Nhiều đề xuất bỏ bảo hiểm xe máy bắt buộc, Bộ Tài chính nói không

Cử tri đề nghị bỏ bảo hiểm xe máy bắt buộc vì thủ tục phức tạp. Bộ Tài chính khẳng định đây là chính sách cần thiết, giúp bảo vệ quyền lợi và giảm thiểu rủi ro giao thông.

 Bảo hiểm bắt buộc xe máy không chỉ là biện pháp bảo vệ tài chính cho các bên liên quan khi xảy ra tai nạn mà còn là công cụ hỗ trợ an sinh xã hội. Ảnh: Văn Nguyện.

Bảo hiểm bắt buộc xe máy không chỉ là biện pháp bảo vệ tài chính cho các bên liên quan khi xảy ra tai nạn mà còn là công cụ hỗ trợ an sinh xã hội. Ảnh: Văn Nguyện.

Trước kiến nghị của cử tri về việc xem xét chuyển đổi bảo hiểm xe máy từ hình thức bắt buộc sang tự nguyện, Bộ Tài chính đã đưa ra phản hồi, làm rõ lý do và cơ sở pháp lý cho quy định hiện hành.

Cụ thể, nhiều cử tri tại các địa phương đề nghị điều chỉnh quy định để bảo hiểm xe máy trở thành tự nguyện, với lý do thủ tục bồi thường bảo hiểm còn phức tạp và gây khó khăn khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính nhấn mạnh rằng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bao gồm bảo hiểm xe máy, đã được thực hiện từ năm 1988 và là một trong những công cụ quan trọng để bảo vệ quyền lợi của người tham gia giao thông.

Bộ Tài chính chỉ ra rằng trên thế giới, các quốc gia đều áp dụng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với chủ xe cơ giới, bao gồm ôtô, mô tô, xe máy, và thậm chí cả xe đạp điện. Điều này đúng không chỉ ở các nước phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, mà còn ở các nước đang phát triển như Ấn Độ, Trung Quốc và nhiều quốc gia ASEAN.

Tại Việt Nam, xe máy vẫn là phương tiện giao thông chính và đồng thời là nguồn gây tai nạn lớn nhất, chiếm tới 63,48% các vụ tai nạn giao thông.

Vì vậy, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với xe máy không chỉ giúp bảo vệ người thứ 3 mà còn đảm bảo quyền lợi cho người dân khi không may gây ra tai nạn.

Theo Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2024, chỉ khoảng 6,5 triệu xe máy tham gia bảo hiểm bắt buộc, chiếm khoảng 9% tổng số xe máy lưu hành trên cả nước (ước tính khoảng 72 triệu chiếc).

Mặc dù mức phí bảo hiểm chỉ từ 55.000 đồng đến 60.000 đồng, quyền lợi bảo hiểm có thể lên tới 150 triệu đồng/người cho thiệt hại về tính mạng và 50 triệu đồng/vụ cho thiệt hại tài sản.

Cũng trong nửa đầu năm 2024, doanh thu từ loại hình bảo hiểm này đạt 431,78 tỷ đồng, trong khi chi bồi thường là 41,9 tỷ đồng và dự phòng bồi thường là 35,86 tỷ đồng. Số liệu này chưa bao gồm các chi phí quản lý, hoa hồng và các khoản chi khác.

Bộ Tài chính thừa nhận rằng còn tồn tại bất cập trong thủ tục bồi thường bảo hiểm và cho biết đã có những điều chỉnh quan trọng trong Nghị định số 67/2023/NĐ-CP, ban hành ngày 6/9/2023. Các quy định mới đã đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục bồi thường, đồng thời tăng cường bảo vệ quyền lợi người mua bảo hiểm.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm để đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ hơn về quyền lợi và trách nhiệm của mình khi tham gia bảo hiểm.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ tăng cường công tác thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Ngoài việc tăng cường tuyên truyền, Bộ Tài chính cam kết nghiên cứu các giải pháp đơn giản hóa thủ tục, đảm bảo quy trình bồi thường diễn ra nhanh chóng, minh bạch và đúng quy định. Đồng thời, Bộ cũng nhấn mạnh việc cần thiết áp dụng các biện pháp để ngăn chặn hành vi trục lợi bảo hiểm, góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân.

Bảo hiểm bắt buộc xe máy không chỉ là biện pháp bảo vệ tài chính cho các bên liên quan khi xảy ra tai nạn mà còn là công cụ hỗ trợ an sinh xã hội, giúp giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước trong trường hợp xảy ra các sự cố giao thông nghiêm trọng.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhieu-de-xuat-bo-bao-hiem-xe-may-bat-buoc-bo-tai-chinh-noi-khong-post1525733.html