Nhiều điểm mới trong Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi)
Với nhiều nội dung sửa đổi quan trọng, thị trường kỳ vọng, Luật Chứng khoán (sửa đổi) sẽ tạo nên một cú huých, không chỉ nâng cao chất lượng hàng hóa, mà góp phần làm thị trường chứng khoán (TTCK) minh bạch hơn.
Sửa đổi Luật để minh bạch thị trường
Thời gian qua, Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) (Dự án Luật) đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo cơ quan, tổ chức có liên quan, các thành viên thị trường và nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam. Chủ trương sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán đã được Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) triển khai ngay từ đầu năm 2018, trên cơ sở các chính sách đề nghị xây dựng Dự án Luật được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 31/8/2017, Bộ Tài chính, UBCKNN đã chủ động tổ chức các công việc phục vụ cho việc soạn thảo dự án Luật.
Nhìn chung, trong thời gian qua, các bước triển khai được thực hiện chủ động, kịp thời, bài bản, bảo đảm trình tự, thủ tục theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chất lượng Dự thảo Luật được đánh giá tốt, bảo đảm được mục tiêu, yêu cầu chủ yếu của việc soạn thảo Luật.
Dự án Luật đã thu hút được sự quan tâm đóng góp ý kiến của đông đảo cơ quan, tổ chức có liên quan, các thành viên thị trường và các nhà đầu tư. Các ý kiến đóng góp thực sự có giá trị, bổ sung nhiều luận cứ thực tiễn, giúp cho cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) nhận diện rõ nét hơn những vướng mắc, bật cập, cũng như nhu cầu phát sinh từ thực tiễn.
Cơ quan chủ trì soạn thảo đã nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến đóng góp đối với Dự án Luật, trên cơ sở đó, tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật, bảo đảm mục tiêu, yêu cầu quan trọng của xây dựng Luật là tạo môi trường pháp lý cho sự phát triển ổn định, bền vững, minh bạch của TTCK, tạo điều kiện thuận lợi thu hút vốn đầu tư trung và dài hạn cho nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập, góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, sự an toàn của hệ thống tài chính, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và hoạt động trên TTCK.
Những thay đổi căn bản của Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi)
Thứ nhất, tăng công cụ giám sát, khắc phục bất cập, hạn chế của Luật hiện hành, đồng thời tiếp cận với thông lệ quốc tế, nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch, Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) (Dự thảo Luật) bổ sung các đối tượng phải công bố thông tin cơ bản trên cơ sở luật hóa quy định đã được áp dụng ổn định tại văn bản dưới luật, đồng thời bảo đảm thống nhất với Luật Doanh nghiệp.
Nội dung, thời hạn, phương thức, ngôn ngữ công bố thông tin của từng đối tượng được dự thảo Luật giao Bộ Tài chính quy định để bảo đảm tính linh hoạt trong thực tiễn triển khai.
Ngoài ra, Dự thảo Luật bổ sung một số quyền cho UBCKNN trong việc thanh tra, xử lý vi phạm. Hình thức xử phạt cũng nghiêm khắc hơn, cụ thể mức phạt tiền tối đa là mười lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức và năm lần khoản thu trái pháp luật đối với cá nhân. Các hành vi vi phạm khác quy định mức phạt tiền tối đa là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.
Thứ hai, nhất quán các quy định với Luật Doanh nghiệp, trong nội dung quy định về phạm vi điều chỉnh hoạt động chào bán chứng khoán, Dự thảo Luật cũng đã đưa ra các quy định rõ và thống nhất với Luật Doanh nghiệp về phạm vi điều chỉnh hoạt động chào bán chứng khoán.
Theo đó, Dự thảo Luật điều chỉnh hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng, chào bán chứng khoán của công ty đại chúng. Chào bán chứng khoán riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng được thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Ngoài ra, điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng cũng được sửa đổi, bổ sung, chuẩn hóa theo hướng chặt chẽ hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế, nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, tránh trường hợp doanh nghiệp lợi dụng chính sách thông thoáng để phát hành với giá trị quá lớn, tiềm ẩn rủi ro đối với các nhà đầu tư và sử dụng vốn không đúng mục đích.
Thứ ba, tăng chất lượng hàng hóa, với mục tiêu nâng cao chất lượng hàng hóa, bảo đảm quy mô, tính đại chúng của công ty, tính khả thi trong thực hiện, không gây xáo trộn thị trường, Dự thảo Luật sửa đổi điều kiện về cơ cấu cổ đông.
Theo đó, công ty đại chúng phải có tối thiểu 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ cho phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế; đồng thời, nâng điều kiện về vốn điều lệ đã góp tối thiểu từ 30 tỷ đồng trở lên.
Việc nâng mức vốn điều lệ tối thiểu của công ty đại chúng như tại Dự thảo Luật không gây tác động đối với hoạt động của các công ty đại chúng, cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông trong công ty và hoạt động giao dịch trên TTCK.
Thứ tư, xác định rõ hơn với trò của Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK), mô hình tổ chức của SGDCK được sửa đổi cho phù hợp với Luật Doanh nghiệp, đồng thời cũng tính đến các yếu tố đặc thù trong thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể của SGDCK.
Mục tiêu các quy định nhằm bảo đảm cho SGDCK thực hiện tốt chức năng tổ chức và giám sát hoạt động giao dịch chứng khoán. Mô hình tổ chức tại dự thảo Luật là đáp ứng yêu cầu thực tiễn, không gây xáo trộn về tổ chức và hoạt động của các SGDCK, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế. Quy định tại dự thảo Luật thể chế hóa chủ trương thành lập SGDCK Việt Nam nhằm thống nhất, đồng bộ cơ chế quản lý, giám sát, vận hành thị trường giao dịch chứng khoán.
Theo đó, SGDCK được thành lập và hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần theo quy định của Luật này và Luật Doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập, giải thể, chuyển đổi cơ cấu tổ chức, hình thức sở hữu và việc kết nối giao dịch chứng khoán với SGDCK nước ngoài của SGDCK theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Dự thảo Luật quy định về bộ máy quản lý, điều hành của SGDCK phù hợp với từng mô hình doanh nghiệp (công ty TNHH hoặc công ty cổ phần), thống nhất với Luật Doanh nghiệp.
Thứ năm, nâng trách nhiệm các tổ chức trung gian, nhằm duy trì chất lượng, hiệu quả hoạt động của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, Dự thảo Luật bổ sung quy định về trách nhiệm của các chủ thể này phải tuân thủ và duy trì các điều kiện cấp Giấy phép hoạt động kinh doanh chứng khoán. Trường hợp không duy trì các điều kiện theo quy định, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ phải thực hiện các biện pháp khắc phục hoặc bị hạn chế hoạt động.
Nhằm tăng cường tính minh bạch trong hoạt động nghiệp vụ của công ty chứng khoán, Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng quy định rõ các dịch vụ công ty chứng khoán được cung cấp khi được cấp phép các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán.
Đồng thời, quy định rõ công ty chứng khoán chỉ được cung cấp dịch vụ tài chính khác phù hợp với quy định pháp luật có liên quan sau khi báo cáo UBCKNN bằng văn bản. UBCKNN có quyền yêu cầu tạm ngừng, đình chỉ việc cung cấp dịch vụ khác của công ty nếu thấy trái với quy định pháp luật và gây rủi ro hệ thống TTCK.