Nhiều đề xuất mới liên quan đăng ký tạm trú của Bộ Công an

Theo đề xuất của Bộ Công an về đăng ký tạm trú, nếu giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp là văn bản cho thuê, cho mượn... hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì văn bản đó không cần công chứng, chứng thực.

Bộ Tư pháp đang thẩm định hồ sơ dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Cư trú.

Dự thảo này do Bộ Công an chủ trì soạn thảo nhằm thay thế Nghị định 62/2021 quy định chi tiết một số điều Luật Cư trú.

Đăng ký tạm trú cần giấy tờ gì?

Tại dự thảo nghị định, Bộ Công an đề xuất nhiều điểm mới liên quan đến đăng ký thường trú và tạm trú, trong đó đáng chú ý là quy định về giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp đối với đăng ký tạm trú.

Cụ thể, Bộ Công an quy định giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký tạm trú là một trong các giấy tờ, tài liệu sau:

- Một trong những giấy tờ, tài liệu quy định như đăng ký thường trú, trừ trường hợp giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp là văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì văn bản đó không cần công chứng hoặc chứng thực.

- Văn bản cam kết của công dân về việc có chỗ ở thuộc quyền sử dụng của mình và không có tranh chấp về quyền sử dụng nếu không có một trong các giấy tờ, tài liệu quy định tại điểm a khoản này.

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh là chủ sở hữu cơ sở kinh doanh lưu trú, đại diện cơ sở kinh doanh lưu trú hoặc được chủ sở hữu cơ sở kinh doanh lưu trú, đại diện cơ sở kinh doanh lưu trú cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật.

- Giấy tờ của cơ quan, tổ chức quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế chứng minh về việc người lao động được sử dụng chỗ ở để đăng ký tạm trú.

 Nhiều đề xuất mới liên quan đăng ký tạm trú của Bộ Công an. Ảnh: PLO

Nhiều đề xuất mới liên quan đăng ký tạm trú của Bộ Công an. Ảnh: PLO

Cũng theo dự thảo, trường hợp thông tin chứng minh về chỗ ở hợp pháp đã có trong các cơ sở dữ liệu như căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư… thì công dân có trách nhiệm khai thác, cung cấp các thông tin này cho cơ quan đăng ký cư trú; cơ quan đăng ký cư trú không yêu cầu công dân xuất trình giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp.

Trường hợp không khai thác được thông tin chứng minh về chỗ ở hợp pháp thì công dân phải nộp bản sao hoặc xuất trình bản chính một trong các giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp cho cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra, giải quyết đăng ký cư trú.

Công dân còn gặp nhiều khó khăn khi đăng ký tạm trú

Nêu các khó khăn, theo Bộ Công an, Luật Cư trú hiện nay quy định đăng ký tạm trú bao gồm Tờ khai thay đổi thông tin về cư trú và giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Điều đó có nghĩa là bất cứ trường hợp vào đăng ký tạm trú đều phải có giấy tờ tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp, gây khó khăn cho người dân.

Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 62/2021 thì công dân gặp rất nhiều khó khăn trong đăng ký tạm trú nhất là đối với trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ hoặc sở hữu đứng tên một người những người khác trong gia đình như vợ, chồng, con, bố, mẹ muốn đăng ký tạm trú về cùng hộ tạm trú với người đó lại phải có một văn bản khác để chứng minh chỗ ở hợp pháp...

Nhiều trường hợp người dân lao động đến ở công trường lao động trong thời gian dài (vài năm), sống ở khu ngăn phòng cho thuê (đất không có giấy tờ hoặc đất nông nghiệp xây trái phép) để làm việc nhưng do không có đủ điều kiện về chỗ ở hợp pháp theo quy định nên không đăng ký tạm trú được gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý.

Một số trường hợp trước đây đã được đăng ký tạm trú, khi hết thời hạn tạm trú đi gia hạn, tuy nhiên theo quy định mới, khi đăng ký tạm trú hay gia hạn tạm trú cần có điều kiện về chỗ ở hợp pháp, trong khi nhiều trường hợp không còn đủ điều kiện về chỗ ở hợp pháp (không có giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp, UBND cấp xã không xác nhận do chưa có đất ở, xây nhà trái phép).

Do vậy, cơ quan này cho rằng cần có hướng dẫn cụ thể hơn khi đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú vào chỗ ở hợp pháp là địa điểm không được đăng ký thường trú mới để địa phương có thể thuận lợi trong vận dụng thực hiện.

Bộ Công an cũng nhìn nhận quy định về việc không yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp khi đã khai thác thông tin được trong Cơ sở dữ liệu vẫn còn mang tính chung chung. Trong khi đó, các hệ thống cơ sở dữ liệu đang được xây dựng, hình thành và đưa vào sử dụng cần cụ thể hóa hơn để thuận lợi trong quá trình thực hiện thủ tục cư trú cho cả cơ quan quản lý và người dân…

NGỌC MAI

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhieu-de-xuat-moi-lien-quan-dang-ky-tam-tru-cua-bo-cong-an-post803103.html