Nhiều ĐBQH phản ánh tại nghị trường về tình trạng thiếu nước sạch nghiêm trọng

Theo nhiều đại biểu cho biết, trong năm qua diễn ra việc thiếu nước sạch nhiêm trọng tại một số địa phương trên cả nước. Việc thiếu nước sạch đến từ nhiều nguyên nhân, tuy nhiên để khắc phục tình trạng này cần Chính phủ cần có những giải pháp tích cực.

Sáng ngày 30/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Tiền Giang) đã nêu lên thực trạng về thiếu nước sạch trong sinh hoạt, trong năm qua diễn ra việc thiếu nước sạch nghiêm trọng ở một số địa phương trên cả nước.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do nhiều nguyên nhân khác nhưng có chung hệ quả là thiếu nước sạch. Nước sạch không phải là nguồn tài nguyên vô tận, một số địa phương đã phản ánh việc quá tải trong việc khai thác nguồn nước ngầm.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải cũng kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp tích cực trong xử lý nguồn nước, tái sử dụng nguồn nước trong sinh hoạt, giảm dần việc khai thác nước mặt, nước ngầm.

"Chúng ta phải sử dụng tiết kiệm nguồn nước có hạn, đảm bảo cho các thế hệ sau có nước sạch để sử dụng, để tránh tình trạng đời cha ăn mặn, đời con khát nước", đại biểu Nguyễn Thanh Hải cảnh báo.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (đoàn Nghệ An) lại phát biểu, năm 2019 dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, phát triển đồng đều tất cả các ngành, các lĩnh vực. Đạt được những kết quả đó có sự nỗ lực của Chính phủ, quyết tâm cao trong đổi mới, chỉ đạo. Hiện nay, việc thực thi pháp luật của chúng ta đang có vấn đề, do hệ thống pháp luật còn chồng chéo, bất cập nhưng chưa có những giải pháp để tháo gỡ.

Theo đó, tinh thần kiến tạo, đổi mới của Chính phủ chưa được đề cao, còn các cơ quan, tổ chức thì đùn đẩy trách nhiệm. Tình trạng thiếu chặt chẽ trong quản lý nhà nước cũng dẫn đến nhiều hệ lụy, tiêu biểu là các sự việc như vi phạm của Công ty Alibaba, vụ cháy nhà máy phích nước Rạng Đông và ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.

"Đừng để người dân phải chịu trách nhiệm vì sự tắc trách của chính quyền", đại biểu Hiền nói.

Lê Bảo

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nhieu-dbqh-phan-anh-tai-nghi-truong-ve-tinh-trang-thieu-nuoc-sach-nghiem-trong-20191030110017627.htm