Nhiều địa phương lo 'không tiêu được' tiền từ tăng thu ngân sách

Theo Phó chủ tịch Quốc hội, nhiều địa phương đề nghị khoản tăng thu ngân sách cần chia 50-50 để sử dụng cho đầu tư công và cải cách tiền lương, thay vì chênh lệch như hiện tại.

Ngày 11/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến liên quan báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.

Sau khi nghe Bộ trưởng Tài chính trình bày báo cáo, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết khi ông đi tiếp xúc cử tri một số địa phương, người dân cho rằng điểm nghẽn về ngân sách nằm ở việc tăng thu của ngân sách địa phương.

Địa phương lo ngại "tiền bỏ đó không tiêu được"

Theo ông Phương, trước đây, quy định nêu rõ việc sử dụng 30% nguồn tăng thu của ngân sách địa phương để chi cho đầu tư công và 70% dành cho cải cách tiền lương. Nhưng hiện, nhiều địa phương đề nghị hai khoản này cần được chia 50-50.

Cụ thể, với cách phân bổ ban đầu, các địa phương hiện phải tính toán đầy đủ để dành cho cải cách tiền lương và bảo đảm là không thâm hụt. Nếu thâm hụt, sau này địa phương phải chịu trách nhiệm.

Do đó, một số nơi đề nghị 50% phần tăng thu ngân sách địa phương này chi cho đầu tư công, nếu không tiền bỏ đó không tiêu được.

"Tôi nhớ là hôm đi khởi công tuyến cao tốc Bắc - Nam, Thủ tướng đã làm việc với Quảng Ngãi và được tỉnh đề nghị việc này. Vào đến Lâm Đồng, tỉnh cũng đề nghị. Một số tỉnh đề nghị việc này nhưng mình chưa có biện pháp gì tháo gỡ", ông Phương nói.

 Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ liên quan kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, sáng 11/5. Ảnh: Phạm Thắng.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ liên quan kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, sáng 11/5. Ảnh: Phạm Thắng.

Giải trình thêm về vấn đề trên, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương quy định nguồn vượt thu từ ngân sách Trung ương phải trích 40% và ngân sách địa phương dành 70% để làm quỹ lương.

Trong khi có những năm, ngân sách vượt thu rất cao nhưng cũng sẽ có những năm, ngân sách sẽ hụt thu hoặc không vượt thu nhiều.

Ông Phớc cho rằng việc chủ động và điều hòa trong nguồn cải cách tiền lương là rất cần thiết vì lâu nay chúng ta chưa thực hiện cải cách tiền lương, chưa nâng lương. Từ ngày 1/7, chính sách mới về nâng lương tối thiểu mới có hiệu lực.

"Người lớn làm việc nhỏ, người nhỏ làm việc lớn thì rất khó"

Ngoài ra, Bộ trưởng Tài chính cho biết hiện, đầu tư công giải ngân rất chậm với nhiều nguyên nhân bao gồm cả việc điều hành và quy định pháp luật.

Theo ông Phớc, Luật Đầu tư công quy định có tiền thì mới được lập dự án, nhưng lập dự án rồi thì mới được phân bổ tiền. Nội dung này đang bị vướng.

Ông dẫn ví dụ trong chương trình phục hồi, Quốc hội đã có nghị quyết phân bổ làm trụ sở của Hải quan sân bay Long Thành nhưng đến nay, Bộ vẫn chưa nhận được thông báo vốn vì chưa lập được dự án.

"Trong khi muốn lập được dự án thì phải có tiền, cho nên cứ vướng đi vướng lại như vậy", ông Phớc nói.

 Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc tiếp thu, giải trình ý kiến của Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Phạm Thắng.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc tiếp thu, giải trình ý kiến của Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Phạm Thắng.

Bộ trưởng Tài chính cũng cho biết các cơ quan đang tranh luận về nội dung quy định việc hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách 40 triệu/hộ thì thuộc đầu tư công hay thuộc chi thường xuyên.

Ông Phớc nêu quan điểm đây là một khoản hỗ trợ của ngân sách, là khoản chi thường xuyên từ ngân sách để hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân chứ không phải chi đầu tư công. Trong khi nếu chi đầu tư công thì phải có chủ đầu tư, lập dự án.

Về chương trình mục tiêu quốc gia, ông Phớc nêu quan điểm "người lớn thì làm việc nhỏ, người nhỏ làm việc lớn thì rất khó" và cho rằng nếu Bộ Tài chính phân bổ từng hạng mục, từng dự án, từng nội dung cụ thể thì không làm được.

Thay vào đó, Bộ chỉ hướng dẫn nội dung chi tiêu rồi phân bổ vốn về cho các tỉnh tổ chức làm, sau đó Bộ sẽ kiểm tra.

Dẫn thêm quy định về cổ phần hóa theo nghị quyết của Quốc hội khi phải tính giá trị đất vào giá trị doanh nghiệp, ông Phớc cho rằng khi địa phương làm thì gần như không phê duyệt phương án về sử dụng đất, cho nên không tính được giá trị. Trong khi nếu tính giá trị tiền sử dụng đất hôm nay, ngày mai có khi lại thất thoát.

Ông dẫn ví dụ ở TP.HCM từ năm 2022 đến nay, Chính phủ giao phải cổ phần hóa 38 doanh nghiệp nhưng địa phương này cũng không cổ phần hóa được doanh nghiệp nào.

"Đây là một thực trạng, chúng tôi sẽ tập trung để tham mưu cho Chính phủ, tham mưu cho Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật để triển khai một cách hiệu quả", theo Bộ trưởng Tài chính.

Mỹ Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhieu-dia-phuong-lo-khong-tieu-duoc-tien-tu-tang-thu-ngan-sach-post1430310.html