Nhiều điểm sáng với giáo dục Mầm non
Sáng 23/7, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2024-2025 với giáo dục Mầm non.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì Hội nghị. Dự hội nghị có Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi và đại biểu đến từ 63 sở GD&ĐT...
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi khẳng định vai trò quan trọng của cấp học giáo dục mầm non với quan điểm: Nếu ví giáo dục là ngôi nhà, thì giáo dục mầm non là nền tảng.
Hiện nay, trong bối cảnh năm học đòi hỏi sự thay đổi, cải cách mạnh mẽ sau tổng kết Nghị quyết 29; những chủ trương, đường hướng, quyết sách mạnh mẽ về giáo dục mầm non sẽ là căn cứ pháp lý, nền tảng, dấu ấn thực tế để tham mưu những chính sách, cơ chế vượt bậc với cấp học này. Bối cảnh mới cũng đặt ra những đòi hỏi, yêu cầu rất khác biệt so với giai đoạn trước.
Từ cơ sở quan trọng đó, Thứ trưởng yêu cầu các đại biểu tại Hội nghị phân tích, đánh giá kết quả đạt được và những vấn đề còn khó khăn, hạn chế từ thực tế công tác chỉ đạo, triển khai; chia sẻ bài học kinh nghiệm, các kiến nghị, đề xuất trên tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm; hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.
Trong đó, một số vấn đề cụ thể cần tập trung được Thứ trưởng nhấn mạnh liên quan đến Nghị quyết phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3-5 tuổi và Nghị quyết ban hành Chương trình giáo dục mầm non mới; công tác chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ của giáo dục mầm non trong năm học mới; chính sách xã hội hóa trong giáo dục mầm non; an toàn với giáo dục mầm non…
Nhiều chính sách tháo gỡ nút thắt cho giáo dục mầm non
Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với giáo dục mầm non, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non cho biết: Thực hiện công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non, Chính phủ đã ban hành 2 nghị định, 1 Chỉ thị; Bộ GD&ĐT ban hành 6 Thông tư liên quan đến giáo dục mầm non. Trong đó, có một số quy định rất quan trọng góp phần tháo gỡ những nút thắt giải quyết khó khăn cho giáo dục mầm non.
Việc Chính phủ giao Bộ GD&ĐT xây dựng, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Nhà giáo, Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi và Nghị quyết của Quốc hội đổi mới Chương trình giáo dục mầm non sẽ tạo hành lang pháp lý, định hướng, tạo động lực cho phát triển giáo dục mầm non trong thời gian tới.
Tại địa phương, 63 tỉnh/ thành phố đã ban hành Nghị quyết HĐND quy định chính sách đối với giáo dục mầm non theo yêu cầu tại các Nghị định của Chính phủ. 53 tỉnh thành ban hành Nghị quyết HĐND về chính sách đối với giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp theo quy định tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP; trong đó một số địa phương có mức hỗ trợ cao hơn mức quy định, hoặc mở rộng đối tượng được hưởng chính sách. Nhiều tỉnh thành ban hành Nghị quyết HĐND quy định danh mục các khoản thu, mức thu dịch vụ giáo dục mầm non ngoài học phí phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Về chỉ đạo, thực hiện, Bộ GD&ĐT đã ban hành Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với giáo dục mầm non và 8 quyết định cá biệt chỉ đạo địa phương thực hiện nhiệm vụ năm học, cũng như các quy định về giáo dục mầm non. Địa phương đã thực hiện nghiêm túc các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo liên quan đến cấp học này.
Chuyển biến tích cực các điều kiện bảo đảm chất lượng
Các điều kiện đảm bảo chất lượng với giáo dục mầm non có chuyển biến tích cực. Cụ thể, tăng 2.664 phòng học kiên cố; giảm 689 phòng học tạm và 491 phòng học nhờ/mượn. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi được quan tâm đầu tư.
Công tác phát triển đội ngũ được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là tuyển dụng và đào tạo, bồi dưỡng nâng chuẩn trình độ đào tạo. Số lượng giáo viên mầm non tăng 6.646. Có 91,3% giáo viên đạt chuẩn trình độ - CĐ sư phạm trở lên (tăng 4,0%); trong đó 67,6% trên chuẩn (tăng 2,5%). Giáo viên chưa đạt chuẩn về trình độ đào tạo còn 8,7% (giảm 4,0%).
Quy mô mạng lưới trường, lớp phát triển; tỷ lệ huy động trẻ tăng mạnh. Theo đó, số nhóm lớp tăng 4.891; giảm được 1.283 điểm trường lẻ. Tỷ lệ huy động trẻ tăng (trẻ nhà trẻ 34,6%, tăng 2,5% so với năm học trước; mẫu giáo đạt 93.6%, tăng 0,5%; tỷ lệ trẻ em mầm non đến các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập tăng mạnh (đạt 24,9%, tăng 1,6%).
Việc chỉ đạo và thực hiện chương trình giáo dục mầm non cũng được triển khai có hiệu quả. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, tuyển sinh, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, công khai chất lượng giáo dục được thực hiện tốt. Từng bước chuyển đổi hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử, nâng cao chất lượng công tác quản lý điều hành.
Việc phát triển kho học liệu số, học liệu mở chia sẻ dùng chung trong bậc học giáo dục mầm non tiếp tục được triển khai. Danh sách tài liệu, học liệu số phục vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong giáo dục mầm non tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện.
Một số khó khăn, bất cập còn tồn tại
Bên cạnh kết quả đạt được, ông Nguyễn Bá Minh cũng chia sẻ một số vấn đề còn hạn chế, bất cập với giáo dục mầm non. Trong đó, chính sách xã hội hóa đối với giáo dục mầm non chưa đủ mạnh. Cơ chế huy động các nguồn lực xã hội để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập còn có vướng mắc.
Việc thực hiện các dịch vụ giáo dục trong cơ sở giáo dục mầm non công lập đã được quy định ở Nghị định 105, Nghị định 24 và Nghị định 60 của Chính phủ. Tuy nhiên một số địa phương vẫn chưa ban hành Nghị quyết của HĐND để quy định danh mục các dịch vụ giáo dục kèm theo định mức kinh tế kỹ thuật và bảng giá dịch vụ. Khi triển khai thực hiện các dịch vụ giáo dục, nhiều cơ sở vướng các quy định về sử dụng tài sản công.
Các Đề án phát triển giáo dục mầm non về cơ bản sử dụng nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia và được phân cấp cho địa phương, nên việc đầu tư công cho các chương trình, đề án phát triển giáo dục mầm non có đảm bảo hay không là phụ thuộc vào sự quan tâm của các địa phương.
Đặc biệt, Chương trình hỗ trợ giáo dục mầm non vùng khó theo Quyết định số 1609/QĐ-CP rất cần kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, giáo dục mầm non lại không có trong đối tượng thụ hưởng chính sách.
Công tác quy hoạch, đầu tư tại nhiều địa phương chưa theo kịp nhu cầu phát triển và nhu cầu đưa trẻ đến trường của nhân dân. Tỷ lệ huy động trẻ ở một số địa phương còn thấp. Còn có sự chênh lệch về cơ hội tiếp cận giáo dục và điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục mầm non giữa các địa phương.
Việc bảo đảm các quy chuẩn về đội ngũ, cơ sở vật chất, trường lớp để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng thiếu giáo viên mầm non vẫn chưa được khắc phục. Chế độ chính sách cho giáo viên mầm non dù đã được quan tâm nhưng còn nhiều bất cập. Không chỉ thiếu về chỉ tiêu biên chế mà việc tuyển dụng giáo viên mầm non cũng rất khó khăn ở một số địa phương.
Tỷ lệ phòng kiên cố còn thấp, số phòng học tạm, học nhờ mặc dù đã giảm nhưng vẫn còn chiếm tỷ lệ cao; đồ chơi, thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo viên mầm non.
Cùng với đó, dù đã rất nỗ lực trong công tác đảm bảo an toàn cho trẻ, nhưng vẫn còn xảy ra những tai nạn, thương tích đáng tiếc trong một số cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục.
Nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non năm học mới
Chia sẻ về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024-2025 với giáo dục mầm non, ông Nguyễn Bá Minh nhấn mạnh đầu tiên đến việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non và công tác quản lý các hoạt động giáo dục trong cơ sở giáo dục mầm non. Tiếp tục rà soát ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn trong phát triển giáo dục mầm non.
Bộ GD&ĐT ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ năm học và tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện chính sách, quy định về giáo dục mầm non, đặc biệt là những quy định về đảm bảo an toàn cho trẻ. Về phía địa phương, triển khai các giải pháp thực hiện nghiêm túc các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo về giáo dục mầm non.
Năm học 2024-2025 cũng chú trọng đổi mới công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá của các cấp quản lý giáo dục đối với cơ sở giáo dục mầm non theo hướng hiệu quả. Đề cao vai trò giám sát, tư vấn, hỗ trợ, tránh hình thức gây áp lực cho giáo viên mầm non. Bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, thực chất, hiệu quả nhằm mục đích thực hiện nghiêm túc các quy định và nâng cao chất lượng thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác rà soát sắp xếp trường lớp, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội. Tăng cường đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non. Thực hiện các giải pháp huy động trẻ nhà trẻ và mẫu giáo dưới 5 tuổi đến trường; hướng đến thực hiện phổ cập giáo dục mầm non trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi; duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi.
Tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ em; đổi mới, nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục mầm non; chuẩn bị các điều kiện để triển khai thí điểm thực hiện Chương trình giáo dục mầm non mới.
Bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng; trong đó, quan tâm đến trẻ em mầm non ở khu vực có khu công nghiệp, người dân tộc thiểu số, người sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Tăng cường đầu tư và thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục mầm non để phát triển các điều kiện bảo đảm chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục.
Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới
Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong cơ sở giáo dục mầm non; đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục mầm non cũng là nhiệm vụ được quan tâm triển khai trong năm học tới.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhieu-diem-sang-voi-giao-duc-mam-non-post692805.html