Nhiều điểm đến vùng ĐBSCL thu hút du khách dịp Tết Ất Tỵ 2025
Nhờ chủ động chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực nên các khu, điểm tham quan du lịch vùng ĐBSCL đã đáp ứng tốt nhu cầu du xuân dịp Tết của du khách...
Nhiều sản phẩm du lịch được nâng chất lượng
Trong những ngày tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, du lịch Bạc Liêu đạt tổng doanh thu dịch vụ gần 100 tỷ đồng. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ 25/1 - 2/2 (26 tháng Chạp đến mùng 5 Tết), các khu, điểm tham quan du lịch trong tỉnh đã đón khoảng 245.000 lượt khách. Trong đó có khoảng 20.450 lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú, riêng khách quốc tế chủ yếu là Việt kiều về nước đạt khoảng 3.000 lượt. Với lượng khách tăng mạnh trong dịp Tết, doanh thu dịch vụ du lịch của Bạc Liêu đạt khoảng 98 tỷ đồng, trong đó doanh thu nhà hàng - khách sạn - cơ sở kinh doanh ăn uống đạt khoảng 54 tỷ đồng.
Ngoài những điểm du lịch nổi tiếng như: Khu Quán âm Phật đài, Cụm nhà Công tử Bạc Liêu, Khu du lịch Nhà Mát, Khu du lịch Điện gió Hòa Bình 1, Vườn nhãn… đón từ vài ngàn lượt khách/ngày thì các điểm du lịch sinh thái như: Trang trại Cừu, The Rice Farm Bạc Liêu, Cánh Đồng Cậu Ba cũng có lượng khách đến khá đông.
Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp, từ ngày 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến ngày mùng 4 Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, du lịch Đồng Tháp ước đón và phục vụ khoảng 248.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, trong đó sử dụng dịch vụ du lịch tăng 68,12% so với cùng kỳ năm 2024 và tổng doanh thu dịch vụ du lịch ước đạt 39,3 tỷ đồng, tăng 64,98% so với cùng kỳ năm trước.
Điển hình như: TP. Cao Lãnh đã khai trương Đường hoa Xuân Ất Tỵ 2025 vào tối 25/1/2025 (nhằm ngày 26 Tết) với chủ đề “Sen Hồng bức phá, vươn tới tương lai”, gắn với mở cửa tham quan khuôn viên UBND tỉnh thu hút hơn 186.000 lượt người đến tham quan, vui xuân. Thành phố Hoa Sa Đéc tổ chức Lễ hội hoa xuân thành phố Sa Đéc năm 2025 với chủ đề: “Sa Đéc - Nơi bốn mùa khoe sắc”…
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, trong 7 ngày nghỉ tết (từ ngày 26 tháng Chạp đến mùng 5 tết), tổng lượt khách du lịch, tham quan tại tỉnh là 183.126 lượt, tăng 25,6% so với Tết Nguyên đán 2024; trong đó, khách quốc tế 20.052 lượt, tăng 25,4% so với cùng kỳ. Doanh thu trực tiếp từ khách du lịch đạt 140 tỷ đồng, tăng 27,4% so với cùng kỳ.
Công suất sử dụng phòng nghỉ khách sạn bình quân đạt 80%. Một số điểm đến thu hút đông du khách như: Khu du lịch cù lao Thới Sơn, Khu du lịch biển Tân Thành, Quảng trường Hùng Vương, Trại rắn Đồng Tâm, Làng cổ Đông Hòa Hiệp, chùa Liên Hoa, Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác và các di tích lịch sử, văn hóa.
Ghi nhận tại các huyện phía Tây của tỉnh Tiền Giang, đa phần các điểm du lịch đón lượng khách du lịch tăng khá so với những năm trước. Làng cổ Đông Hòa Hiệp (xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè) là điểm đến quen thuộc đối với du khách trong và ngoài nước. Còn tại khu vực phía Đông của tỉnh Tiền Giang, dịp Tết Nguyên đán năm 2025, Khu du lịch biển Tân Thành và biển Gò Công (huyện Gò Công Đông) trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách. Đặc biệt, du khách rất thích thú với trải nghiệm làm ngư dân cào nghêu và thưởng thức thành quả sau cả giờ cào nghêu. Các điểm du lịch trên địa bàn TP. Mỹ Tho như: Cù lao Thới Sơn, chùa Vĩnh Tràng… cũng thu hút đông du khách trong và ngoài nước tới tham quan trong dịp tết.
Theo đánh giá của ngành du lịch các địa phương trong vùng ĐBSCL, mặc dù qua một năm nhiều khó khăn thách thức của nền kinh tế trong và ngoài nước nhiều biến động, nhưng du lịch các tỉnh trong vùng ĐBSCL nhờ chủ động chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực nên các khu, điểm tham quan du lịch, các sản phẩm du lịch ngày càng được nâng chất… đã đáp ứng tốt nhu cầu du xuân của du khách. Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện tốt các quy định về bán đúng giá niêm yết, ứng xử văn minh, lịch thiệp đã góp phần tạo ấn tượng đẹp cho du lịch các địa phương trong dịp tết này.
Du lịch đường sông dần lên ngôi
Tại Thành phố Cần Thơ - trung tâm vùng ĐBSCL, theo phong tục, những ngày đầu năm mới, khách du xuân thường viếng chùa, đình thần nhằm cầu một năm an lành, tấn tới. Theo đó, các điểm đến như: Đền thờ Vua Hùng, Đình Bình Thủy, Nam Nhã Phật Đường (quận Bình Thủy), Chùa Ông (quận Ninh Kiều), Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam (huyện Phong Điền)... đều thu hút khách đến viếng vào những ngày đầu năm..
Không khí Tết càng nhộn nhịp ở các điểm du lịch, nổi bật là các khu điểm lớn như: Cantho Eco Resort, Làng du lịch Mỹ Khánh… Ở những điểm này mỗi ngày bình quân đón hàng ngàn lượt khách, cao điểm là từ mùng 1 đến mùng 4.
Với nhiều sự đầu tư mới về sản phẩm, dịch vụ trải nghiệm đa dạng cho mùa Tết, như: vũ hội mùa xuân, phim trường Tết Eco, làng hoa Eco… Cantho Eco Resort thu hút lượng khách lớn với hơn 14.000 lượt (từ mùng 1 đến mùng 4 Tết). Đặc biệt, không gian dân dã, miệt vườn là những điều mà du khách yêu thích khi lựa chọn miền Tây du xuân, các điểm vườn sinh thái tại Phong Điền, Bình Thủy, Cái Răng đều có lượng khách ổn định
Một điểm đến thu hút nhiều du khách trong dịp Tết năm nay là Đường hoa nghệ thuật Cần Thơ. Đường hoa nghệ thuật là một trong những điểm check-in không thể bỏ qua của nhiều du khách. Hay chợ nổi Cái Răng dù hạn chế hoạt động nhưng vẫn thu hút lượng lớn khách đến tham quan, nhất là khách quốc tế. Mặc dù các thương hồ đã xuôi ghe về quê ăn Tết, nhưng một số ghe nhỏ vẫn còn hoạt động. Theo các đơn vị lữ hành, các tour tham quan chợ nổi vẫn được khách lựa chọn để trải nghiệm trong dịp Tết.
Các tuyến du thuyền đường sông đang được khai thác hiệu quả tại Cần Thơ. Không chỉ nội thành mà các tuyến liên tỉnh, liên vùng đều thu hút du khách. Điển hình như tuyến “Khám phá vùng Mekong” với hành trình Cần Thơ - Vĩnh Long của Mekong Princess, các sản phẩm đường sông bằng ca nô của Công ty TNHH Du lịch thám hiểm và sự kiện đồng bằng Mekong từ Cần Thơ đi các tỉnh ĐBSCL theo chủ đề khám phá các cửa sông và tìm hiểu cuộc sống của cư dân các cồn, cù lao dọc sông Tiền, sông Hậu… Tuyến quốc tế có Cần Thơ - Phnom Penh (Campuchia), Cần Thơ - Siêm Riệp (Campuchia) từ các du thuyền Victoria Mekong Cruises.
Có thể nói, du lịch đường sông tại Cần Thơ còn rất nhiều tiềm năng và thành phố có những định hướng phát triển. Trước hết là quy hoạch và đầu tư các sản phẩm du lịch sông nước, theo hướng trải nghiệm sinh hoạt của bà con thương hồ trên chợ nổi, cuộc sống của người dân gắn với ruộng vườn trên các cù lao và vùng đất ven sông… Chợ nổi Cái Răng (quận Cái Răng), cồn Sơn (quận Bình Thủy), cù lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt) đều có dự án, đề án đầu tư riêng.
Cần Thơ đang dự định xây dựng 3 tuyến buýt đường thủy trên sông Hậu và sông Cần Thơ: Ninh Kiều - Thốt Nốt, Ninh Kiều - Phong Điền và Ninh Kiều - Cái Răng, hướng đến xây dựng chiến lược phát triển các lễ hội văn hóa sông nước mang tầm khu vực, quốc gia và quốc tế: hội Du lịch Văn hóa chợ nổi Cái Răng, Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều, Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL tại TP Cần Thơ… kết nối, quảng bá những giá trị văn hóa sông nước, thu hút du khách đến với thủ phủ đất Tây đô.