Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Bình tích cực triển khai Đề án 818
Thời gian qua, nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã tích cực truyền thông, đưa các sản phẩm phương tiện tránh thai, kế hoạch hóa gia đình của Đề án vào cuộc sống, giúp người dân chủ động trong việc lựa chọn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình phù hợp với nhu cầu.
Ngày 29/12/2015, UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt Đề án "Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản (KHHGĐ/SKSS) tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển tỉnh Thái Bình giai đoạn 2015-2020" (Đề án 818).
Đề án được triển khai với mục đích chia sẻ gánh nặng chi phí cho Nhà nước về các dịch vụ DS-KHHGĐ; tạo hành lang, cơ sở pháp lý, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ; tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân; giới thiệu đa dạng hóa các sản phẩm KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản đến người dân, trong đó chú trọng các sản phẩm hiện đại, có tác dụng lâu dài và hiệu quả.
Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ trong thời kỳ hiện đại và nâng cao nhận thức của cộng đồng về sử dụng các sản phẩm, dịch vụ KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Khi tiếp nhận triển khai Đề án 818, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Bình cũng xác định việc tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Bởi thực tế một bộ phận không nhỏ người dân vẫn chưa coi trọng việc sử dụng các dịch vụ KHHGĐ, vẫn tồn tại tư tưởng muốn có nhiều con, đặc biệt ở những gia đình kinh tế phát triển.
Bên cạnh đó, người dân chưa có thói quen mua sản phẩm chăm sóc sức khỏe sinh sản, phương tiện tránh thai để sử dụng mà vẫn quen sử dụng miễn phí do Nhà nước tài trợ. Khi không còn được cấp phát mà phải bỏ tiền túi ra mua để sử dụng với họ cũng là vấn đề lớn, không phải việc dễ dàng chấp thuận ngay.
Vì vậy, theo bà Đoàn Thị Thanh Hằng, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Thái Bình, để thay đổi nhận thức của người dân, giúp họ dần xóa bỏ thói quen được bao cấp phương tiện tránh thai cần phải tiến hành từng bước, không thể làm trong một sớm một chiều. Cần phát huy hơn nữa công tác truyền thông bằng nhiều hình thức.
Không chỉ dừng lại ở các hội nghị truyền thông tại xã, tại thôn mà cần sự tuyên truyền tích cực, bền bỉ của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số để người dân chấp nhận tìm đến, lựa chọn và sử dụng lâu dài các dịch vụ KHHGĐ/SKSS thuộc Đề án.
Thời gian qua, nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã tích cực truyền thông, đưa các sản phẩm phương tiện tránh thai, KHHGĐ của Đề án vào cuộc sống, giúp người dân chủ động trong việc lựa chọn các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ.
Chẳng hạn, năm 2016, Đề án được triển khai thí điểm tại huyện Thái Thụy, Kiến Xương và Thành phố Thái Bình bước đầu thu được những kết quả đáng mừng. Cán bộ DS-KHHGĐ xã và cộng tác viên dân số tích cực truyền thông, giới thiệu sản phẩm của Đề án, từng bước thay đổi nhận thức của người dân về việc chủ động "trả tiền" thay vì sử dụng miễn phí các dịch vụ DS-KHHGĐ.
Những đối tượng có nhu cầu sử dụng phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ/SKSS được tiếp cận, lựa chọn những dịch vụ phù hợp với nhu cầu và khả năng của họ. Qua đó, các sản phẩm xã hội hóa từ Đề án 818 đã bước đầu thâm nhập vào thị trường và được sự đón nhận của một bộ phận người dân.
Còn tại huyện Đông Hưng, từ năm 2017, thay vì thói quen trông chờ vào sự tài trợ của Nhà nước để được sử dụng miễn phí các dịch vụ DS-KHHGĐ thì hiện nay, người dân đã chủ động trả tiền để được lựa chọn sản phẩm và dịch vụ phù hợp với khả năng và nhu cầu.
Đặc biệt, Thái Thụy tuy là huyện ven biển song được đánh giá là một trong những địa phương triển khai Đề án có hiệu quả nhất trong tỉnh. Song song với hoạt động tập huấn cho đội ngũ cán bộ dân số các xã, thị trấn về cách thức tuyên truyền, giới thiệu và bán sản phẩm, huyện cũng xác định đối tượng ưu tiên để tuyên truyền là đội ngũ giáo viên tại các trường học và người lao động tại các doanh nghiệp, bởi đây là những đối tượng có nguồn thu nhập ổn định so với các đối tượng khác.
Thời gian tới, Chi cục DS-KHHGĐ Thái Bình tiếp tục thực hiện đẩy mạnh hoạt động của Đề án 818 theo Quyết định 718/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 25/2/2019 phê duyệt Đề án tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS đến năm 2030, trong đó, chú trọng các dịch vụ sàng lọc ung thư vú và ung thư cổ tử cung, phòng chống nhiễm khuẩn đường sinh sản.