Nhiều địa phương đẩy nhanh tiêm chủng, hạn chế ca bệnh chuyển nặng

Trước số ca mắc COVID-19 tăng nhanh trong những ngày gần đây, nhiều phương án được thực hiện để nhanh chóng kiểm soát dịch, trong đó đẩy nhanh tiêm chủng mũi 3 vaccine COVID-19 được xem là biện pháp trọng tâm hàng đầu tại các địa phương.

Sơn La, Hòa Bình: Đẩy nhanh tiêm chủng vaccine COVID-19

Hiện nay, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, số người nhiễm COVID-19 trên địa bàn tỉnh Sơn La ngày một tăng, nguồn bệnh khó kiểm soát do số lượng người lao động từ các tỉnh có dịch về ăn tết tại 12 huyện, thành phố...

Tính từ ngày 1/1 đến nay, tỉnh này đã phát hiện 16.374 ca nhiễm COVID-19; đã điều trị khỏi 6.335 ca; hiện đang điều trị 10.035 ca; có 5 ca tử vong.

Toàn tỉnh hiện có 35 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 3; 52 xã, phường, thị trấn cấp độ 2; 117 xã, phường, thị trấn cấp độ 1 về phòng, chống dịch COVID.

Trước tình hình đó, tỉnh Sơn La yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch COVID-19.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng loạn giá vật tư y tế; thực hiện nghiêm công tác phân luồng, phân tuyến, tổ chức thu dung, điều trị hiệu quả ở các tuyến; cung ứng và đảm bảo đủ thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, vật tư, trang thiết bị, trang bị phòng hộ… tại các cơ sở điều trị.

Tăng cường tổ chức cách ly, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà; không để xảy ra tình trạng người mắc COVID-19 không liên hệ được với cơ sở y tế, không được quản lý, theo dõi y tế, cấp phát thuốc điều trị; tiếp tục triển khai tiêm chủng phòng COVID-19 "thần tốc hơn nữa"; đảm bảo bao phủ liều bổ sung, liều nhắc lại cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên và đủ liều cơ bản cho các đối tượng từ 12-17 tuổi.

Chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi ngay khi Bộ Y tế có hướng dẫn; tổ chức tiêm vacicne tại nhà cho những đối tượng khó khăn trong việc di chuyển; triển khai mạnh mẽ, toàn diện "Chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ" với các biện pháp truyền thông, tư vấn về phòng, chống dịch; đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và tránh tình trạng lạm dụng test COVID-19 cho học sinh ở các trường học; tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, bến xe… Xử lý nghiêm các vi phạm về phòng chống dịch.

Đẩy nhanh tiêm chủng vaccine COVID-19 được xem là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để kiểm soát dịch COVID-19.

Đẩy nhanh tiêm chủng vaccine COVID-19 được xem là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để kiểm soát dịch COVID-19.

Tại Hòa Bình, theo Báo cáo của ngành y tế, tính đến 16h ngày 23/2/2022, tỉnh Hòa Bình ghi nhận 2596 ca mắc mới COVID-19. Các địa phương có số ca mắc cao gồm có Thành phố Hòa Bình (827 ca); huyện Lương Sơn (502 ca); huyện Lạc Sơn (244 ca).

Như vậy lũy kế đến nay, địa phương này có 31.341 ca mắc COVID-19. Có 8/10 địa phương trên địa bàn tỉnh đã áp dụng hình thức quản lý F0 tại nhà.

Dự báo thời gian tới số ca mắc tiếp tục tăng cao, kéo theo đó là quá tải hệ thống y tế nói riêng và các lĩnh vực khác trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, tại hầu hết các địa phương đang xảy ra tình trạng thiếu vật tư phòng, chống dịch, đặc biệt là kít, test nhanh để sàng lọc, chuẩn đoán, phát hiện người mắc COVID-19.

Bên cạnh đó, số lượng người tự theo dõi, điều trị tại nhà quá nhiều nên chưa được tư vấn, hỗ trợ kịp thời; kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch còn thiếu; nhân lực tham gia phòng, chống dịch nhất là cấp cơ sở rất mỏng; công tác tuyên truyền, vận động tham gia tiêm vaccine tại một số địa phương còn hạn chế; các Trạm Y tế lưu động gặp khó khăn trong hoạt động…

Trước tình hình đó, tỉnh Hòa Bình tập trung đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine COVID-19, tuyên truyền, vận động người dân chủ động cách ly tại nhà, tự điều trị với bệnh nhân ở thể nhẹ hoặc không triệu chứng. Tập trung điều trị cho các ca mắc ở thể nặng, nghiên cứu thành lập bộ phận tư vấn hỗ trợ điều trị COVID-19 tại các cơ sở y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch hiệu quả...

Thái Nguyên: Các huyện, thị xã, TP có cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 tối thiểu 50 giường tại bệnh viện

Từ 01/01/2022 ghi nhận 30.861 trường hợp F0, trong đó có 15.203 ca cộng đồng và công nhân các công ty/doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; 11 ca ghi nhận trong khu cách ly người nhập cảnh; 15.467 ca tiếp xúc với các ca bệnh hoặc từ vùng dịch trở về; 33 ca tử vong.

Hiện Thái Nguyên có 1.306 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện, 42.677 trường hợp đang điều trị tại nhà.

Để công tác phòng, chống dịch đạt được hiệu quả cao, tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới với mục tiêu đến hết quý I năm 2022, cơ bản hoàn thành bao phủ vaccine mũi 3 cho các đối tượng đủ điều kiện. Triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế khi có vaccine.

Các huyện, thành phố, thị xã có cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 tối thiểu 50 giường tại bệnh viện đa khoa/trung tâm y tế tuyến huyện và bố trí các cơ sở lưu trú tại các khu cách ly tập trung tuyến huyện để sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nhưng không đủ điều kiện về cơ sở vật chất để thực hiện cách ly, điều trị tại nhà.

100% bệnh viện đa khoa/trung tâm y tế tuyến huyện có hệ thống ô xy hoặc bình ô xy đáp ứng đủ yêu cầu điều trị và máy thở ô xy thông thường.

Mỗi xã, phường, thị trấn có các trạm y tế lưu động với đầy đủ trang thiết bị theo quy định, đảm bảo mỗi trạm y tế có ít nhất 02 bình ôxy. Cán bộ trạm y tế, trạm y tế lưu động, Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng, Tổ COVID-19 cộng đồng được tập huấn, cập nhật kiến thức, kỹ năng quản lý, điều trị F0 tại nhà/nơi lưu trú.

T. A

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//nhieu-dia-phuong-day-nhanh-tiem-chung-han-che-ca-benh-chuyen-nang-169220224110521658.htm