Nhiều điểm mới trong triển khai Bộ chỉ số DDCI tỉnh Thái Bình năm 2024
Nhằm đánh giá năng lực điều hành cũng như góp phần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, Thái Bình đang triển khai, khảo sát, đánh giá Bộ chỉ số DDCI năm 2024.
Mới đây, UBND tỉnh Thái Bình đã tổ chức hội nghị triển khai công tác khảo sát, đo lường Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thành phố tỉnh Thái Bình (DDCI) năm 2024.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Thái Bình, năm 2024, Bộ chỉ số DDCI đánh giá 15 cơ quan khối sở, ban, ngành tỉnh và 6 đơn vị khối cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh và 8 huyện, thành phố. Theo đó, có 4 sở, ngành của Thái Bình sẽ không đưa vào khảo sát gồm Sở Nội vụ, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Chi cục Thi hành án dân sự tỉnh, Thanh tra tỉnh vì ít tiếp xúc thủ tục hành chính với doanh nghiệp và không có nhiều hoạt động liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình tiếp tục là đơn vị chủ trì triển khai đo lường DDCI. Bộ chỉ số DDCI năm 2024 có nhiều đổi mới về nội dung, phương pháp, đối tượng điều tra.
Theo đó, Bộ chỉ số DDCI năm 2024 cũng có sự thay đổi về các chỉ số thành phần đánh giá đối với các sở, ban, ngành, huyện, thành phố. Có 9 chỉ số thành phần được giữ nguyên như các năm trước nhưng có thêm những tiêu chí đánh giá cụ thể hơn gồm: Thực hiện thủ tục hành chính, cấp phép gia nhập thị trường; tính minh bạch và ứng dụng công nghệ thông tin; tính năng động và tiên phong; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; hiệu lực thiết chế; tiếp cận đất đai. Một chỉ số thành phần mới của DDCI năm 2024 đó là tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Đây cũng là tiêu chí tương ứng với cách đánh giá chỉ số PCI mà Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI mới triển khai từ năm 2023.
Về phương pháp khảo sát, điều tra DDCI năm 2024 có sự linh hoạt, phù hợp với các đối tượng và đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của các thành phần tham gia chấm điểm. Cụ thể, DDCI năm 2024 sẽ được khảo sát trực tuyến kết hợp trực tiếp. Trong đó, dự kiến có khoảng 70% mẫu khảo sát sẽ được triển khai thu thập thông tin trực tuyến bằng các thiết bị máy tính, điện thoại, máy tính bảng… có kết nối internet; còn lại 30% mẫu khảo sát sẽ được điều tra trực tiếp, thủ công chủ yếu áp dụng cho đối tượng là hợp tác xã, hộ kinh doanh khi đánh giá khối UBND huyện, thành phố. Để việc điều tra, khảo sát đạt kết quả, đồng bộ, ghi nhận được nhiều ý kiến rộng rãi, UBND tỉnh yêu cầu, đơn vị tư vấn và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh thực hiện phát ra tối thiểu 4.000 phiếu và thu về tối thiểu phải đạt 2.300 phiếu để tổng hợp, phân tích chấm điểm DDCI bảo đảm tính khách quan, phổ quát, minh bạch.
Để triển khai hiệu quả việc khảo sát, đo lường Bộ Chỉ số DDCI, UBND tỉnh Thái Bình cho rằng việc này có ý nghĩa quan trọng góp phần cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, để triển khai kịp thời, đúng tiến độ và hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra, UBND tỉnh Thái Bình đề nghị lãnh đạo các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ được phân công trong quá trình khảo sát; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố hỗ trợ, tạo điều kiện cho đơn vị tư vấn và cán bộ điều tra thực hiện công tác điều tra trực tiếp tại địa phương. Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương quan tâm, trực tiếp chỉ đạo người làm đầu mối nắm vững việc triển khai; ngay sau hội nghị này, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cùng với đơn vị tư vấn triển khai các bước khảo sát theo đúng kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt; các cơ quan thông tin, truyền thông tăng cường công tác tuyền truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, huyện về mục đích ý nghĩa của Bộ Chỉ số DDCI. Trong quá trình triển khai nếu có vướng mắc phát sinh Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh phản ánh kịp thời về UBND tỉnh để được chỉ đạo giải quyết.
Theo UBND tỉnh Thái Bình, việc công bố Chỉ số DDIC theo từng năm thể hiện sự phấn đấu, thi đua nâng cao của từng ngành, từng địa phương thì môi trường đầu tư của tỉnh sẽ được cải thiện, nâng cao, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Thái Bình. Ngoài ra, các sở, ngành, địa phương cũng phải xác định thứ hạng bộ chỉ số DDCI là cơ sở để xem xét đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị, địa phương cũng như cá nhân có liên quan.
Sau khi có kết quả Bộ chỉ số DDCI, các sở, ngành, địa phương của Thái Bình đã tập trung phân tích các chỉ số thành phần chấm điểm liên quan đến ngành, đơn vị mình cũng như những khuyến nghị mà đơn vị tư vấn đã chỉ rõ, từ đó đề ra các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế đang có để nâng điểm chỉ số thành phần của đơn vị trong thời gian tới. Đặc biệt, UBND tỉnh Thái Bình đã đưa việc nâng cao chỉ số DDIC của từng ngành, từng đơn vị vào giao Ban Thi đua – Khen thưởng để làm căn cứ xếp hạng thi đua. Thái Bình cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; coi đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Trước đó, vào năm 2023, Thái Bình đã công bố kết quả Bộ chỉ số DDCI năm 2023. Bảng xếp hạng DDCI năm 2023 dựa trên chấm điểm của 1.422 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh có giao dịch thủ tục hành chính với 21 sở, ban, ngành và 8 huyện, thành phố.
Kết quả, đối với khối địa phương: Thành phố Thái Bình tiếp tục duy trì dẫn đầu bảng xếp hạng với tổng điểm 83,99 điểm; xếp thứ hai là huyện Kiến Xương với 75,67 điểm; tiếp đến là huyện Hưng Hà với 70,35 điểm; xếp cuối bảng là huyện Đông Hưng với 27,16 điểm. Khối các sở, ban, ngành: Sở Xây dựng vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng với tổng điểm 79,40 điểm; xếp thứ hai là Sở Lao động – Thương binh và Xã hội với 76,72 điểm; tiếp đến là Công an tỉnh với 76,67 điểm; xếp cuối bảng là Sở Giáo dục và Đào tạo với 29,30 điểm.