Nhiều điểm mới trong Luật Thanh niên: Tháng thanh niên và trách nhiệm đối thoại
Luật Thanh niên 2020 có nhiều đổi mới (so với luật được ban hành năm 2005) nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện của thanh niên Việt Nam trong tình hình mới. Vậy làm thế nào để luật mới sớm đi vào cuộc sống, phát huy tiềm năng to lớn của thế hệ trẻ Việt Nam?
Ngày 28/9, tại TP.Đà Lạt, được sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA), Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị triển khai Luật Thanh niên 2020 cho 30 tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên và miền Nam.
Ông Doãn Đức Hảo, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, cho hay, Luật Thanh niên năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Thanh niên năm 2005 và được kết cấu gồm 7 chương, 41 điều với những nội dung mới, cơ bản như sau:
Luật quy định rất cụ thể vai trò, trách nhiệm của thanh niên; nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; nguồn lực thực hiện chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; Tháng Thanh niên và trách nhiệm đối thoại với thanh niên; chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; trách nhiệm của tổ chức thanh niên; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, nhà trường, gia đình đối với thanh niên.
Đặc biệt, Luật quy định nội dung quản lý nhà nước về thanh niên với 8 nhiệm vụ cụ thể. Giao trách nhiệm cho Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thanh niên; quy định trách nhiệm của Chính phủ trong việc bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về thanh niên, bảo đảm cơ chế và biện pháp phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương và tổ chức có liên quan trong việc xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên nhằm bảo đảm xây dựng và thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển thanh niên trong chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và từng giai đoạn.
Luật cũng quy định 8 nhiệm vụ của Bộ Nội vụ - cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thanh niên. Quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên theo ngành và lĩnh vực. Quy định trách nhiệm của HĐND, UBND cấp tỉnh trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên và việc tổ chức triển khai chính sách, pháp luật đối với thanh niên tại địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khẳng định thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, giữ vai trò rường cột nước nhà và là những chủ nhân tương lai của đất nước. Việc chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Do đó việc ban hành Luật Thanh niên 2020 có ý nghĩa chính trị, pháp lý sâu sắc, hướng tới các mục tiêu phát triển toàn diện đối với thanh niên Việt Nam đặc biệt là trong thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế hiện nay. Và để việc triển khai thực hiện có hiệu quả luật này, cần có sự tập trung, tích cực tham gia của các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương.
Thứ trưởng mong muốn các cơ quan, tổ chức và cá nhân có thể nắm được các nội dung chính và các chính sách đối với thanh niên quy định trong Luật, hiểu rõ định hướng và trách nhiệm để cùng nhau chung tay đưa Luật Thanh niên vào cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển của thanh niên, khẳng định và phát huy vai trò của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại hội nghị, Bà Naomi Kitahara (Trưởng Đại diện UNFPA) khẳng định UNFPA cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam để đảm bảo thanh niên Việt Nam có thể phát huy hết tiềm năng to lớn của mình.