Nhiều 'đại bàng' FDI đang tìm kiếm nguồn năng lượng xanh quy mô lớn tại Việt Nam
Theo ông Stuart Livesey, đại diện của Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, Nike, Foxconn, cùng các trung tâm dữ liệu, đang tích cực tìm kiếm các nguồn năng lượng xanh quy mô lớn tại Việt Nam. Muốn thu hút và giữ chân được các 'đại bàng' này, Việt Nam cần bảo đảm nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng mới sẵn có trên diện rộng.
Tự chủ và bảo đảm an ninh năng lượng là chìa khóa tăng trưởng hai con số
- Trong phiên thảo luận tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam năm 2025 vào chiều qua, 31.3, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của năng lượng tái tạo và năng lượng mới đối với nền kinh tế Việt Nam. Theo ông, các nguồn năng lượng này có vai trò như thế nào trong việc giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững?
- Từ góc độ an ninh năng lượng, một phần lớn sản lượng năng lượng của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu nhập khẩu, như than, dầu, khí đốt từ các nước láng giềng như Trung Quốc và Lào. Điều này có nghĩa Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi sự biến động của thị trường quốc tế khi giá nhiên liệu và chính sách xuất khẩu nhiên liệu của các thị trường đó thay đổi.
Khi ngày càng tự chủ trong ngành công nghiệp năng lượng, Việt Nam sẽ ở vị trí rất thuận lợi để phát triển bền vững và tự lực, đồng thời cân đối chi phí hiệu quả hơn. Điều này sẽ tạo ra nền tảng ổn định và phát triển cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài, đáp ứng nhu cầu điện xanh của một quốc gia phát triển với thu nhập trung bình như Việt Nam. Tự chủ năng lượng và bảo đảm an ninh năng lượng là chìa khóa để giải quyết bài toán tiếp tục tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam.
Tôi tin rằng nhu cầu về điện gió ngoài khơi ở Việt Nam sẽ ngày càng lớn khi nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao để phục vụ dân số 100 triệu người và các ngành công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp FDI cần tiêu thụ nhiều điện tại Việt Nam như Samsung, Nike, Foxconn, hay các trung tâm dữ liệu, đang tích cực tìm kiếm các nguồn năng lượng xanh đã được kiểm định với quy mô lớn, và còn rất nhiều “đại bàng” khác sẽ đến Việt Nam.
Nếu Việt Nam muốn thu hút và giữ chân được các “đại bàng” này thì cần bảo đảm nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng mới sẵn có trên diện rộng. Năng lượng xanh đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi kinh tế bền vững của Việt Nam.
Một điểm đáng chú ý nữa là tại COP26, Việt Nam đã cam kết đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng, tuy nhiên Việt Nam may mắn có nền kinh tế đang phát triển và những điều kiện thuận lợi để cho nhiều loại công nghệ truyền tải và tạo ra các loại hình năng lượng tái tạo khác nhau.
Khi những công nghệ này được đưa vào ngành năng lượng với khối lượng đủ lớn, đi cùng hệ thống quản lý, phát triển lưới điện hiệu quả, đầu tư vào hiệu quả năng lương và tích hợp các giải pháp lưu trữ, năng lượng tái tạo sẽ là yếu tố then chốt cho tương lai phát triển bền vững của Việt Nam.

Ông Stuart Livesey, đại diện của Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) tại Việt Nam
- Điện gió ngoài khơi đang được coi là một trong những nguồn năng lượng tiềm năng lớn của Việt Nam. Ông có thể chia sẻ về các cơ hội và thách thức mà Việt Nam sẽ phải đối mặt khi phát triển lĩnh vực này trong bối cảnh thị trường năng lượng quốc tế đang thay đổi nhanh chóng?
- Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển điện gió ngoài khơi. Tốc độ gió ở khu vực Nam Trung Bộ rất tốt, đặc biệt ở các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, tốc độ gió lớn hơn nhiều so với các nơi khác ở châu Á và cường độ gió đủ mạnh để có thể khai thác quanh năm.
Bên cạnh đó, phần lớn vùng nước chạy dọc bờ biển Việt Nam khá nông, và khu vực có gió nằm gần bờ, nên có thể xây dựng các công trình đóng móng trực tiếp xuống đáy biển với chi phí hợp lý, không phức tạp và tốn kém như các công trình xây nổi trên mặt nước.
Việt Nam cũng có nhiều điểm sáng để thúc đẩy ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi như: dân số gia tăng đi cùng nhu cầu năng lượng ngày càng cao; Chính phủ nỗ lực tìm cách giảm phụ thuộc vào việc nhập khẩu năng lượng và nhiên liệu hóa thạch, đồng thời cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0; nhiều doanh nghiệp FDI muốn sử dụng năng lượng xanh.
Với hạ tầng lưới điện sẵn có và hiệu quả, cùng cơ sở hạ tầng cảng đã phát triển ở mức hợp lý, Việt Nam có nền tảng thuận lợi cho quá trình chuyển dịch, với lợi thế sẵn có từ ngành công nghiệp khai thác dầu khí ngoài khơi cũng như kinh nghiệm xây dựng trên đất liền. Nhiều công ty tại Việt Nam đã có kinh nghiệm cung cấp thiết bị điện gió ngoài khơi cho Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, châu Âu và Hoa Kỳ.
Bên cạnh những lợi thế kể trên, thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức. Tiến độ dự án bị trì hoãn do những chậm trễ trong việc hoạch định chính sách, cùng với nhu cầu về nguồn lực cho chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng tăng, trong khi các bước chuẩn bị cho việc phát triển dự án, như việc thực hiện khảo sát các dự án điện gió ngoài khơi, vẫn chưa được triển khai. Điều này làm nản lòng nhiều đơn vị phát triển, khiến họ chuyển hướng sang các thị trường khác được coi là ổn định và có rủi ro thấp hơn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mọi thứ bắt đầu đi đúng hướng.
- Vì sao ông nhận định như vậy?
- Đó là bởi Luật Điện lực (sửa đổi) được Quốc hội thông qua vào tháng 11.2024, có hiệu lực từ tháng 2.2025 đã thiết lập hành lang pháp lý cho phát triển điện gió ngoài khơi. Các nghị định hướng dẫn Luật này đang được soạn thảo. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 65/2025/NĐ-CP để sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 11/2021/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Sau khi Nghị định này có hiệu lực vào ngày 2.5.2025, các đơn vị phát triển dự án có thể nộp hồ sơ đề nghị giao khu vực biển cho các hoạt động khảo sát ngoài khơi.
Với những chuyển biến tích cực này, nếu bắt đầu khảo sát đáy biển và các hoạt động liên quan đến điện gió ngoài khơi trong năm nay, Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng trở thành trung tâm năng lượng tái tạo và hoàn thành mục tiêu cam kết tại COP26 vào năm 2050.
Việc xóa bỏ các rào cản đối với việc phát triển năng lượng xanh từ các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư quy mô lớn hiện tại và tương lai cho các trung tâm sản xuất và chế tạo tại Việt Nam, đặc biệt là trung tâm công nghệ cao, mà còn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào các dự án trị giá hàng tỷ đô la này và thiết lập nền tảng vững chắc để hỗ trợ quá trình Việt Nam tăng trưởng GDP hai chữ số.

Ông Stuart Livesey (thứ hai từ trái qua) tham gia phiên thảo luận tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2025. Ảnh: PL
Việt Nam nên tập trung phát triển điện mặt trời, điện gió
- Nhiều chuyên gia cho rằng, với vị trí chiến lược, nguồn năng lượng tái tạo dồi dào và nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm tiềm năng cho sản xuất hydrogen. Theo ông, liệu Việt Nam có thể trở thành một trung tâm sản xuất hydrogen trong tương lai gần không?
- Trong bối cảnh công nghệ Power-to-X (PtX) và hydrogen đang phát triển nhanh, Việt Nam có tiềm năng lớn để nắm vai trò chủ chốt trong ngành công nghiệp này nhờ có tài nguyên năng lượng phong phú, cụ thể là điện gió ngoài khơi.
Đứng trước cam kết Net Zero vào năm 2050 của Chính phủ và nhu cầu về hydrogen ngày càng tăng trên toàn cầu, Việt Nam có cơ hội chiến lược để phát triển ngành công nghiệp hydrogen có sức cạnh tranh cao. Các công nghệ này có thể hoạt động độc lập hoặc kết hợp với ngành điện gió ngoài khơi, mang lại một giải pháp có giá trị để tránh thất thoát năng lượng hay đáp ứng nhu cầu cung cấp năng lượng dưới các loại hình khác, ví dụ như lưu trữ pin, chuyển đổi electron thành nguyên tử hydro dưới dạng amoniac hoặc khí hydro.
Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức mà Việt Nam cần vượt qua để trở thành trung tâm sản xuất hydrogen.
- Những thách thức đó là gì, thưa ông?
- Đầu tiên, Việt Nam hiện thiếu một khung quy định rõ ràng về sản xuất, vận chuyển và xuất khẩu hydro. Các chính sách và ưu đãi phải được thiết lập để thu hút đầu tư và đảm bảo sự ổn định lâu dài của thị trường.
Sản xuất hydro xanh cũng đòi hỏi phải có các nhà máy điện phân, cơ sở lưu trữ và mạng lưới vận chuyển quy mô lớn. Tuy nhiên, những hạ tầng này vẫn đang trong giai đoạn quy hoạch ban đầu tại Việt Nam.
Hơn nữa, một ngành công nghiệp hydro bền vững cần đảm bảo quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân mua điện trong nước và quốc tế, cũng như thiết lập các cơ chế định giá cạnh tranh.
Mặc dù chi phí năng lượng tái tạo ở Việt Nam tương đối thấp, nhưng tổng chi phí sản xuất hydro xanh cần phải giảm thông qua các tiến bộ về công nghệ và quy mô kinh tế.
Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) có nhiều kinh nghiệm phát triển các dự án điện gió ngoài khơi và PtX trên toàn thế giới. Dù giá thành PtX và hydro xanh vẫn còn rất cao cho Việt Nam hiện tại, nhưng chi phí có thể giảm nhanh cùng với các tiến bộ về công nghệ. Nếu Việt Nam có thể bắt kịp xu hướng và có sự chuẩn bị phù hợp, bao gồm đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao, chuẩn bị nguồn lực tài chính tốt và hợp tác với các đối tác có năng lực như CIP, tôi tin rằng Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm của PtX và hydro xanh ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Theo ý kiến cá nhân của tôi, trong 5 - 10 năm tới, bên cạnh cải tiến công nghệ, chờ đến khi chi phí giảm xuống và nhu cầu tăng cao, trọng tâm ngắn hạn Việt Nam nên tập trung vào năng lượng tái tạo đã có lịch sử phát triển lâu đời hơn, như điện mặt trời, điện gió trên bờ và gần bờ, và điện gió ngoài khơi công suất cơ bản cao, hiện phù hợp hơn với bối cảnh thị trường Việt Nam hơn.

Cánh đồng điện gió Đầm Nại, Ninh Thuận. Nguồn: ITN
- Cùng với những tiềm năng mà năng lượng tái tạo và năng lượng mới mang lại, ông cũng có thể chia sẻ về những rào cản cần vượt qua trong quá trình phát triển và triển khai các công nghệ này tại Việt Nam, từ góc độ chính sách, đầu tư và cơ sở hạ tầng?
- Mặc dù một số quy định quan trọng về năng lượng tái tạo đã được thông qua, nhưng các chính sách này vẫn chưa đem lại cảm giác an toàn cho nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam, và các doanh nghiệp trong nước chưa được cấp phép cho các khoản đầu tư quy mô lớn và cần thiết đối với công tác xây dựng - cung ứng của những dự án này. Thị trường không ổn định và rủi ro cao trong khi quá trình đưa dự án ra thị trường lại chưa rõ ràng.
Vì vậy, tôi cho rằng, Chính phủ cần có kế hoạch rõ ràng về từng giai đoạn phát triển, thi công và vận hành dự án, với sự bảo đảm về mặt thời gian, quy trình đưa ra quyết định rõ ràng, có tính ổn định, cơ chế về giá mua điện cùng sự sẵn sàng về cơ sở hạ tầng lưới điện và cảng liên quan. Đối với các nhà đầu tư, các chính sách rõ ràng, quy trình minh bạch và phê duyệt kịp thời là rất quan trọng để đảm bảo các dự án có thể được bàn giao đúng thời hạn và trong ngân sách dự kiến, bảo đảm các bên mua điện ở mức giá điện tối ưu.
Việc một bên tiến hành thực hiện khảo sát ngoài khơi trước khi đấu thầu cũng cần đưa vào tiêu chí cộng điểm trong quá trình đấu thầu và trao thầu. Công tác khảo sát chỉ nên được triển khai khi đã các đơn vị phát triển dự án đã cam kết rót vốn và đầu tư nguồn lực, đồng thời có quy trình rõ ràng về việc trao thầu và yếu tố giá điện không thông qua đàm phán.
Ngoài ra, những yếu tố chưa minh bạch khiến các doanh nghiệp FDI chưa quyết định đầu tư. Với các lĩnh vực khác như công nghiệp và sản xuất, các nhà đầu tư hiểu rõ các quy định và có thể tự tính chính xác lợi nhuận từ khoản đầu tư của mình, trong khi các nhà đầu tư về năng lượng mới lại chưa có được sự rõ ràng đó.
Việt Nam cần mang lại sự bảo đảm của thị trường năng lượng trong nước, thuyết phục các doanh nghiệp FDI rằng đây là môi trường đầu tư an toàn, minh bạch và được kiểm soát chặt chẽ. Thông điệp này cần được truyền đạt nhất quán từ Chính phủ đến các bộ ngành và cơ quan quản lý tại địa phương để các quyết định được đưa ra kịp thời.
Cùng với đó, Việt Nam cần nâng cấp hệ thống truyền tải điện, hệ thống cảng, hậu cần và chuỗi cung ứng địa phương để đáp ứng sự phát triển của ngành năng lượng trong tương lai.
- Xin cảm ơn ông!