Nhiều địa phương giảm diện tích cây vụ đông

2 - 3 năm trở lại đây, diện tích cây vụ đông tại nhiều địa phương giảm mạnh. Việc giảm diện tích cây vụ đông có nhiều nguyên nhân, trong đó đáng kể nhất là thiếu nhân lực lao động trong nông nghiệp.

Những năm trước đây, Đại Phú, Ninh Lai, Thiện Kế, Sơn Nam là vựa rau, màu vụ đông của huyện Sơn Dương. Mùa tiếp nối mùa, người dân nơi này gần như không cho đất nghỉ. Cán bộ khuyến nông xã Ninh Lai Hoàng Thị Quyên cho biết, cách đây khoảng 4 - 5 năm, mỗi tấc đất ở đây thực sự là tấc vàng. Rau màu, bí, ngô đông… xanh mướt khắp vùng. Nhưng qua từng năm, diện tích giảm dần, từ hơn 200 ha những năm 2013, 2014 giờ chỉ còn khoảng 60 ha. Bà con giờ chỉ tập trung vào 2 vụ lúa chính. Ông Lục Văn Lai, thôn Ninh Hòa cho biết, những năm trước đây, vụ đông nào gia đình ông cũng trồng khoảng 2, 3 sào ngô đông, nhưng giờ vì cả hai vợ chồng đã có tuổi, con cái lại đi làm việc tại các cụm công nghiệp nên ông bỏ không làm vụ đông nữa.

Mô hình trồng ớt vụ đông của người dân xã Ninh Lai (Sơn Dương).

Mô hình trồng ớt vụ đông của người dân xã Ninh Lai (Sơn Dương).

Ông Đỗ Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Ninh Lai cho biết, vài năm trở lại đây, sự phát triển của các nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài huyện đã thu hút một lượng lớn lao động của Ninh Lai. Theo thống kê sơ bộ từ UBND xã, hiện riêng số lao động đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh và lao động tự do là trên 4 nghìn người. Nguồn thu từ số lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp mỗi năm trung bình trên 20 tỷ đồng. Chính nguồn thu này đã góp phần thay đổi cuộc sống của nhiều gia đình, giảm phụ thuộc vào nguồn thu từ nông nghiệp. 2 - 3 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm diện tích cây vụ đông ở Ninh Lai giảm khoảng 30 - 40 ha. Không riêng gì cây vụ đông, diện tích lúa vụ mùa của Ninh Lai năm 2020 đã giảm 2 ha trong tổng số 315 ha kế hoạch.

Xã Đại Phú cũng chung tình trạng với Ninh Lai. Thời kỳ cao điểm, riêng diện tích cây ngô đông ở xã đạt trên 200 ha. Ông Nguyễn Văn Hà, cán bộ khuyến nông phụ trách xã Đại Phú cho biết, năm 2019, diện tích cây ngô đông ở Đại Phú chỉ còn 35 ha, rau màu khoảng 10 ha. Diện tích này sang năm nay dự kiến sẽ còn giảm sâu. Theo ông Hà, nguyên nhân một phần do lực lượng lao động hiện đã đi làm việc tại các công ty, một phần do nguồn thu từ cây vụ đông không cao nên người dân không mặn mà với việc duy trì diện tích. Ông Hà dẫn chứng, riêng chi phí thuê lao động, giống, phân bón để sản xuất được 1 sào ngô đông là khoảng 1,5 triệu đồng, trong khi 1 sào này chỉ thu về khoảng 120 kg ngô, giá bán mỗi kg trên dưới 7 nghìn đồng, tương đương với khoảng 800 nghìn đồng/sào. Hiện nhiều nông dân ở Đại Phú bỏ không ruộng trong vụ đông.

Theo ông Bùi Quốc Trung, Phó Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, vụ đông năm nay, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 6.512 ha cây vụ đông, trong đó diện tích ngô đông là 4.686 ha, còn lại là diện tích cây khoai lang. Những cây trồng như đậu tương, lạc vụ đông… từ nhiều năm nay đã không được đưa vào kế hoạch sản xuất do thời vụ quá ngắn, lại không đem lại hiệu quả kinh tế cao. Từ khoảng 3 - 4 năm trở lại đây, diện tích đăng ký cây trồng vụ đông của các địa phương có chiều hướng giảm. Chỉ riêng cây ngô đông, nếu như năm 2016 là trên 6.700 ha thì những năm trở lại đây chỉ duy trì trên 4.500 ha.

Ông Trung cho rằng, diện tích cây trồng vụ đông giảm có nhiều nguyên nhân. Do thiếu lao động, thiếu nhân lực làm việc; thiếu tính liên kết giữa người sản xuất với người tiêu thụ, thu nhập từ sản xuất vụ đông không cao; do chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi đại gia súc giảm mạnh thời gian gần đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến diện tích cây vụ đông sụt giảm… Qua rà soát của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện chỉ một số địa phương giữ được diện tích sản xuất vụ đông ổn định là Chiêm Hóa. Một số địa phương mới nổi lên với phong trào trồng cây vụ đông như Lâm Bình, tuy nhiên, hiệu quả kinh tế đạt được vẫn chưa được như mong muốn do điều kiện khí hậu không phù hợp. Tại địa phương này, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân nên chuyển đổi sang một số cây trồng khác như thức ăn gia súc, rau màu.

Ngành nông nghiệp cũng khuyến khích các địa phương thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất vụ đông, đảm bảo từ khâu đầu vào đến thu hoạch để khuyến khích người dân còn ở lại quê bám ruộng, tăng thu nhập.

Bài, ảnh: Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/nhieu-dia-phuong-giam-dien-tich-cay-vu-dong-136653.html