Nhiều địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ

Sau khi Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 803/CĐ-TTg ngày 9/9/2022 về việc chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, nhiều địa phương đã khẩn trương triển khai nhiều biện pháp để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ những ngày qua.

Huyện Chương Mỹ huy động lực lượng chống tràn các tuyến đê bao vùng hữu Bùi - Ảnh: Báo Hà Nội mới

Huyện Chương Mỹ huy động lực lượng chống tràn các tuyến đê bao vùng hữu Bùi - Ảnh: Báo Hà Nội mới

Tại TP. Hà Nội, các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa - nơi ảnh hưởng nghiêm trọng lũ rừng ngang - tiếp tục huy động lực lượng tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ.

Huyện Chương Mỹ đã huy động 2 xuồng máy, 130 người hỗ trợ các xã sơ tán người và tài sản vùng úng ngập đến nơi an toàn. Các xã, thị trấn: Xuân Mai, Mỹ Lương, Hữu Văn, Thủy Xuân Tiên, Hoàng Văn Thụ, Tốt Động, Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hồng Phong huy động 736 người, 35 phương tiện, 7.850 bao tải, 1.610m3 đất, đá đắp chống tràn 1.950m đê Bùi 2 và đê Đồng Trối; hỗ trợ các hộ dân sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn.

Trên địa bàn huyện Mỹ Đức, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của huyện về chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lớn, lũ rừng ngang... Cụ thể, xã An Phú đã huy động 200 người, 100m3 cát, bao tải cùng vật tư, phương tiện, máy móc chống tràn đê bao vùng Thanh Hà, hỗ trợ người dân sơ tán vật nuôi, "gặt chạy" một số diện tích lúa chín sớm; tiếp tục gia cố và ứng trực bảo vệ đê bao vùng 700 đoạn cầu Phú Thanh... Xã Hợp Tiến huy động 500 người, 1.000m3 đất, 200m3 cát, 1.500 bao tải cùng phương tiện, máy móc... chống tràn tuyến đê bao hồ Quan Sơn; hỗ trợ hộ dân di chuyển, kê cao tài sản, gia súc, gia cầm đến nơi an toàn...

Các địa phương tiếp tục vận hành tối đa hệ thống bơm tiêu úng; hỗ trợ người dân vùng ngập lụt, nơi sơ tán các nhu yếu phẩm thiết yếu; thống kê và đề xuất hỗ trợ thiệt hại cho người dân...

Nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) bị sạt lở khiến các phương tiện giao thông không thể qua lại, người dân địa phương phải đi bộ - Ảnh: TTXVN

Nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) bị sạt lở khiến các phương tiện giao thông không thể qua lại, người dân địa phương phải đi bộ - Ảnh: TTXVN

Sáng 10/9, lực lượng chức năng cùng người dân một số địa phương trong tỉnh Nghệ An đã tiến hành khắc phục hậu quả đợt mưa lũ lớn xảy ra những ngày qua.

Trong đó, người dân tiến hành khơi thông, dọn vệ sinh dòng chảy hệ thống tiêu thoát nước trên các trục đường giao thông, mương thủy lợi; tiêu úng, thoát nước trên đồng ruộng; thống kê, kiểm đếm chính xác thiệt hại…

Thống kê chưa đầy đủ của các địa phương, mưa lớn và lũ quét đã gây thiệt hại cho nhiều tuyến đường dân sinh, lúa và hoa màu, ao nuôi thủy sản…

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ Dân sự tỉnh Nghệ An đang yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc công ty thủy lợi, thủy điện; cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu các thiệt hại do mưa lũ gây ra. Các bên liên quan chủ động phương án vận hành an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, hồ đập đã đầy nước; quản lý chặt chẽ và hướng dẫn giao thông ở bến đò, tuyến đường giao thông, ngầm, tràn bị ngập nước, sạt lở, phân luồng, hướng dẫn giao thông đi lại để đảm bảo an toàn cho người, phương tiện.

Các địa phương trong tỉnh cũng nghiêm cấm người dân vớt củi, đánh bắt cá trên sông, suối, hạ lưu hồ đập khi đang có mưa lũ để tránh thiệt hại về người; cảnh báo đến người dân tại vùng ngập lụt, vùng trọng điểm mưa lũ không được chủ quan vì hiện nay mưa lũ vẫn đang tiếp diễn, sạt lở đất đá vẫn có thể xảy ra.

Chính quyền địa phương đặt biển cảnh báo tại vị trí sạt lở do mưa lũ để người dân chủ động né tránh - Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Chính quyền địa phương đặt biển cảnh báo tại vị trí sạt lở do mưa lũ để người dân chủ động né tránh - Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Tại Hà Tĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh sẵn sàng lực lượng, phương tiện để chủ động chi viện cho các địa phương để ứng phó với thiên tai khi có lệnh.

Các Công ty TNHH MTV Thủy lợi: Nam Hà Tĩnh, Bắc Hà Tĩnh tổ chức thường trực vận hành 24/24h tại các công trình tiêu, thoát lũ, nhất là các cống tiêu lớn như: Đò Điệm, Đồng Huề, Trung Lương, Đức Xá, Vọc Sim... để chủ động tiêu thoát nước chống ngập úng, nhất là đối với diện tích lúa Hè Thu chưa thu hoạch.

Chủ các công trình thủy lợi, thủy điện triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn cho các công trình theo phương án đã duyệt, điều tiết hồ chứa hợp lý để vừa đảm bảo an toàn cho công trình, vùng hạ du và vừa đảm bảo tích nước phục vụ sản xuất, phát điện.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ ứng phó với mưa lớn. Ảnh: Báo Thanh Hóa

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ ứng phó với mưa lớn. Ảnh: Báo Thanh Hóa

Trước diễn biến phức tạp do mưa lớn những ngày qua, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố, các ngành, đơn vị liên quan khẩn trương chỉ đạo thực hiện các nội dung ứng phó trước diễn biến của mưa lũ, như: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất; thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Tổ chức vận hành ngay các công trình tiêu úng đảm bảo tiêu thoát cho diện tích bị ngập lụt. Triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, gia cố, bảo vệ hồ ao nuôi thủy sản; khẩn trương thu hoạch lúa, hoa màu đến thời kỳ thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; phòng, chống ngập lụt khu vực đô thị, vùng trũng thấp bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Các ngành, các địa phương cần rà soát, sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất; kiểm tra các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra. Đồng thời, tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn...

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các đơn vị bố trí 1.250 bộ đội địa phương, dân quân cơ động sẵn sàng tổ chức ứng trực các khu vực trọng điểm, những vị trí có nguy cơ ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá, chia cắt, cô lập.

Vùng dân cư thôn Kênh Gà, xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn ( Ninh Bình) bị ngập lụt do mưa, lũ lớn - Ảnh: Báo Nhân Dân

Vùng dân cư thôn Kênh Gà, xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn ( Ninh Bình) bị ngập lụt do mưa, lũ lớn - Ảnh: Báo Nhân Dân

Tại Ninh Bình, mưa lớn trên diện rộng, kèm theo lũ từ thượng nguồn đổ về 2 ngày qua khiến nhiều diện tích lúa, ao đầm nuôi trồng thủy sản ở vùng trũng và các khu dân cư ngoài đê sông Hoàng Long, thuộc các huyện Gia Viễn, Nho Quan (Ninh Bình) bị ngập lụt, làm ảnh hưởng đến đời sống của hơn 1.100 hộ dân, gần 180 ha lúa, hoa màu...

Mưa lớn cũng làm hơn 5.000 ha lúa ở tỉnh Ninh Bình bị ngập. Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Bình đã huy động 232 máy bơm thuộc 56 trạm bơm hoạt động hết công suất để tiêu úng cho các diện tích lúa vụ mùa năm 2022 bị ngập úng.

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình đã yêu cầu các huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra an toàn hệ thống đê điều, hồ đập, công trình phòng, chống thiên tai; triển khai quyết liệt phương án bảo vệ các trọng điểm xung yếu, các công trình thi công dở; chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực, phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng xử lý các tình huống xấu ngay khi mưa bão gây ra.

Lực lượng chức năng tỉnh Hòa Bình khẩn trương giúp người dân trong mưa lũ - Ảnh: Báo Nhân Dân

Lực lượng chức năng tỉnh Hòa Bình khẩn trương giúp người dân trong mưa lũ - Ảnh: Báo Nhân Dân

Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, mưa lũ những ngày qua đã làm thiệt hại nặng nề về người và tài sản trên địa bàn tỉnh. Tại huyện Lương Sơn đã có 1 người chết, 347 người phải sơ tán; 148 người phải giải cứu do mặc kẹt dọc sông Bùi; di dời 4 hộ dân do sạt lở đất trên địa bàn thành phố Hòa Bình...

Mưa lũ còn làm đổ sập 15 nhà tại huyện Đà Bắc, Kim Bôi; 10 nhà sạt lở đất, ngập úng tại thành phố Hòa Bình. Hơn 771ha hoa màu, cây ăn quả bị vùi lấp, ngập úng... Ngoài ra, mưa lũ cũng làm hư hỏng nhiều tuyến đường giao thông tại các huyện: Đà Bắc, Lương Sơn, Kim Bôi.

Tại thành phố Hòa Bình, đoạn kè bờ sông (chân cầu Đen từ suối Chăm đổ ra sông Đà) tiếp tục bị sạt lở về phía thượng lưu, gây mất an toàn nghiêm trọng đến đoạn kè bờ sông. Sạt lở đất sản xuất hàng nghìn m3 khu vực bờ sông Đà tại các xóm: Độc Lập, Trung Thành, Hạnh Phúc, xã Thịnh Minh.

Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ban bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai để triển khai các phương án ứng phó.

Để bảo đảm an toàn cho người dân và các công trình lân cận, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố, UBND xã, phường, thị trấn và các phòng, ban liên quan kiểm tra, theo dõi diễn biến sạt lở; triển khai phương án sơ tán dân đến nơi an toàn; khoanh vùng cắm biển cảnh báo tại vị trí không bảo đảm an toàn...

Lực lượng dân quân xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc (Nam Định) tham gia khắc phục hiện tượng mạch đùn, mạch sủi trên mái đê trong diễn tập - Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân

Lực lượng dân quân xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc (Nam Định) tham gia khắc phục hiện tượng mạch đùn, mạch sủi trên mái đê trong diễn tập - Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân

Để chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả các tình huống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam yêu cầu các đơn vị duy trì nghiêm chế độ ứng trực, chủ động kiểm tra, rà soát công tác bảo đảm an toàn cho doanh trại, kho tàng, phương tiện và cơ sở vật chất của đơn vị.

Chú ý theo dõi dự báo thời tiết, tăng cường quan sát, kịp thời phát hiện các dấu hiệu dẫn đến nguy cơ sạt lở, lũ quét... để sơ tán đến nơi an toàn; nắm chắc tình hình mưa lũ và mức độ ảnh hưởng ở địa bàn đóng quân, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương triển khai lực lượng, phương tiện ứng phó, hỗ trợ nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả.

BT

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/nhieu-dia-phuong-khan-truong-khac-phuc-hau-qua-mua-lu-102220910222700096.htm