Nhiều đàn ông làm ngơ khi phụ nữ bị bắt nạt công sở?

Không ít nam giới cho rằng phụ nữ tự bịa đặt ra vấn đề bất bình đẳng giới để che giấu cho thiếu sót của bản thân.

Zing trích dịch bài đăng từ The Lily, đề cập đến nạn phân biệt giới tính và những định kiến của nam giới đối với đồng nghiệp nữ tại chốn công sở.

Sau khi bị quấy rối tình dục tại công ty vào năm 2018, Ariella Steinhorn quyết định nghỉ việc và tìm một chỗ làm khác.

Chuyên viên truyền thông sinh năm 1993 hy vọng rằng cơ hội tiếp theo của cô sẽ là một nơi có văn hóa công sở tiên tiến, hòa nhập và tôn trọng hơn.

 Định kiến giới ở chỗ làm là nguyên nhân ngăn cản sự thành công của phụ nữ. Ảnh: Shutterstock.

Định kiến giới ở chỗ làm là nguyên nhân ngăn cản sự thành công của phụ nữ. Ảnh: Shutterstock.

Ariella lựa chọn gia nhập một công ty công nghệ thiên về chế tạo, lắp đặt. Họ đang cần một người kể chuyện thương hiệu. Đồng nghiệp của cô hầu hết là đàn ông.

“Hồi đó tôi còn non dạ. Tôi sợ thất nghiệp sẽ hết tiền nên đã vội vàng nộp đơn xin việc vào công ty công nghệ nhỏ này ở New York. Nhưng tôi lại 'tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa'”, cô kể lại.

Bị gạt ra rìa, nghi ngờ chuyên môn

Công việc mới chẳng hề như những gì Ariella mong đợi. Cô phải đối mặt với hàng loạt vấn đề từ phía lãnh đạo và đồng nghiệp - đều là nam giới.

Người sáng lập công ty không thích gặp trực tiếp Ariella để trao đổi công việc, còn những người làm cùng công ty thường phớt lờ cô.

“Tôi bị gạt ra khỏi mọi cuộc họp. Họ không thừa nhận tôi. Mặc dù đã cố gắng giữ tinh thần tích cực, tôi cảm thấy rất buồn”, Ariella chia sẻ.

Sau vài tháng cố gắng kết thân với các đồng nghiệp trong ban, một người khuyên Ariella rằng cô nên bỏ việc đi bởi ban lãnh đạo không thích làm việc với cô.

Cuối cùng, nữ chuyên viên truyền thông kiệt quệ sức khỏe do quá căng thẳng khi phải chịu đựng môi trường làm việc như vậy. “Cơ thể tôi như muốn nói rằng ‘Bạn cần phải thoát khỏi tình trạng này’”.

Sự việc đáng tiếc của Ariella không phải trường hợp duy nhất xảy ra tại chốn công sở. Theo kết quả phân tích năm 2020 của McKinsey và LeanIn, hơn 2/3 phụ nữ phải đối mặt với những bất công tại môi trường làm việc của họ.

 Phụ nữ da màu là nạn nhân bị "bắt nạt" nhiều hơn cả. Ảnh: Getty Images.

Phụ nữ da màu là nạn nhân bị "bắt nạt" nhiều hơn cả. Ảnh: Getty Images.

Trong đó, những phụ nữ da màu, đặc biệt là phụ nữ da đen, chịu sự phân biệt đối xử nhiều hơn cả. Họ cũng là đối tượng bị chất vấn và yêu cầu cung cấp thêm bằng chứng về năng lực chuyên môn.

Định kiến giới tại nơi làm việc không phải là vấn nạn mới. Nó đã tồn tại trong rất nhiều năm.

Tuy nhiên, một cuộc khảo sát được công bố vào đầu năm nay tiết lộ rằng: Đàn ông không nhận thấy nạn bất bình đẳng giới tồn tại ở chỗ làm như phụ nữ, đồng thời số lượng nam giới nắm giữ vị trí lãnh đạo nhiều hơn.

Đó có thể là “gốc rễ” của vấn đề mà Ariella gặp phải.

Một nghiên cứu do Stanford Biodesign thực hiện cho thấy 90% trên tổng số 400 người được hỏi đang làm việc tại một công ty mà phần lớn lãnh đạo cấp cao là nam giới.

80% số đàn ông trả lời khảo sát tin rằng chỗ làm của họ “đã trao quyền cho phụ nữ, cũng như phát huy hết tiềm năng của nữ giới”, trong khi chỉ khoảng 36% phụ nữ đồng tình.

Nam giới bàng quan

Khi Ariella đề cập đến vấn đề định kiến giới trong một cuộc họp, những đồng nghiệp nam của cô đã rất kinh ngạc.

“Các nam đồng nghiệp bảo tôi rằng phụ nữ bịa đặt ra những chuyện đó để cảm thấy tốt hơn về thiếu sót của bản thân”, Ariella kể lại.

Cô nói thêm: “Họ khẳng định lỗi là ở phía tôi khi tôi đề cập đến chuyện bị phân biệt đối xử. Theo quan điểm của các nam đồng nghiệp, vì là phụ nữ nên tôi không rành về kỹ thuật, dẫn đến chuyện không phù hợp văn hóa làm việc của công ty. Nhưng sự thật là chuyên môn của tôi chẳng kém ai”.

 Tiếng nói của phụ nữ không được xem trọng như đồng nghiệp nam. Ảnh: iStock.

Tiếng nói của phụ nữ không được xem trọng như đồng nghiệp nam. Ảnh: iStock.

Katy, một thư ký của công ty luật về quyền lao động ở thành phố Minneapolis (Mỹ), cho biết sự khác biệt nhận thức giữa nam và nữ giới cũng tồn tại ở chỗ làm của cô.

“Tôi và các đồng nghiệp nữ đều từng là nạn nhân của định kiến giới tại công ty, như ngắt lời giữa chừng hoặc trò chuyện qua loa, thiếu tôn trọng”, Katy chia sẻ.

“Nam giới ở chỗ làm của tôi có một quan niệm thế này: Chỉ cần bạn cống hiến hết mình cho công việc, bạn sẽ tự ‘miễn nhiễm’ với mọi thành kiến thôi. Có thể thấy, họ chẳng để ý đến sự bất bình đẳng giới tồn tại trong công ty”, cô nói thêm.

Katy cảm thấy mệt mỏi. Trên đường đi làm, không ít lần cô bị quấy rối tình dục tại các phương tiện giao thông công cộng. Đến công ty, cô tiếp tục phải đối mặt với một môi trường làm việc bất bình đẳng giới.

Trớ trêu thay, những người tạo ra bầu không khí đó lại là các luật sư thường xuyên biện hộ cho nạn nhân bị phân biệt đối xử tại nơi làm việc.

Ngay cả Thạc sĩ Lyn Denend, trưởng nhóm thực hiện nghiên cứu trên của Stanford Biodesign, cũng chịu sự định kiến giới trong giới học thuật. Tuy nhiên, điều khiến cô sốc hơn cả là việc các đồng nghiệp nam không nhận ra vấn đề đó.

Bên cạnh đó, tại các sự kiện giáo dục lớn, Lyn nhận thấy phụ nữ thường tranh thủ nghỉ giải lao để dọn dẹp không gian hội nghị, trong khi nam giới trò chuyện cùng nhau và uống cà phê.

 Phụ nữ thường bị đẩy ra ngoài các cuộc hội thoại, hoặc không được trao cơ hội thể hiện năng lực làm việc. Ảnh: Shutterstock.

Phụ nữ thường bị đẩy ra ngoài các cuộc hội thoại, hoặc không được trao cơ hội thể hiện năng lực làm việc. Ảnh: Shutterstock.

Nhóm nghiên cứu của Lyn phát hiện rằng những định kiến trong nhận thức của đàn ông là lý do gây ra sự phân biệt đối xử tại nơi làm việc.

Nam giới cho rằng phụ nữ không thể thành công trong sự nghiệp vì muốn cân bằng giữa công việc và gia đình. Nhưng nữ giới chỉ ra rằng chính sự rập khuôn đó mới là rào cản của họ, đẩy họ ra rìa khỏi các cuộc hội thoại và mạng lưới liên quan đến nghề nghiệp.

Trong một bài đăng gần đây trên Harvard Business Review, Thạc sĩ Lyn đã vạch ra 10 giải pháp nhỏ, đơn giản để các doanh nghiệp có thể thích ứng và sử dụng để chống lại sự phân biệt giới tính như thay đổi phong cách giao tiếp, tránh các định kiến rập khuôn đối với mỗi người...

“Những sáng kiến lớn lao thường thất bại vì chúng cao cả quá. Nếu bắt đầu bằng những thay đổi nhỏ mà hiệu quả, dần dần chúng ta sẽ đạt được thành công”, cô nói.

Về phía Ariella, cô quyết định rời công ty sau khi nghe những lời chỉ trích, phản đối của các đồng nghiệp nam về nạn bất bình đẳng giới.

Cô không chỉ làm chủ một doanh nghiệp truyền thông, mà còn giúp kết nối những trường hợp bị phân biệt giới tính ở chốn công sở với các luật sư, tư vấn việc làm…

“Tôi được làm việc với những người thực sự dũng cảm, dám cất lên tiếng nói về văn hóa làm việc độc hại, đầy định kiến giới. Tôi rất thích công việc mới này. Thật tuyệt khi được đóng góp sức mình để thay đổi xã hội”, cô nói.

Hồng Chang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhieu-dan-ong-lam-ngo-khi-phu-nu-bi-bat-nat-cong-so-post1154011.html