Nhiều điểm mới tăng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế
Nghị định 75/2023/NĐ-CP có nhiều điểm mới theo hướng tăng quyền lợi cho người tham gia BHYT, nhưng cũng đặt ra trọng trách, yêu cầu cao từ phía các cơ quan liên quan trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế.
Ngày 16-11, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định số 75/2023/NĐ-CP (Nghị định 75) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP (Nghị định 146) ngày 17-10-2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).
Tại hội nghị, ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, Nghị định 75 có nhiều điểm mới theo hướng tăng quyền lợi cho người tham gia BHYT, nhưng cũng đặt ra trọng trách, yêu cầu cao từ phía các cơ quan liên quan trong thực hiện chính sách BHYT.
Theo đó, Nghị định 75 bổ sung 2 nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng BHYT, gồm: Người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng; Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã mới thoát khỏi vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Mức hỗ trợ đóng BHYT tối thiểu 70% mức đóng trong thời gian 36 tháng kể từ ngày 1-11-2023.
Bên cạnh đó, Nghị định 75 đã mở rộng điều kiện tiếp cận và thụ hưởng chính sách BHYT cho nhiều nhóm đối tượng chính sách và có hiệu lực từ ngày 3-12-2023.
Về việc bổ sung, nâng mức hưởng khám chữa bệnh BHYT, người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc được nâng mức hưởng từ 80% lên 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT; người phục vụ người có công với cách mạng sống ở gia đình nâng mức hưởng từ 80% lên 95% chi phí khám chữa bệnh BHYT. Vợ hoặc chồng liệt sĩ tái giá nhưng đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng có mức hưởng 95% chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Đáng chú ý, khi đi khám chữa bệnh, người tham gia BHYT có thể lựa chọn xuất trình thẻ BHYT có ảnh hoặc căn cước công dân. Trong trường hợp xuất trình thẻ BHYT nhưng không có ảnh thì người tham gia BHYT mới phải xuất trình thêm một trong các giấy tờ khác liên quan.
Riêng đối với giấy hẹn khám lại, nếu như trước đây quy định loại giấy tờ này chỉ dùng trong 10 ngày thì với Nghị định 75, nếu không thể tái khám đúng hẹn, người dân có thể liên hệ với cơ sở khám chữa bệnh để đăng ký lại lịch khám phù hợp.
Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) khẳng định, về nguyên tắc, người bệnh phải bảo đảm tuân thủ lịch khám lại theo giấy hẹn. Các cơ sở y tế có các biện pháp nhắc nhở người bệnh để bảo đảm đến khám đúng hạn. Trong trường hợp bệnh nhân đến khám trễ, họ buộc phải liên hệ với nhân viên y tế trong khoảng thời gian 10 ngày, kể từ ngày được hẹn khám để được bố trí, sắp xếp lịch khám khác. Nếu liên hệ sau thời hạn này sẽ không được chấp nhận và người bệnh phải đăng ký khám mới lại.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề nghị các vụ, cục, Thanh tra Bộ Y tế tăng cường thanh tra, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, phòng chống các hành vi tiêu cực, lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người dân. Theo số liệu của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tính đến hết tháng 9-2023, cả nước đã có khoảng 91,7 triệu người tham gia BHYT, tăng hơn 600 nghìn người so với năm 2022. Dự kiến đến hết năm 2023, tỷ lệ bao phủ BHYT ước đạt 93,35% dân số.