Nhiều địa phương vẫn cách ly người đến từ TPHCM
(SGTT) – Lai Châu, Bình Định là những địa phương vẫn áp dụng biện pháp cách ly, theo dõi y tế đối với người về từ TPHCM. Trong khi đó, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai thì không đón khách đến từ vùng cam, vùng đỏ. Ninh Bình chỉ đón khách Hà Nội từ vùng xanh thông qua một công ty du lịch.
Ông Trần Hải Trung, 30 tuổi, ngụ Hà Nội cho biết, Hải Phòng đã gỡ bỏ các chốt kiểm soát về khai báo y tế trước khi vào tỉnh nhưng hiện một số khách sạn ở địa phương không đón khách đến từ vùng cam, vùng đỏ nên đi du lịch, công tác giai đoạn này cũng…. thấp thỏm.
“Mình có việc thường đi về giữa Hà Nội và Hải Phòng. Việc di chuyển đã dễ dàng hơn vì các chốt kiểm soát đã được gỡ bỏ. Tuy nhiên, một số khách sạn tại Hải Phòng từ chối đón khách đến từ vùng cam, vùng đỏ”, ông Trung nói với Sài Gòn Tiếp Thị.
Theo ông Trung, Hải Phòng không có văn bản dừng đón khách đến từ những vùng này nhưng một số khách sạn, đặc biệt là khách sạn nhỏ khoảng dưới 3 sao thì từ chối đón khách. “Sau khi khách tới khách sạn và quét mã QR, nếu khách đến từ vùng cam hoặc vùng đỏ, khách sạn sẽ từ chối tiếp nhận”, ông Trung nói và cho biết tâm lý rất hồi hộp vì cấp độ phân vùng dịch thay đổi mỗi ngày nên rất khó lường trước.
Với Lào Cai, nhiều du khách tại Hà Nội và TPHCM chia sẻ rằng, địa phương đã gỡ bỏ quy định cách ly đối với người đến từ TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An nhưng du khách đến từ vùng cam, vùng đỏ (dịch ở cấp độ 3, 4) vẫn chưa thể du lịch tới tỉnh này vì địa phương chưa cho phép đón khách từ các vùng này.
Ông Nguyễn Đức Hiệp, 40 tuổi, ngụ quận 7, TPHCM vừa có chuyến du lịch đến Quảng Ninh trở về đã chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị rằng, không dễ để đi du lịch Quảng Ninh bởi thủ tục rườm rà với rất nhiều quy định.
Theo ông Hiệp, Quảng Ninh không còn áp dụng biện pháp cách ly tập trung người về từ TPHCM nhưng lại áp dụng đón khách phân theo cấp độ dịch bệnh. “Du khách lưu trú ở vùng xanh, vùng vàng thì thoải mái đến Quảng Ninh du lịch, thăm thân… nhưng khách ở vùng cam, vùng đỏ (vùng có dịch cấp độ 3, 4 – PV) thì không được phép bay đến sân bay Vân Đồn”, ông Hiệp nói và cho biết, câu chuyện được bay đến Vân Đồn để về nhà, đi du lịch cũng lắm gian truân.
“Tất cả đều tuyệt vời như truyền thông của tỉnh Quảng Ninh mời gọi du khách hãy đến với vịnh Hạ Long cho đến khi hành khách bước vào sảnh nhà ga Vân Đồn”, ông Hiệp nói và cho biết thêm, khi khách tới sân bay Vân Đồn, chốt đầu tiên gồm 2 nhân viên chặn tất cả hành khách kiểm tra căn cước/chứng minh nhân dân, giấy xét nghiệm Covid âm tính (việc này tại sân bay điểm đi khi làm check-in đã kiểm tra rất kỹ thì khách mới được bay -PV).
Tại khu vực sau khi lấy hành lý, sân bay dựng một bảng QR Code và yêu cầu tất cả hành khách lấy điện thoại quét mã, ai không quét thì khai báo y tế bằng giấy. Trong khi theo ông Hiệp, tại TPHCM, trước khi lên máy bay đã phải khai báo rất rõ ràng nên việc chặn lại quét mã, khai báo thêm là không cần thiết, bất tiện cho du khách.
Chốt thứ 3 ngay khi bước ra sảnh thì có tiếp 2 nhân viên đứng ngay cửa phân loại từng nhóm khách hàng (đi 1 người, nhóm đi 2 người, nhóm 4, 5 người…). Chốt thứ 4 cách cổng khoảng 10m là đội điều xe taxi tách riêng từng nhóm và “áp giải lên xe taxi không ai được ý kiến vì đây là yêu cầu phòng chống dịch”, ông Hiệp nhớ lại.
Theo ông Hiệp, sân bay Vân Đồn không cho phép xe ô tô, xe máy nào vào trong sảnh, bãi đỗ của sân bay đón thân nhân, khách hàng mà chỉ có toàn là xe taxi loại 4, 7, 16 chỗ đã chờ sẵn. “Có nghĩa là tất cả khách hàng đến Vân Đồn phải bị ép sử dụng đội ngũ xe taxi này”, ông Hiệp nói và cho biết thêm, không có một văn bản thông báo, hướng dẫn nào về việc này trong khi khách đáp sân bay, người nhà đến đón, chờ thì không được.
“Chưa nói đến các vấn đề chi phí, giá cả taxi tại sân bay, việc ‘ép’ khách phải đi taxi để về nhà, khách sạn theo cách nói của nhân viên sân bay là ‘một hành trình, hai điểm đến’ là điều khó chấp nhận”, một nữ hành khách (xin giấu tên) 68 tuổi, ngụ TPHCM cũng là một trong những người có chuyến đi về Quảng Ninh mới đây đã ngạc nhiên và ngỡ ngàng khi bị thúc ép lên taxi trong khi con, cháu của bà đã đến chờ đón từ chiều.
Cũng theo ông Hiệp, khi ông vào lưu trú tại khách sạn ở thành phố Hạ Long, nhân viên lại phát tiếp xấp giấy khai báo y tế của phường. “Nhìn trang giấy 2 mặt, chằng chịt chữ photo mờ mờ… Mình hoa cả mắt”, ông Hiệp nhớ lại và cho biết cô nhân viên năn nỉ khách khai báo vì phường yêu cầu.
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, bà Nguyễn Thị Duyên, Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến Du lịch Lai Châu, cho biết địa phương vẫn áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung 7 ngày và test PCR 2 lần đối với người đến từ TPHCM.
“Chi phí cách ly và phí test, khách phải tự trả”, bà Duyên nói và cho biết, có thể phải sau ngày hội dân tộc Mông (ngày 26-12) địa phương mới có văn bản hướng dẫn mới đối với người đến từ ngoài tỉnh, trong đó có người đến từ TPHCM.
Một người dân TPHCM quê Bình Định cũng chia sẻ, cách đây vài hôm bạn của cậu ấy có việc từ TPHCM về quê (Bình Định) phải cách ly 7 ngày tại nhà để theo dõi sức khỏe.
Tỉnh Ninh Bình, theo chia sẻ của nhiều du khách, địa phương này hiện nay chỉ mới áp dụng thí điểm đón khách Hà Nội từ vùng xanh và phải thông qua công ty du lịch Hanoitourist bằng chương trình thí điểm. Khách tự đi hoặc khách đi qua các công ty du lịch khác vẫn chưa thể vào địa phương được.
Hiện nay, việc đi lại giữa các địa phương đã thuận tiện và dễ dàng hơn. Các thành phố du lịch như Đà Nẵng, Đà Lạt, Phú Quốc, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận cũng không còn kiểm soát gắt người đến từ TPHCM. Đa phần các địa phương hiện nay chỉ yêu cầu người dân, du khách đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa Covid và quét mã QR khai báo y tế.
“Du khách tới Bình Thuận, khi check-in khách sạn sẽ phải xuất trình giấy xác nhận âm tính Covid, nếu không có giấy xác nhận thì sẽ được khách sạn hỗ trợ test (nhanh) tại khách sạn”, đại diện Hiệp hội Du lịch Bình Thuận nói.
Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/nhieu-dia-phuong-van-cach-ly-nguoi-den-tu-tphcm/