Nhiều địa phương đồng loạt đề xuất xây dựng sân bay dân dụng: Đừng chạy theo phong trào
Thời gian qua, cùng với những thông tin liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid-19, một trong những câu chuyện được dư luận rất quan tâm là việc nhiều tỉnh, TP đồng loạt đề xuất xây dựng sân bay dân dụng tại địa phương.
Có tỉnh như Bắc Giang, Bình Phước, Hà Giang muốn “lưỡng dụng hóa” sân bay quân sự hiện có tại địa phương; hay Cao Bằng, Ninh Bình lại đề nghị xây hẳn một sân bay dân dụng mới để phục vụ nhu cầu đi lại bằng máy bay của người dân trên địa bàn. Lý do mà những địa phương này đưa ra nghe qua đều rất thuyết phục. Đó là vận tải hành khách bằng đường bộ đang quá tải và gặp nhiều khó khăn, nhu cầu đi lại bằng máy bay của địa phương đang rất cấp thiết. Thêm vào đó, việc có sân bay sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, thu hút khách du lịch và đầu tư nước ngoài vào địa phương...
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, giữa mong muốn, kỳ vọng và nhu cầu thực tế không phải khi nào cũng đồng nhất. Hơn nữa, xây dựng một sân bay là cả một công trình dài hơi và tốn kém chứ không đơn giản như mở một khu chợ, xây một bến xe. Sẽ là một sự lãng phí lớn nếu như sân bay xây dựng xong mà không có mấy người lui tới. Những bài học từ phong trào cảng biển, khu công nghiệp, nhà máy đóng tàu, sân golf vẫn còn rất nhãn tiền và nguyên giá trị đến tận bây giờ.
Trên thực tế, phong trào muốn có sân bay của các địa phương không phải bây giờ mới xuất hiện. Còn nhớ năm 2011, người đứng đầu Bộ GTVT khi ấy là ông Hồ Nghĩa Dũng sau một chuyến khảo sát các tỉnh Tây Bắc đã không khỏi giật mình khi thấy gần như tỉnh nào cũng bày tỏ mong muốn được xây sân bay. Địa phương duy nhất không đưa ra đề xuất này là tỉnh Điện Biên nhưng không phải lãnh đạo tỉnh này không muốn có, mà đơn giản là vì họ đã có sẵn sân bay Điện Biên Phủ. “Phong trào” này vẫn âm ỉ trong suốt nhiều năm qua và đột ngột bùng phát trở lại trong vòng 1 - 2 năm trở lại đây.
Trở lại với một ví dụ cụ thể là tỉnh Ninh Bình, đây cũng là một trong những địa phương mới nhất muốn có sân bay. Theo lý giải là vì Ninh Bình “có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch với truyền thống lịch sử - văn hóa, phong cảnh tự nhiên như cố đô Hoa Lư, danh thắng Tràng An”... Thậm chí, Ninh Bình còn đưa ra con số thống kê rất ấn tượng về tiềm năng du lịch khi địa phương này đón tới hơn 7,6 triệu khách trong năm 2019. Chỉ có điều, ngay khi Ninh Bình đưa ra đề xuất này, dư luận lập tức... nhìn sang Thanh Hóa, địa phương giáp ranh và đã có sân bay Thọ Xuân chỉ cách Ninh Bình chưa đầy 100km. Xa hơn một chút là Hà Nội với sân bay Nội Bài cũng chỉ có khoảng cách hơn 100km trong khi hệ thống đường cao tốc nối liền hai nơi đã có sẵn. Rõ ràng, với khoảng cách như thế cộng với hạ tầng giao thông đường bộ ngày càng hiện đại, việc bỏ ra một nguồn kinh phí rất lớn để Ninh Bình xây sân bay là lãng phí và chưa thật sự cần thiết vào lúc này.
Còn nhớ, khi đề cập đến “phong trào” muốn xây sân bay của các địa phương, một chuyên gia giao thông đã rất sắc sảo khi ví sân bay giống như một "món đồ trang sức" mà các tỉnh muốn có để... trang trí cho đẹp chứ chưa hẳn đã là xuất phát từ nhu cầu thực tế. Do đó, khi đề xuất xây dựng sân bay cần hết sức cẩn trọng, tính toán kỹ lưỡng và thấu đáo về điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, tránh hệ lụy tiêu cực từ cách đầu tư phát triển kinh tế theo kiểu hội chứng, phong trào.