Chung tay phát triển nguồn lợi thủy sản
Nhân kỷ niệm 66 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (1-4-1959 - 1-4-2025), Sở Nông nghiệp và Môi trường vừa phối hợp với Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) tổ chức lễ phát động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản với chủ đề “Chung tay bảo vệ biển cả - Xây dựng tương lai bền vững”.
Thả giống tái tạo nguồn lợi
Theo ông Lê Đình Khiêm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Biển và Hải đảo, liên tục từ năm 1992 đến nay, cứ đến dịp Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam, ngành Nông nghiệp tỉnh lại phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp và ngư dân tổ chức hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản. Mỗi năm, có rất nhiều con giống đã được thả xuống để tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các đầm, vịnh trong tỉnh như: Đầm Bấy (TP. Nha Trang), đầm Nha Phu (thị xã Ninh Hòa), đầm Thủy Triều (huyện Cam Lâm), vịnh Vân Phong. Qua đó, góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức của cộng đồng, ngư dân về việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ, bảo vệ đa dạng sinh học…

Các loại cá biển có giá trị kinh tế cao được thả xuống Khu Bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào để tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Năm nay, hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản được Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức tại Khu Bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh) đã nhận được sự tham gia tích cực của các đơn vị, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản, ngư dân. Đây cũng là năm có số lượng con giống được thả nhiều nhất từ trước đến nay, với hơn 2,6 triệu con giống thủy sản các loại, gồm: 1,14 triệu con tôm sú; 1,4 triệu con ngao hai cồi; 10.000 con ốc hương; số còn lại là các loại cá biển có giá trị kinh tế cao như: Cá chẽm, cá chim vây vàng, cá mú đen, cá mú trân châu, cá hồng mỹ…
Bà Nguyễn Thu Trang - đại diện MCD cho biết: “Những năm qua, trung tâm đã tích cực đồng hành với ngành Nông nghiệp Khánh Hòa triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo vệ hệ sinh thái biển, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Qua hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản lần này, MCD mong muốn cộng đồng ngư dân sẽ nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc khai thác thủy sản một cách hợp lý, tuân thủ quy định của pháp luật và tích cực tham gia vào các mô hình đồng quản lý tại địa phương. Với việc thả giống thủy sản tại Khu Bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào, chúng ta đang góp phần tái tạo nguồn lợi và bảo vệ cân bằng tự nhiên cho hệ sinh thái biển quan trọng này, tạo nguồn lợi và sinh kế bền vững cho cộng đồng ngư dân trong khu vực”.
Cần sự chung tay của cả cộng đồng
Những năm qua, do tác động của nhiều yếu tố như: Khai thác quá mức, ô nhiễm môi trường nước, biến đổi khí hậu… nên nguồn lợi thủy sản tại nhiều vùng biển ven bờ, sông ngòi đã suy giảm nghiêm trọng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hệ sinh thái mà còn tác động trực tiếp đến đời sống và sinh kế của ngư dân. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, các đơn vị, địa phương và chính cộng đồng ngư dân trong tỉnh đã chung tay thực hiện nhiều giải pháp thiết thực nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản như: Chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi sang nghề khai thác thân thiện với môi trường; các tổ đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã tích cực phối hợp với lực lượng chức năng để ngăn chặn, xử lý những hành vi khai thác mang tính chất hủy diệt, ảnh hưởng môi trường, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ các khu bảo tồn, hệ sinh thái biển. Hằng năm, các tổ chức, cá nhân và ngư dân đã chung tay đóng góp thả ra biển hàng triệu con giống thủy sản có giá trị như: Tôm sú, cá biển, hải sâm… góp phần phục hồi hệ sinh thái và sự phát triển bền vững của nghề cá.

Trao con giống hỗ trợ Tổ cộng đồng xã Vạn Hưng phát triển sinh kế, bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào.
Ngoài ra, công tác bảo vệ nguồn lợi, hệ sinh thái biển của tỉnh còn nhận được sự hỗ trợ của nhiều đơn vị, tổ chức, trong đó có MCD. Đơn cử như tại Rạn Trào, MCD đã nỗ lực hỗ trợ thực hiện giao quyền quản lý Khu bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào cho Tổ cộng đồng xã Vạn Hưng; hỗ trợ tổ cộng đồng xây dựng phương án bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tập huấn cho tổ cộng đồng về đánh giá nguồn lợi thủy sản, lập kế hoạch hoạt động, kỹ năng bảo vệ hệ sinh thái biển... Lần này, MCD tặng cho Tổ cộng đồng xã Vạn Hưng 8.000 con cá chim, 3.000 dây hàu, vẹm, 10.000 cụm rong sụn để phát triển sinh kế cho các thành viên tổ cộng đồng.
Ông Nguyễn Trọng Chánh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: “Khánh Hòa là một trong những tỉnh sớm ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; là 1 trong 11 tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; việc tổ chức hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản được tỉnh triển khai hằng năm. Tuy nhiên, việc bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản không chỉ dừng lại ở hoạt động thả giống mà còn cần sự chung tay của toàn xã hội trong bảo vệ môi trường biển; cần cộng đồng ngư dân thực hiện nghiêm túc các quy định về khai thác thủy sản, hạn chế, tiến tới chấm dứt đánh bắt mang tính chất hủy diệt. Mỗi hành động nhỏ như: Không xả rác xuống sông, xuống biển; sử dụng ngư cụ hợp lý... sẽ góp phần quan trọng vào việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản”.