Nhiều địa phương từ chối đề án 'Thành phố nhiếp ảnh Việt Nam'
Ngày 30-8, lần đầu tiên, đề án 'Thành phố nhiếp ảnh Việt Nam' Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm xin ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu và người hoạt động nghệ thuật nhiếp ảnh tại Hà Nội. Đây là đề án nhằm xây dựng thương hiệu quốc gia về nhiếp ảnh nhưng điều kỳ lạ là không phải địa phương nào cũng quan tâm, thậm chí từ chối phối hợp thực hiện đề án.
Theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, đề án "Thành phố nhiếp ảnh Việt Nam" được xây dựng dựa trên lợi thế của Việt Nam về di sản văn hóa thiên nhiên, danh lam thắng cảnh và đất nước con người. Đây là một mô hình tổ chức sự kiện nhiếp ảnh chưa từng có ở Việt Nam, sẽ góp phần giảm hiện tượng nghiệp dư hóa nhiếp ảnh.
Theo đó, chuỗi hoạt động nhiếp ảnh gồm tổ chức hội chợ nhiếp ảnh, giới thiệu các sản phẩm, trang thiết bị phục vụ ngành nhiếp ảnh, các đoàn nhiếp ảnh gia quốc tế đi sáng tác tại các địa điểm văn hóa, du lịch Việt Nam, sau đó tổ chức triển lãm trưng bày mua bán tác phẩm sẽ tổ chức tại một số tỉnh, thành phố có tiềm năng du lịch và di sản văn hóa. Chuỗi hoạt động này được tổ chức luân phiên 2 năm một lần nhằm ra tạo ra các tác phẩm, sản phẩm, sự kiện thúc đẩy sự nghiệp và thị trường nhiếp ảnh trong nước phát triển.
Đề án được kỳ vọng sẽ phát triển nhiếp ảnh Việt Nam có chiều sâu bằng các hoạt động mua bán tác phẩm, mở ra thị trường nhiếp ảnh, thay đổi nhận thức về nhiếp ảnh. Tuy nhiên, hiện tại, một số tỉnh thành đã từ chối phối hợp thực hiện, chỉ có tỉnh Ninh Bình, Hội An, Đà Nẵng và Đà Lạt nhận lời. Bởi lẽ, để thực hiện đề án, không chỉ có Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà sẽ cần có sự phối hợp của các địa phương bằng việc hỗ trợ kinh phí. Đó cũng có thể là lý do các tỉnh được mời tham gia đã từ chối thẳng thừng, để tránh rắc rối.
Về đề án này, nhà phê bình nhiếp ảnh Vũ Huyến chia sẻ: Xây dựng một thương hiệu quốc gia gắn với nhiếp ảnh liệu hiện nay có vẻ như đang “quá tầm” với Việt Nam. Mục đích của đề án nhằm tạo ra thị trường cho nhiếp ảnh nhưng thực tế, hiện nay, người chơi ảnh chưa có thói quen sở hữu các tác phẩm nghệ thuật và các cuộc mua bán tác phẩm nhiếp ảnh chỉ mang tính nhỏ lẻ…
Nhà nhiếp ảnh Anh Tuấn thì cho rằng, các sự kiện nhằm xây dựng thương hiệu nhiếp ảnh nên tổ chức định kỳ tại một thành phố thay vì luân phiên ở nhiều địa phương. Như thế, sự kiện mới tạo nên thương hiệu gắn với thành phố đã đăng cai, giống như Festival Huế, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng…
Dự kiến, sau khi tổ chức lấy ý kiến tại Hà Nội, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm sẽ còn tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, quản lý, nghệ sĩ nhiếp ảnh khu vực phía Nam về đề án này.