Nhiều đề xuất, gợi mở chính sách phục hồi và phát triển bền vững
Với một phiên toàn thể, tọa đàm cấp cao và 2 phiên chuyên đề - thảo luận bàn tròn gói gọn trong một ngày, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 đã thu được 'đầy ắp' thông tin có chất lượng cao, cả về mặt lý luận và thực tiễn. Thông qua các tham luận, ý kiến trao đổi, đối thoại, hỏi - đáp tại Diễn đàn, nhiều đề xuất, gợi mở, hàm ý, khuyến nghị về chính sách tài khóa, tiền tệ, chính sách an sinh xã hội, lao động - việc làm… hỗ trợ Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được đưa ra, phân tích, soi chiếu dưới nhiều chiều kích, có sự gắn kết giữa chính sách và chất liệu thực từ cuộc sống. Như nhận định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, 'diễn đàn của chúng ta rất mở, đa chiều và rất toàn diện'.
Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi
“Mở, đa chiều", song hầu hết ý kiến cũng như tham luận của các diễn giả, nhà khoa học, đại diện tổ chức quốc tế tại Diễn đàn lại “gặp nhau” ở những đánh giá về tình hình cũng như cơ hội, triển vọng phục hồi, phát triển của kinh tế Việt Nam, mặc cho đại dịch Covid-19, với biến chủng mới Omicron, đang hoành hành tại ít nhất 38 quốc gia trên thế giới.
Từ những phân tích về tình hình kinh tế thế giới cũng như khu vực, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam Francois Painchaud chia sẻ, nhìn chung “tăng trưởng trên thế giới vẫn sẽ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng có lợi cho Việt Nam”. Để phục hồi và phát triển bền vững, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam cho rằng, “gói kích cầu, kích thích tài khóa phải đáp ứng yêu cầu trung hạn cũng như khuôn khổ tài khóa để duy trì ổn định vĩ mô. Các gói kích thích không nên tạo ra các áp lực lạm phát khi Việt Nam vốn đã và đang chịu nhiều áp lực lạm phát đến từ phía cung”. “Chúng ta có tin tốt là các chương trình phục hồi đã được cân nhắc, những cải cách đưa ra có thể giúp Việt Nam nâng cao năng suất, nhưng kế hoạch cải cách này phải làm một cách quyết đoán và nhanh chóng hơn dự kiến”, ông Francois Painchaud nói.
Từ kinh nghiệm của các nước châu Á, trong tham luận trình bày tại Diễn đàn, Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Nguyễn Minh Cường rút ra một số bài học và hàm ý chính sách cho Việt Nam. Cụ thể, theo chuyên gia của ADB, do khủng hoảng kinh tế - xã hội lần này xuất phát từ dịch Covid-19 mà không phải xuất phát từ khủng hoảng kinh tế - tài chính, nên về phương diện lý luận cũng như thực tiễn, để xử lý triệt để thì “các giải pháp chuyên môn về y tế vẫn mang tính chất quyết định và chủ yếu, còn chính sách kinh tế vĩ mô là các công cụ mang tính hỗ trợ”. “Chính sách tài khóa đóng vai trò chủ đạo song vẫn cần có sự kết hợp hài hòa với chính sách tiền tệ, để tạo ra các nguồn lực tốt nhất hỗ trợ nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn, sớm hồi phục và phát triển”, Kinh tế trưởng ADB chia sẻ.
Cũng theo chuyên gia của ADB, trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, dư địa tài khóa được củng cố trong các năm gần đây, an toàn nợ công vẫn được bảo đảm, thì trong ngắn hạn Việt Nam có thể chấp nhận mức bội chi cao hơn và nợ công tăng trong giai đoạn 2021 - 2023 để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, “trong dài hạn, khi nền kinh tế đã dần phục hồi, vai trò hỗ trợ của chính sách tài khóa cũng giảm dần, cần có các biện pháp mở rộng cơ sở thu, tăng cường quản lý thu và cải thiện hiệu quả chi ngân sách nhà nước để thiết lập lại kỷ luật tài khóa trong vòng 3 - 5 năm sau, bảo đảm các chỉ tiêu an toàn tài chính quốc gia trong giai đoạn 2021 - 2025”, ông Nguyễn Minh Cường khuyến nghị.
Liên quan đến gói hỗ trợ cho nền kinh tế - một trong những chủ đề được nhiều diễn giả trong nước và quốc tế quan tâm tại Diễn đàn, chuyên gia ADB chia sẻ quan điểm, Việt Nam cần xác định mục tiêu phù hợp với từng thời kỳ để xây dựng gói hỗ trợ với quy mô đủ lớn. Cụ thể, “gói ngân sách hỗ trợ cho nền kinh tế hiện chưa đến 3% GDP nên có thể nâng lên khoảng 5 - 7% GDP, để đáp ứng các tiêu chí kịp thời, đúng đối tượng, đủ dài, đủ bao trùm để mang lại hiệu quả như mong đợi”.
Ảnh: L. Hiển
Chính sách tài khóa, tiền tệ phải kết hợp chặt chẽ với chính sách y tế
Phân tích vấn đề từ góc độ dư địa chính sách tài khóa và phối hợp chính sách tài khóa - tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới, PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính nêu rõ, việc kết hợp hai chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ khắc phục hạn chế về độ trễ của mỗi chính sách, tính linh hoạt, phù hợp với năng lực ngân sách và bảo đảm tính ổn định của mỗi chính sách.
Trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, cả tổng cung và tổng cầu bị suy giảm, PGS.TS Vũ Sỹ Cường cho rằng, việc có một gói hỗ trợ cho phục hồi và phát triển kinh tế là rất cần thiết. Với kịch bản tăng trưởng khoảng 6,5%, Việt Nam cần duy trì gói hỗ trợ tài khóa thêm khoảng 2,4 - 2,8% GDP cho năm 2022 và giảm xuống còn 1,4% GDP cho năm 2023 (theo số GDP mới). Từ năm 2024, kết thúc gói hỗ trợ mức bội chi sẽ quay về mức trung bình là 3% GDP. Với kịch bản này, nợ công chỉ dao động khoảng 48% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp giai đoạn 2022 - 2025 sẽ tăng không đáng kể khi Chính phủ sẽ huy động các khoản vay qua trái phiếu Chính phủ dài hạn, ông Vũ Sỹ Cường phân tích.
Đưa ra gợi ý chính sách, ông Vũ Sỹ Cường cho rằng, việc thực hiện chính sách tài khóa cần cân nhắc tính bất định của giai đoạn tiếp theo, không nên có gói hỗ trợ tài khóa quá lớn, trong hai năm 2022 và 2023 khoảng 6% GDP (nếu tính cả hỗ trợ về y tế). Bảo đảm hài hòa hai chính sách tài khóa và tiền tệ trong quá trình thực hiện. Đẩy mạnh khả năng giải ngân, thực hiện hàng loạt giải pháp để hỗ trợ và thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Do suy giảm tăng trưởng trong năm 2021 có nguyên nhân chính từ y tế (dịch Covid-19), nên ông Vũ Sỹ Cường cho rằng, một yêu cầu quan trọng khác là chính sách tài khóa, tiền tệ phải kết hợp chặt chẽ với chính sách y tế. Đưa ra các kịch bản y tế, tài khóa và tiền tệ cụ thể để doanh nghiệp thấy chắc chắn hơn trong đầu tư kinh doanh thời gian tới.
Tham dự Diễn đàn từ điểm cầu Bắc Giang, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang Phạm Văn Thịnh nêu thực tế, lao động tại các khu công nghiệp được xác định là yếu tố quan trọng tạo ra sự phát triển kinh tế của đất nước song người lao động chưa có được chỗ ở tốt, đa số ở trong các nhà trọ không bảo đảm vệ sinh, môi trường, sức khỏe. Vì thế, trong Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế - xã hội tới đây, Quốc hội và Chính phủ nên có thiết kế chính sách để hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội khu vực đô thị và khu công nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng ký túc xá cho công nhân trong khu công nghiệp.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 đã khép lại sau một ngày làm việc khẩn trương, trách nhiệm và hiệu quả. Những đề xuất, gợi mở, khuyến nghị nêu trên chỉ là một số trong rất nhiều những đề xuất, khuyến nghị, hàm ý chính sách về tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội... được chia sẻ tại Diễn đàn. Như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các thông tin tại Diễn đàn với những kiến nghị, giải pháp rõ ràng, cụ thể sẽ là "dữ liệu đầu vào hết sức quan trọng để Chính phủ, Quốc hội xây dựng, hoàn thiện Chương trình tổng thể phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và đề xuất các gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ cho phòng, chống dịch Covid-19 và chương trình tổng thể phục vụ phát triển kinh tế - xã hội".
Với mục đích, yêu cầu đề ra và kết quả đạt được, có cơ sở để khẳng định, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 đã thành công rất tốt đẹp, thực sự là diễn đàn mở, tập hợp trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, các đối tác phát triển của Việt Nam, các đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ, cử tri và nhân dân cùng cộng đồng doanh nghiệp hiến kế các giải pháp tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.
Hiệu ứng của Diễn đàn, vì lẽ đó, chắc chắn sẽ còn lan tỏa và truyền cảm hứng cho không chỉ người dân và doanh nghiệp trong tiến trình không thể đảo ngược: Phục hồi và Phát triển bền vững.