Nhiều đề xuất tâm huyết về xây dựng Đảng và phát triển nông thôn
Từ ngày 4-10/5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp Hội nghị lần thứ năm để thảo luận, cho ý kiến và quyết định về nhiều nội dung quan trọng. Theo dõi các phiên họp qua phương tiện thông tin đại chúng, nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Ninh Bình đồng tình, nhất trí cao với các quyết sách quan trọng của Trung ương. Trong đó, cán bộ, đảng viên quan tâm đặc biệt đến tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Đề án xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên...
Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao chất lượng đảng viên
Về Đề án xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Yên Mô khẳng định, vai trò quan trọng của việc thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên và Kết luận số 38-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XII về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW đã giúp nâng cao nhận thức của đội ngũ cấp ủy, cán bộ, đảng viên về vai trò hạt nhân chính trị của tổ chức cơ sở Đảng, sự cần thiết của việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay. Bước đầu mang lại những kết quả và chuyển biến tích cực; Đảng bộ, chi bộ cơ sở thật sự là hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo gần dân, sát dân; luôn chăm lo lợi ích thiết thực đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Đối với việc thực hiện phong trào xây dựng "Đảng bộ bốn tốt", "chi bộ bốn tốt", "đảng viên bốn tốt", nhìn chung, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên tiếp tục được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Việc học tập, quán triệt nghị quyết của các Đảng bộ, chi bộ ngày càng đi vào nền nếp, chặt chẽ, đảm bảo chất lượng, góp phần tích cực đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Chất lượng sinh hoạt Đảng thường xuyên được đổi mới cả về nội dung, hình thức, các Đảng bộ, chi bộ luôn quan tâm duy trì tốt định kỳ sinh hoạt chi bộ, kịp thời định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên. Công tác giáo dục, quản lý, rèn luyện đảng viên được tăng cường. Cấp ủy các Đảng bộ, chi bộ luôn giữ vững sự đoàn kết thống nhất nội bộ, thật sự là tấm gương tiêu biểu về đạo đức, tác phong, ý thức trách nhiệm trong công việc để cán bộ, đảng viên, quần chúng noi theo, nhiều cán bộ, đảng viên không ngừng phấn đấu vươn lên.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung đề xuất một số kiến nghị, giải pháp để thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ tiếp tục đổi mới, tăng cường xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong tình hình mới. Trong đó, cấp ủy các cấp cần tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 22-NQ/TW về "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên" đồng thời tiếp tục duy trì thực hiện các nghị quyết, kế hoạch về "Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ"... Đồng thời, cấp ủy các cấp quan tâm làm tốt công tác nắm bắt diễn biến tư tưởng đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lao động, đặc biệt ở những doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, người lao động; thực hiện hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về "đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng "Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Mặt khác, cấp ủy các cấp cần đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho đội ngũ cấp ủy viên, cán bộ, đảng viên. Các tổ chức cơ sở Đảng chủ động sắp xếp, kiện toàn mô hình tổ chức Đảng phù hợp, đảm bảo sự lãnh đạo của tổ chức Đảng đối với tổ chức chuyên môn, đoàn thể trong doanh nghiệp, đơn vị theo quan hệ cùng cấp và trên dưới; đẩy mạnh việc thành lập chi bộ Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.
Các cấp ủy cơ sở thực hiện tốt quy chế làm việc, mối quan hệ công tác với lãnh đạo cơ sở, đơn vị, các tổ chức đoàn thể trong đơn vị và cấp ủy địa phương nơi đơn vị theo quy định chức năng nhiệm vụ loại hình cơ sở Đảng; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, mở rộng và phát huy dân chủ, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật của Đảng, đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình, thẳng thắn đấu tranh chống các biểu hiện sai trái, tiêu cực, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng.
Đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý thực sự gương mẫu trong mọi hoạt động để quần chúng noi theo; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, công tác quản lý đảng viên, quan tâm đến việc phân công công tác cho đảng viên, làm tốt công tác phát triển đảng viên mới, công tác đánh giá chất lượng tổ chức đảng, đảng viên; công tác khen thưởng, kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên; chăm lo xây dựng đội ngũ cấp ủy.
Có cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân
Về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cụ thể là Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X), ông Trần Ngọc Diệp, Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Khánh cho rằng, đây là nghị quyết hết sức quan trọng trong việc đầu tư, phát triển khu vực nông thôn, được thực hiện xuyên suốt trong cả một quá trình. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) trên địa bàn huyện Yên Khánh đã đem lại sự phát triển khá toàn diện cả về trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Công tác dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng có giá trị kinh tế cao được chú trọng. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với an toàn thực phẩm được chỉ đạo và tổ chức thực hiện bước đầu đã đạt kết quả tốt, góp phần nâng cao giá trị sản xuất/ha canh tác, đời sống của người dân được cải thiện tốt.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc triển khai thực hiện Nghị quyết tại địa phương vẫn còn những hạn chế, tồn tại như: Một bộ phận nhân dân chưa nhận thức đầy đủ, chưa xác định đúng vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới, còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại; Trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết tại nhiều đơn vị còn chưa thực sự chủ động, sáng tạo trong việc nghiên cứu, ban hành biện pháp, cách thức triển khai thực hiện nên kết quả còn hạn chế; Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng khá, nhưng thiếu bền vững, khả năng cạnh tranh thấp. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới cách thức, phương thức sản xuất nông nghiệp, nông thôn còn chậm, chưa thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Thực hiện tích tụ ruộng đất của một số địa phương còn chậm, chưa được quan tâm, chú trọng...
Ông Trần Ngọc Diệp đề xuất Trung ương nghiên cứu đưa ra chính sách giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất đai hiện nay; có các cơ chế, chính sách thông thoáng trao quyền chủ động cao hơn cho người dân được giao đất, thuê đất tạo điều kiện cho phát triển sản xuất hàng hóa; cần có quy định cụ thể về tích tụ, tập trung ruộng đất.
Ông Diệp cho rằng, chính sách về đất đai như cửa sổ của nghề nông nghiệp, nếu giải quyết được các vấn đề liên quan đến đất đai sẽ khiến doanh nghiệp, người dân yên tâm hơn trong việc đầu tư dài hạn cho sản xuất; cần đẩy nhanh việc thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, vì thực tế công tác này đã được triển khai 2 năm nay, nhưng chưa mang lại hiệu quả, nhiều nơi còn chậm trễ trong thực hiện chủ trương này.
Mặt khác, trong sản xuất nông nghiệp, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh liên kết 4 nhà, giữa nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân để tạo đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, cần có chính sách phát triển kinh tế cho nông hộ gắn với bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện bảo hiểm nông nghiệp còn nhiều vấn đề bất cập.