Gìn giữ mỹ tục ngày xuân ở làng nghề đúc đồng Trà Đông

Làng Trà Đông, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) giữ lửa truyền thống không chỉ qua nghề đúc đồng mà còn qua các giá trị văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc. Ngày xuân về vui hội làng là dịp để hiểu thêm về mỹ tục thờ vị tổ sư nghề đúc đồng Trà Đông của người dân nơi đây.

Đền thờ ông tổ đúc đồng Trà Đông với nét kiến trúc cổ kính, là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân làng nghề mỗi dịp tết đến xuân về.

Đền thờ ông tổ đúc đồng Trà Đông với nét kiến trúc cổ kính, là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân làng nghề mỗi dịp tết đến xuân về.

Theo truyền thuyết, từ thời nhà Lý, dòng họ Vũ đưa nghề đúc đồng về làng Trà Đông (hay còn gọi là làng Chè), vậy nên dân gian vẫn thường nhắc câu ca “Đất họ Lê - Nghề họ Vũ”. Tuy nhiên cũng có thuyết cho rằng vị thiền sư Khổng Minh Không (một nhân vật huyền thoại) chính là tổ sư của nghề đúc đồng. Các cụ cao niên trong làng kể rằng, để giúp người dân địa phương phát triển nghề đúc đồng, thiền sư Khổng Minh Không đã quyết định truyền dạy những bí quyết và kỹ thuật đúc đồng cho họ. Nhờ sự giúp đỡ của ông, người dân Trà Đông ngày càng sản xuất thêm được nhiều sản phẩm tinh xảo như trống đồng, tượng đồng, đồ thờ tự và nhiều món đồ dùng vật dụng phục vụ sản xuất. Đối với người dân nơi đây, vị tổ sư Khổng Minh Không chính là biểu tượng của tinh thần lao động sáng tạo, là niềm tự hào của mỗi người dân làng nghề. Vào khoảng thời Tự Đức (1848-1883) người dân trong làng đã lập đền thờ thánh Khổng Minh Không để tỏ lòng biết ơn. Cũng từ đó, hai vị thần họ Vũ tối linh thiêng đã được thờ chung tại đền. Cho đến nay, trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, đền thờ vẫn giữ được nét kiến trúc cổ kính, là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân làng nghề.

Hằng năm, vào ngày mùng 8 tháng Giêng người dân các ngõ Giếng, Chùa, Cầu, Hạ, Giữa... của làng Trà Đông lại cùng nhau tề tựu đến đền thờ ông tổ đúc đồng để “tu lễ” đầu năm. Theo bà Đặng Thị Bảy (63 tuổi, ở ngõ Cầu) cho biết, việc tu lễ đầu xuân hay còn gọi là “kỳ tế Thánh” ở đền thờ có từ xa xưa, với nghi thức long trọng, thể hiện văn hóa đặc trưng của phường đúc đồng. Đến nay lớp lớp các thế hệ con cháu vẫn duy trì vào dịp đầu xuân năm mới nhằm bày tỏ lòng thành kính với vị tổ nghề và cầu mong “Đức Thánh” phù hộ cho một năm mới công việc làm ăn được tốt lành. Cũng theo bà Bảy, vào khoảng mùng 3 mùng 4 tết, người dân trong mỗi ngõ lại họp bàn, phân công gia đình “chịu trưởng” và các phần việc liên quan để chuẩn bị cho buổi “tu lễ” vào ngày mùng 8 tháng Giêng. Mâm lễ thường có xôi, gà, hoa quả, trầu, rượu, vàng hương... Đối với gia đình “chịu trưởng” là địa điểm để mọi người tập trung đồ xôi, luộc gà, bày biện mâm lễ, đồng thời có trách nhiệm hơn trong mọi việc và kêu gọi mọi người tham gia công việc. Lần lượt mỗi năm sẽ thay phiên nhau, mỗi gia đình trong ngõ “chịu trưởng” một lần. Ai nấy đều rất vui vẻ và nhất tâm đối với công việc được giao.

Mâm lễ dâng vị tổ nghề tuy không quá cầu kỳ song bày tỏ tấm lòng thành kính của mỗi người dân làng Trà Đông, đặc biệt là những hộ gia đình làm nghề truyền thống. Bởi vậy, vào ngày “tu lễ”, từ khoảng 4 - 5 giờ sáng người dân ở các ngõ đã tập trung đến nhà “chịu trưởng” để chuẩn bị sửa soạn lễ vật, trang trí mâm lễ. Đến khoảng 7 giờ sáng, người dân các ngõ đội lễ ra đền để dâng lên thánh. Phần lễ được tổ chức trang trọng, sau đó chia “lộc thánh” cho người dân trong làng và những người đến tại buổi lễ. Cùng với đó là các hoạt động phần hội vui tươi, hấp dẫn.

Công chức văn hóa - xã hội xã Thiệu Trung Trần Thị Hiên cho biết: “Lễ hội đầu xuân vào ngày mùng 8 tháng Giêng tại làng Trà Đông là dịp sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của người dân làng nghề. Để đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, địa phương cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng hành cùng người dân địa phương trong công tác tổ chức, đảm bảo an ninh trật tự. Ngoài việc tôn thờ vị tổ nghề đúc đồng, dân làng Trà Đông còn có một số tín ngưỡng văn hóa từ xa xưa như tục tông thờ “màu đỏ”, cho màu đỏ là “khước” của nghề đúc đồng. Người ta còn kiêng kỵ việc người ngoài đến xin lửa trong khi đúc đồng, nhất là khi bắt đầu “chập lò”. Những hoạt động này chính là nét đẹp riêng có, thể hiện tấm lòng biết ơn với tổ tiên, đồng thời khơi dậy niềm tự hào về nghề truyền thống trong cộng đồng, giúp duy trì và phát triển các giá trị văn hóa làng độc đáo trong thời kỳ hội nhập”.

Bài và ảnh: Hoài Anh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/gin-giu-my-tuc-ngay-xuan-nbsp-o-lang-nghe-duc-dong-tra-dong-35341.htm