Nhiều di tích có nguy cơ thành phế tích
Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều di tích lịch sử, văn hóa gắn liền với sự hình thành, phát triển vùng đất cũng như đời sống tinh thần của người dân. Hiện nay, nhiều công trình không được bảo vệ, duy tu và bảo dưỡng thường xuyên nên xuống cấp, nguy cơ trở thành phế tích.
Đình Tân Đông, còn gọi là đình Gò Táo thuộc ấp Gò Táo (xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) rất đặc biệt. Ngôi đình có kiến trúc rộng 5 gian, với 2 phần tiền điện và chính điện, mái theo lối trùng thiềm điệp ốc (mái chồng nhà nối, kiểu kiến trúc nhà kép hai mái trên một nền – PV). Phần khung làm bằng gỗ, mặt tiền chính được xây tường với 5 vòm cửa, trang trí theo kiến trúc phương Tây.
Năm 2010, đình Tân Đông được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Ngôi đình được bao bọc bởi 2 gốc cây bồ đề tạo nên vẻ đẹp cổ kính, búi rễ ôm trọn thân đình. Đình Gò Táo nằm giữa cánh đồng, trước đình có khắc niên đại năm 1907.
Theo các bậc cao niên, ngôi đình từng là trung tâm sinh hoạt cộng đồng của người dân Gò Táo. Đến thời Pháp, nơi đây trở thành địa điểm hội họp của chiến sĩ cách mạng.
Hằng năm, đình tổ chức 4 lễ hội chính: Kỳ Yên (16-2 âm lịch), Thượng Điền (16-5 âm lịch), Hạ Điền (16-8 âm lịch) và Cầu Ông (16-11 âm lịch). Cụ Phạm Văn Đời (82 tuổi) kể 30 năm trước, ngôi đình xuất hiện 3 cây bồ đề mọc vươn cao lên trên đỉnh, rễ cây vươn ra bám vào tường. Một số rễ mọc ra dài theo các rãnh khe nứt trở thành cột, kèo chạy dọc, ngang giữ ngôi đình vững chắc.
Vào năm 1990, người chơi kiểng đã gỡ một cây về làm cảnh, 2 cây bồ đề còn lại tỏa tán rộng, che mưa, che nắng. Qua thời gian, ngôi đình xuống cấp nghiêm trọng. Tường nứt, khung gỗ bị mối mọt, mái ngói sụp tạo khoảng trống lớn. Các bức tường bong tróc. Cổng đình đổ sụp, trơ lại mấy cột bê tông. Nhiều du khách, người dân chứng kiến ngôi đình cổ xuống cấp nghiêm trọng nên xót xa.
“Di tích xuống cấp nghiêm trọng bởi không ai quản lý. Trước đây, tại các đình đều có “ông từ” trông coi, hương khói và bảo vệ các công trình. Còn hiện nay, hình ảnh này cũng ít gặp”, cụ Đời nói.
Còn ông Lê Tấn Thông (57 tuổi), hằng ngày ra thắp nhang ở ngôi đình chua xót: “Ai lại đây, thấy đình xuống cấp cũng xót xa”. Lãnh đạo xã Tân Đông cho biết đã báo cáo với UBND tỉnh ghi vốn trùng tu ngôi đình đang xuống cấp.
Tại khóm 2 (thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, Trà Vinh), có ngôi nhà cổ của ông Hàm Huỳnh Kỳ, từng là đại điền chủ ở miền Tây. Căn nhà xây dựng vào năm 1924 theo bản thiết kế của kiến trúc sư người Pháp, với nhà chính và một số công trình rào cổng, nhà sau, kho. Ngôi nhà được xây dựng hình chữ nhật, dài 20m, rộng 18m, đường nét cổ kính, với nhiều hoa văn, gạch, phù điêu trang trí. Ngoài giá trị về mặt kiến trúc, nhà cổ Huỳnh Kỳ còn là công trình đặc sắc về điêu khắc, hội họa. Năm 2011, ngôi nhà được công nhận là di tích văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật cấp tỉnh và địa chỉ du lịch ở Trà Vinh.
Trước đây, nhà cổ còn lưu giữ hàng chục hiện vật nội thất có giá trị, nhưng nay chỉ còn duy nhất chiếc tủ thờ. Các khung cửa chính, cửa sổ rỉ sét. Cầu thang, hành lang, tường đầy rong rêu, một số bức phù điêu trang trí bị hư hỏng. Năm 2018, cơ quan chức năng đã khảo sát và thống nhất phương án trùng tu, tái hiện hình ảnh ngôi nhà cổ.
“Ngôi nhà cổ đang được trùng tu bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư”, lãnh đạo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cầu Kè nói.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hữu Hiệp cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến cho di tích bị xâm hại, xuống cấp. “Góc độ địa phương họ nói thiếu kinh phí, cấp trên không duyệt, còn người dân lại nói cán bộ tắc trách. Tôi thấy những người quản lý văn hóa thường xuyên thay đổi vị trí công tác. Người mới về thay, có khi thiếu hiểu biết luật nên làm theo cảm tính”, ông Nguyễn Hữu Hiệp nói. Ngành văn hóa phải thường xuyên kiểm tra, địa phương phải báo cáo và kết hợp với công tác thanh tra, kiểm tra.
“Chính quyền địa phương phải quản lý chặt các di tích văn hóa, còn nhân dân tham gia giám sát, chung tay bảo vệ di tích. Về lâu dài cần đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn vốn và nguồn lực từ nhân dân trong bảo tồn, phát huy giá trị của di sản. Từ đó đưa di tích trở thành một điểm nhấn thu hút khách du lịch”, ông Nguyễn Hữu Hiệp nói.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/nhieu-di-tich-co-nguy-co-thanh-phe-tich-553220/