Nhiều đề xuất kiến nghị liên quan đến Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi)
Sáng ngày 14/11/2024, Trường ĐH Luật TP.HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: 'Góp ý Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi)' thu hút nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự.
Qua hơn 08 năm thi hành Luật Việc làm năm 2013 và các văn bản hướng dẫn, về cơ bản đã đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo người lao động và người sử dụng lao động, đảm bảo an sinh xã hội và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật Việc làm năm 2013 vẫn còn nhiều nội dung bất cập, hạn chế như: Đối tượng tham gia Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo quy định của Luật Việc làm chưa bao phủ hết các đối tượng có quan hệ lao động; Một số quy định về chế độ trợ cấp thất nghiệp, căn cứ đóng BHTN không còn phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách tiền lương; Quy định, chính sách về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) chưa thống nhất với các văn bản pháp luật khác như Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Bảo hiểm xã hội 2014...
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Luật TP.HCM cho biết: Nội dung Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) lần này đã có nhiều thay đổi lớn như: Sửa đổi, bổ sung quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm; Mở rộng đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; Sửa đổi quy định về hệ thống thông tin thị trường lao động; Bổ sung quy định về tư vấn viên dịch vụ việc làm; Bổ sung quy định về đăng ký lao động; Bổ sung quy định về phát triển kỹ năng nghề;…
Cho đến nay, bản dự thảo đã và đang được hoàn thiện, chỉnh sửa nhiều lần thông qua các ý kiến góp ý của các cơ quan, ban ngành, của toàn thể nhân dân. Ngày 9/11/2024 tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) của Chính phủ. Tuy nhiên tại Bản Dự thảo này còn nhiều nội dung chưa được thống nhất, còn nhiều ý kiến khác nhau về các nội dung sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo.
Chính vì lẽ đó, Hội thảo được tổ chức nhằm tạo ra một diễn đàn để các chuyên gia, các nhà khoa học, các cơ quan quản lý và thực thi Luật Việc làm, cơ quan xét xử, các doanh nghiệp,… đặc biệt là ở khu vực phía Nam có thể được trao đổi, chia sẻ thông tin, kết quả nghiên cứu và đánh giá về việc thực hiện chính sách, quy định Luật Việc làm nói riêng và pháp luật lao động nói chung.
TS. Sơn hi vọng tại Hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chuyên gia, những người hoạt động thực tiễn sẽ tích cực trao đổi, chia sẻ, thảo luận để Hội thảo thực sự hiệu quả, có giá trị thực tiễn, góp phần vào việc hoàn thiện Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Quyên – Phó Cục trưởng Cục Việc làm đánh giá cao sự chủ động của Trường ĐH Luật TP.HCM trong việc đưa ra những đề xuất góp ý cho Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). TS. Quyên cho biết Cục việc làm là đơn vị được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan khác để trình Chính phủ về Dự thảo Luật việc làm (sửa đổi).
Trên cơ sở đó, hy vọng những chia sẻ, góp ý, đề xuất từ các đại biểu tham dự hội thảo sẽ được đúc kết góp phần vào việc hoàn thiện Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) dựa trên sự thể chế hóa của Hiến pháp 2013, các Nghị quyết và đồng bộ với Bộ luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội,…
Bàn về điểm mới của Dự thảo Luật Việc làm về Bảo hiểm thất nghiệp – Phân tích và bình luận, ThS.NCS. Trần Nguyễn Quang Hạ, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho rằng, Dự thảo của Luật Việc làm về Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) mang lại nhiều điểm mới nhằm cải thiện hiệu quả của chính sách, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người lao động (NLĐ) trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng phức tạp.
Những điều chỉnh về trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, và các cơ chế hỗ trợ khác không chỉ tăng cường bảo vệ quyền lợi của NLĐ mà còn thúc đẩy họ tái hòa nhập vào thị trường lao động một cách nhanh chóng và bền vững. Việc bổ sung các quy định chặt chẽ hơn về thời gian, đối tượng, và cách thức hưởng chế độ BHTN cho thấy nỗ lực của nhà nước trong việc hoàn thiện hệ thống ASXH và nâng cao tính minh bạch trong quá trình thực hiện chính sách.
Tuy nhiên, để Dự thảo này thực sự phát huy hiệu quả, cần có sự tham gia và phối hợp từ nhiều phía, bao gồm cơ quan quản lý, doanh nghiệp và NLĐ. Những điểm mới cần được phổ biến rộng rãi, đảm bảo sự đồng thuận trong xã hội và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi.
Đồng thời, các chính sách cần tiếp tục được đánh giá và điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, để đảm bảo hệ thống BHTN không chỉ là công cụ hỗ trợ khi thất nghiệp mà còn là động lực thúc đẩy NLĐ nâng cao kỹ năng, tạo dựng việc làm mới và ổn định cuộc sống lâu dài.
Bàn về Quy định của pháp luật Việt Nam về đối tượng và điều kiện vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo Hợp đồng và Một số góp ý đối với Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), ThS. Lê Ngọc Anh, Giảng viên Khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM cho biết thực trạng nhiều người lao động (NLĐ) có hoàn cảnh khó khăn không có đủ khả năng tài chính để trang trải các chi phí ban đầu như phí dịch vụ, đào tạo, ký quỹ, khiến cơ hội ra nước ngoài làm việc trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, chính sách cho vay vốn hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài đã ra đời, giúp người lao động tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, vượt qua rào cản tài chính.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, chính sách này vẫn tồn tại nhiều hạn chế, đặc biệt trong các quy định tại Luật Việc làm năm 2013. Để tạo điều kiện hỗ trợ hơn cho hoạt động này, Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi với các quy định mới về đối tượng và điều kiện vay vốn, đã mở rộng phạm vi hỗ trợ và ưu tiên cho nhiều nhóm lao động hơn.
Đồng thời, các điều kiện vay vốn cũng được quy định rõ ràng, từ yêu cầu ký hợp đồng đến bảo đảm tiền vay, giúp tạo ra một cơ chế vay vốn minh bạch và linh hoạt hơn. Tác giả đã phân tích những điểm mới trong Dự thảo và đưa ra các góp ý nhằm hoàn thiện chính sách hỗ trợ vay vốn, đảm bảo tính khả thi và công bằng trong việc tiếp cận vay vốn của NLĐ Việt Nam khi làm việc ở nước ngoài.
Còn theo TS. Hồ Xuân Dũng, Giảng viên Khoa Luật Dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM từ các kinh nghiệm của các tổ chức trên thế giới, tác giả đề xuất ra những đặc điểm nhận dạng người lao động lớn tuổi như độ tuổi, sức khỏe, yếu tố đào tạo và khả năng tham gia thị trường lao động, tác giả cũng định hướng những chính sách hỗ trợ người lao động dựa trên kinh nghiệm của các các quốc gia như Singapore, Pháp, Đức.
Đối tượng lao động lớn tuổi chưa từng xuất hiện trong bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào từ trước đến nay tại Việt Nam từ đó cần có quy định bổ sung chính sách đối với nhóm đối tượng này – TS. Dũng đề xuất thông qua việc trình bày tham luận với chủ đề “Lao động lớn tuổi – Đối tượng cần được hỗ trợ việc làm trong Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi)”.
Hội thảo đã diễn ra 2 phiên thảo luận và góp ý sôi nổi cho Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).