Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế TP. Hồ Chí Minh 6 tháng đầu năm

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 31 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 15,8% so với cùng kỳ…

Mới đây, Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Phiên họp về tình hình, kết quả kinh tế - xã hội tháng 6; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2025. Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được chủ trì Hội nghị.

Hội nghị nhằm đánh giá tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; kết quả thực hiện các nhiệm vụ theo các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thành ủy, Chương trình công tác năm 2025; xác định mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP. Hồ Chí Minh 6 tháng đầu năm 2025 ước tính tăng 7,82% so với cùng kỳ năm 2024. (Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN)

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP. Hồ Chí Minh 6 tháng đầu năm 2025 ước tính tăng 7,82% so với cùng kỳ năm 2024. (Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN)

GRDP 6 tháng ước tăng 7,82% so với cùng kỳ

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP. Hồ Chí Minh 6 tháng đầu năm 2025 ước tính tăng 7,82% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,65%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,70%; khu vực dịch vụ đóng góp lớn nhất vào mức tăng GRDP, tăng 8,58% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,11%.

Lĩnh vực dịch vụ tiếp tục ghi nhận những tín hiệu khả quan. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm ước đạt 654.279 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ. Tình hình thị trường ổn định, không xảy ra hiện tượng khan hàng. Các chương trình khuyến mãi giảm giá sâu, nhân các dịp lễ lên tới 50%, đã góp phần phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong các ngày nghỉ lễ.

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Thành phố cũng duy trì đà tăng trưởng tích cực. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 31,6 tỷ USD tăng 13,3% (cùng kỳ tăng 13,1%), kim ngạch nhập khẩu ước đạt 24,9 tỷ USD, tăng 13,2% so với năm 2024 (cùng kỳ tăng 4,6%).

Trong lĩnh vực tín dụng - ngân hàng, đến cuối tháng 6/2025, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 4.265.200 tỷ đồng, tăng 4,5% so cuối năm 2024 và tăng 16,63% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, huy động vốn bằng VND tăng 5,84%, chiếm 90,6% tổng vốn; tiền gửi tiết kiệm dân cư tăng 9,43%.

Tổng dư nợ tín dụng các tổ chức tín dụng đạt 4.165.500 tỷ đồng, tăng 5,5% so cuối năm 2024 và 13,03% so với cùng kỳ năm trước. Dư nợ tín dụng 6 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng khá, ước tăng 5,5% so cuối năm 2024. Đây là mức tăng tích cực so với cùng kỳ các năm 2023 (tăng 2,8%) và 2024 (tăng 4,0%). Tín dụng bằng VND chiếm trên 96% và tăng 5,71% so với cuối năm.

Về thị trường chứng khoán, tính đến nay, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh niêm yết 391 mã cổ phiếu, 21 mã chứng chỉ quỹ (gồm 17 ETF) và 192 mã chứng quyền có bảo đảm được niêm yết, với tổng khối lượng chứng khoán niêm yết hơn 180,4 tỷ chứng khoán, tương ứng gần 1,79 triệu tỷ đồng. Giao dịch bình quân đạt gần 845,9 triệu chứng khoán/ngày, giá trị 18.937 tỷ đồng/ngày. VN-Index chốt phiên 30/6/2025 ở mức 1.376,07 điểm, tăng 109,29 điểm (tương đương 8,62%) so với cuối năm 2024.

Sản xuất công nghiệp duy trì mức tăng ổn định

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng năm 2025 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh ước tăng 8,6% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,6%); trong đó 04 nhóm ngành công nghiệp trọng điểm ước tăng 8,75% (cùng kỳ tăng 5,0%). Sản xuất công nghiệp vẫn duy trì mức tăng ổn định cho thấy sự phục hồi và phát triển bền vững của công nghiệp Thành phố.

Công tác xúc tiến thương mại và đầu tư được Thành phố chú trọng. Đến nay, Thành phố đã tiếp đón 26 đoàn trong và ngoài nước đến tìm hiểu về môi trường đầu tư kinh doanh, trao đổi về các hoạt động về xúc tiến thương mại và đầu tư; tổ chức 75 hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư trong nước và ngoài nước, mở rộng thị trường tiêu thụ; kết nối giao thương (B2B) giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn bán lẻ, hệ thống phân phối hiện đại; hội nghị, hội thảo, diễn đàn về thị trường, ngành hàng; hội chợ triển lãm quốc tế; chuỗi hội nghị thu hút, mời gọi đầu tư vào các ngành công nghiệp trọng yếu và các dự án trọng điểm của Thành phố, giới thiệu các doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử B2B (B2B Marketplace), nền tảng triển lãm số và xúc tiến thương mại trực tuyến (TradeXpo) góp phần tăng cường quảng bá, giới thiệu hình ảnh doanh nghiệp và sản phẩm.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm ước 179.725 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ, đạt 18,9% so với GRDP.

Ngoài ra, về tình hình thực hiện vốn đầu tư công, thành phố đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 là 85.517,052 tỷ đồng (bao gồm 1.368 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi năm 2022), gồm 4.605,492 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương và 80.911,56 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương.

Đến hết ngày 30/6/2025, tổng số vốn Thành phố đã giải ngân là 31.716 tỷ đồng (đạt 37,1%), gồm: Vốn ngân sách trung ương 2.762 tỷ đồng (đạt 60%); vốn ngân sách địa phương 28.954 tỷ đồng (đạt 35,8%).

Tỷ lệ giải ngân này vượt 10% so với kế hoạch UBND TP. Hồ Chí Minh đề ra (27%) và cao hơn cả về giá trị lẫn tỷ lệ so với cùng kỳ 2024.

Hơn nữa, trong 6 tháng đầu năm 2025, có 19.945 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 109.364 tỷ đồng. Tổng vốn đăng ký và bổ sung đạt 410.456 tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, Thành phố đã đạt nhiều kết quả tích cực trong việc rà soát, xử lý kiến nghị từ Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố. Các sở, ngành đã phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì và phát triển hoạt động.

Đặc biệt, trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng vốn FDI 6 tháng đầu năm 2025 đạt gần 2,7 tỷ USD, tăng 123,1% so với cùng kỳ 2024 (1,2 tỷ USD), bao gồm: 792 dự án đầu tư mới, vốn đăng ký 552,68 triệu USD; 208 lượt điều chỉnh, vốn tăng thêm 529,89 triệu USD; 1.146 trường hợp góp vốn, mua cổ phần, vốn đăng ký 1,625 tỷ USD.

Riêng lĩnh vực chuyên môn và khoa học công nghệ thu hút 1,164 tỷ USD, với các dự án tiêu biểu: nhà máy vi mạch của Be Semiconductor Industries N.V, Data Center của CMC và Amazon, dự án dược phẩm của GSK Việt Nam.

Về tổng thu - chi ngân sách, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm là 321.892 tỷ đồng, đạt 61,89% dự toán, tăng 20,38% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 256.779,14 tỷ đồng, đạt 65,95% dự toán, tăng 24,42% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 65.020,2 tỷ đồng, đạt 50,02% dự toán, tăng 6,58% so cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) là 62.211,24 tỷ đồng, đạt 36% dự toán, tăng 93,67% so cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển 31.716,31 tỷ đồng, đạt 37,10% dự toán, bằng gấp 3 lần so với cùng kỳ; chi thường xuyên 30.370,94 tỷ đồng, đạt 37,58% dự toán, tăng 38,82% so cùng kỳ do thực hiện tăng lương cơ sở từ 1.800.000 đồng lên 2.340.000 đồng

Hồng Sơn

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/nhieu-diem-sang-trong-buc-tranh-kinh-te-tp--ho-chi-minh-6-thang-dau-nam-142629.htm