Nhiều 'điểm nghẽn' về thể chế đã được phát hiện, tháo gỡ
Nhiều 'điểm nghẽn' về thể chế đã được phát hiện, xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Gỡ nhiều “điểm nghẽn” thể chế
Tham luận tại Đại hội sáng nay (28/1), Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thông tin về những kết quả cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và xây dựng nền hành chính nhà nước góp phần đổi mới sáng tạo.
Theo bà Trà, kết quả cải cách hành chính thời gian qua tạo tiền đề, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ trên nhiều lĩnh vực trong triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính các cấp từ Trung ương đến địa phương.
Các chỉ số đo lường, đánh giá kết quả, tác động của cải cách hành chính được triển khai thực hiện, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác cải cách hành chính cũng như hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước từ Trung ương tới chính quyền địa phương các cấp.
“Nhìn nhận một loạt các kết quả phát triển kinh tế - xã hội 10 năm vừa qua cho chúng ta thấy những đóng góp quan trọng của cải cách hành hính tới những giá trị của đổi mới, ứng dụng khoa học và công nghệ, của quá trình sáng tạo, phát triển bền vững” – bà Trà tham luận.
Từ kết quả cải cách hành chính, Thứ trưởng Bộ Nội vụ chỉ ra, thể chế của nền hành chính được cải cách và dần được hoàn thiện cơ bản phù hợp với yêu cầu chủ trương quan trọng của Đảng và cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Thể chế kinh tế thị trường và một loạt các thể chế quan trọng trên các lĩnh vực đã tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, như: Kinh tế; dân sự; sở hữu; quyền tự do kinh doanh; nông nghiệp nông thôn; tài nguyên môi trường; tổ chức bộ máy; cán bộ, công chức, viên chức; khoa học và công nghệ và nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội.
Thể chế về mối quan hệ giữa Nhà nước với người dân tiếp tục được quan tâm xây dựng, hoàn thiện và triển khai thực hiện trong thực tế, bảo đảm quyền, nghĩa vụ của người dân trong việc tham gia xây dựng bộ máy nhà nước.
Thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, việc ghi nhận, đề cao các quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân tại các đạo luật trên các lĩnh vực từ dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội được tăng cường và củng cố mạnh mẽ nhất từ trước tới nay, cơ bản phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên…
Đáng chú ý, nhiều “điểm nghẽn” về thể chế đã được phát hiện, xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp; đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế theo phương châm kiến tạo, phát triển.
Trong cải cách thủ tục hành chính, bà Trà cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt cắt giảm mạnh chi phí tuân thủ thủ tục hành chính để giảm gánh nặng cho người dân doanh nghiệp; hình thành các cơ chế, chính sách ưu đãi và các thủ tục hành chính thuận lợi theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ...
Công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được đẩy mạnh thông qua việc kiểm soát, ban hành mới, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính; mở rộng hình thức, phạm vi công khai, minh bạch hóa thủ tục hành chính và các thông tin quản lý nhà nước, tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh.
“Cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tiếp tục được củng cố, kiện toàn, đổi mới theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp” – Thứ trưởng Trà nhấn mạnh.
Cải cách tài chính công đã đạt được kết quả tích cực; công tác quản lý tài chính, ngân sách có nhiều chuyển biến rõ nét; việc giám sát chi tiêu bằng quy chế chi tiêu nội bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực, làm tăng tính hiệu quả của chi tiêu công, hạn chế tham nhũng, lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước, góp phần tăng cường kỷ luật tài chính, từng bước tăng tính minh bạch trong thực hiện ngân sách.
Thiếu đồng bộ trong cải cách hành chính với cải cách lập pháp, cải cách tư pháp
Đây là một trong những hạn chế được Thứ trưởng Trà chỉ ra trong tham luận. Nêu cụ thể, bà Trà cho biết, thể chế, pháp luật vẫn còn chưa đồng bộ và thiếu nhất quán, chưa phù hợp với yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và dân chủ hóa đời sống xã hội trong điều kiện mới.
“Công cuộc cải cách luôn “đụng chạm” đến lợi ích của không ít cá nhân và lợi ích nhóm, lợi ích ngành khiến cho việc thực hiện luôn gặp khó khăn, cản trở” – bà Trà nhìn nhận.
Bên cạnh thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp, đặc biệt là các thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, xây dựng..., bà Trà đánh giá cải cách thủ tục hành chính vẫn chưa thực sự là động lực mạnh mẽ cho cải thiện môi trường kinh doanh.
“Điều kiện kinh doanh chậm được cắt giảm, có những thủ tục hành chính được cắt giảm nhưng lại phát sinh những thủ tục hành chính mới ở các nội dung khác. Cắt giảm thủ tục hành chính ở những lĩnh vực mà người dân, doanh nghiệp ít cần được giải quyết” – bà Trà nói.
Vẫn theo bà Trà, việc đổi mới chức năng, nhiệm vụ của cả bộ máy hành chính nhà nước còn chậm, chưa phù hợp với yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương vẫn chưa thật thống nhất, thông suốt. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có nơi chưa đồng đều, thậm chí còn yếu, nhất là năng lực phát hiện vấn đề, tham mưu và đề xuất các biện pháp giải quyết.
Một số cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết công việc liên quan đến tổ chức và người dân chưa làm hết trách nhiệm, có lúc, có nơi còn có những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực.
Hạn chế nữa, nữ Thứ trưởng cho biết, là ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính còn hạn chế. Việc xây dựng, hình thành và phát triển cơ sở dữ liệu số của Chính phủ và các cấp chính quyền, việc tạo điều kiện để mọi công dân có thể cập nhật thông tin cần thiết về hoạt động của bộ máy nhà nước còn hạn chế; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thu thập, quản lý dữ liệu và giao dịch trên nền tảng Internet ở các cơ quan nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu.
Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/cai-cach-dung-cham-den-loi-ich-ca-nhan_106626.html