Nhiều điểm mới tại lễ kỷ niệm ngày Hai Bà Trưng tế cờ khởi nghĩa

Dự kiến ngày 18/10 (tức mùng 4/9 âm lịch), huyện Phúc Thọ sẽ tổ chức lễ kỷ niệm ngày Hai Bà Trưng hội quân, tế cờ khởi nghĩa. Đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa đặc biệt đối với người dân huyện Phúc Thọ nói riêng, cả nước nói chung.

15 di tích cùng rước kiệu về đền Hát Môn

Từ xưa tới nay, nhân dân xã Hát Môn và huyện Phúc Thọ vẫn duy trì 3 dịp lễ trọng. Một trong số đó là sự kiện ngày mùng 4/9 (âm lịch) - tương truyền là ngày Hai Bà Trưng lập đàn thề, tế trời đất trước khi ra trận.

Lễ kỷ niệm ngày Hai Bà Trưng hội quân, tế cờ khởi nghĩa năm 2023 tiếp tục được tổ chức tại Di tích Quốc gia đặc biệt đền Hát Môn (xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ). Nếu như những năm trước, lễ kỷ niệm được tổ chức trong 1 ngày và chỉ có phần lễ, thì năm 2023, chương trình sẽ kéo dài 3 ngày, bao gồm cả phần lễ và phần hội.

Lễ kỷ niệm ngày Hai Bà Trưng hội quân, tế cờ khởi nghĩa sẽ được tổ chức trong 3 ngày, bao gồm cả phần lễ và phần hội.

Lễ kỷ niệm ngày Hai Bà Trưng hội quân, tế cờ khởi nghĩa sẽ được tổ chức trong 3 ngày, bao gồm cả phần lễ và phần hội.

Phần hội tại lễ kỷ niệm sẽ là những tiết mục văn nghệ quần chúng do các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị, các thôn dân cư biểu diễn. Đặc biệt, năm 2023, lần đầu tiên tại lễ kỷ niệm ngày Hai Bà Trưng hội quân, tế cờ khởi nghĩa sẽ có lễ rước kiệu của Khối liên hiệp các di tích cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.

Các quận, huyện có di tích thờ tướng lĩnh Hà Bà Trưng thuộc Khối liên hiệp gồm: Ba Vì, Đan Phượng, Hoài Đức và Hà Đông, với 15 di tích, sẽ tổ chức rước kiệu đến đền Hát Môn vào ngày chính lễ hội (18/10).

Trong phần lễ năm nay, huyện Phúc Thọ cũng sẽ tái hiện một trích đoạn có tự đề là “Phất cờ nương tử”. Đây là màn biểu diễn nghệ thuật “chưa từng có” trước đây, nhằm tái hiện câu chuyện Hai Bà Trưng hội quân, tế cờ khởi nghĩa tại mảnh đất Phúc Thọ.

Sẵn sàng cho những ngày lễ hội

Chủ tịch UBND xã Hát Môn Đặng Văn Lập cho biết, để bảm đảm một lễ hội trang trọng và an toàn, địa phương đã xây dựng kế hoạch về bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ tại lễ kỷ niệm. Tuyên truyền, vận động người dân tiến hành tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm phong quang, sạch đẹp. Cùng với đó là trang trí khánh tiết, treo cờ tổ quốc và đèn lồng trên các tuyến đường làng, ngõ xóm...

Những ngày trước lễ hội, UBND huyện Phúc Thọ đã chỉ đạo tu sửa lại bức tranh tái hiện cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng trong khuôn viên Di tích Quốc gia đặc biệt đền Hát Môn. Theo đó, bức tranh sẽ được làm mới bằng chất liệu gốm sứ thay thế tranh đất cát xi măng vôi vữa trước đây.

Đền Hát Môn tại huyện Phúc Thọ là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt.

Đền Hát Môn tại huyện Phúc Thọ là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt.

Trao đổi với Kinh tế và Đô thị, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Kiều Trọng Sỹ cho biết, đến nay, công tác chuẩn bị cho lễ kỷ niệm ngày Hai Bà Trưng hội quân, tế cờ khởi nghĩa đã được hoàn thành, bảo đảm lễ kỷ niệm được thực hiện trang trọng, an toàn, tiết kiệm.

Huyện Phúc Thọ kỳ vọng thông qua sự kiện, sẽ giới thiệu truyền thống lịch sử văn hóa dân tộc, phát huy giá trị tinh thần cảu cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng; đồng thời khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của người dân Phúc Thọ.

“Lễ kỷ niệm cũng hướng tới mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, quảng bá giá trị đặc sắc của di sản; từng bước xây dựng điểm đến, kết nối du lịch trong và ngoài huyện, đóng góp vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…” - ông Kiều Trọng Sỹ nhấn mạnh.

Với những giá trị to lớn, năm 2016, Lễ hội truyền thống đền Hát Môn tại huyện Phúc Thọ (TP Hà Nội) đã được Bộ VH, TT&DL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Trước đó, vào năm 2013, đền Hát Môn được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt.

Trọng Tùng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nhieu-diem-moi-tai-le-ky-niem-ngay-hai-ba-trung-te-co-khoi-nghia.html