mô dân số, quy mô biên chế.
Đại biểu cũng cho biết, do cơ chế, chính sách chưa thực sự phù hợp, đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng đã làm vùng Đông Nam Bộ nói chung và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng, dù có điều kiện, cơ hội, dư địa phát triển, nhưng đang cạn dần nguồn lực, động lực để tăng trưởng. Việc lãng phí cơ hội này có cần được nhận diện, đánh giá hay không?
Đại biểu Phạm Trọng Nhân cho biết, hiện nay, đất nước đang có nhiều ưu tiên để thực hiện, từ quy hoạch tổng thể quốc gia, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh. Nhưng theo đại biểu, điều quan trọng là nguồn lực tài chính để đảm bảo thực hiện các mục tiêu trên.
Do đó, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có ý nghĩa rất quan trọng, tạo điều kiện cởi các nút thắt, tạo nguồn lực tăng trưởng cho đất nước.