Nhiều DNNN chậm đổi mới, ngại đổi mới
Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN được tổ chức tại Trụ sở Chính phủ sáng 16/10/2019.
Né tránh, đùn đẩy trách nhiệm
“Hội nghị này rất quan trọng để chúng ta đánh giá kết quả đã đạt được với Nghị quyết 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN nhấn mạnh trong lời khai mạc.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2018 có 850 DN có vốn nhà nước, trong đó có 502 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, 348 DN có cổ phần, vốn góp của nhà nước. Hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN ngày càng tăng, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. DNNN thể hiện được vai trò chủ đạo của nền kinh tế.
Tuy nhiên tình hình thực hiện cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ rất chậm, thoái vốn cũng chậm, đăng ký và niêm yết trên thị trường chứng khoán cũng chậm, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC cũng rất chậm. Do số lượng các DN thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn ít, không có DN lớn nào thực hiện bán đấu giá cổ phần hóa, thoái vốn trên sàn chứng khoán.
Nguyên nhân dẫn đễn sự chậm trễ này, bên cạnh một số vướng mắc về thể chế, vướng mắc liên quan đến các vấn đề đất đai, quy hoạch; hoặc một số DN thuộc diện thoái vốn lại đang bị cơ quan bảo vệ pháp luật thực hiện thanh tra, kiểm tra, điều tra... còn do nhiều bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty chưa khẩn trương, chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa nắm bắt được tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu DN, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của DN, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước. Thậm chí không ít DNNN không muốn thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực phát triển mạnh, có tỷ suất sinh lời cao...
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nghiêm khắc chỉ rõ đến nay vẫn còn nhiều DN, tổng công ty “chậm đổi mới, ngại đổi mới” theo phê duyệt của Thủ tướng và đang có tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, làm cho quá trình tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn. Đáng chú ý là những địa phương trọng điểm thì cổ phần hóa rất chậm trong đó có Hà Nội và TP.HCM. “Phải xem xét nguyên nhân tại sao cổ phần hóa chậm và xem xét trách nhiệm người đứng đầu”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Tham nhũng vẫn còn; sân trước, sân sau vẫn có
Báo cáo tại Hội nghị cho biết việc cổ phần hóa các DN lớn như Agribank, Vinafood1, VNPT… gặp rất nhiều khó khăn. Giãi bày về sự chậm trễ, bà Bùi Thị Thanh Tâm - Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1) cho biết, do vướng mắc về đất đai và chỉ vì một công văn 4544/BTC-TCDN của Bộ Tài chính. Nếu theo Nghị định 126/2017/NĐ-CP và Nghị định số 01/2017/NĐ-CP thì mọi việc đã ổn, việc rà soát đã kết thúc từ tháng 1/2019.
Tuy nhiên theo công văn 4544, Vinafood phải rà soát lại đất đai của cả 3 các công ty cấp 1, cấp 2 mà công ty mẹ có cổ phần chi phối. Như thế toàn bộ 248 mảnh đất nằm ở 25 địa phương phải rà soát lại. “Chúng tôi chưa biết đến ngày 31/12/2019 có hoàn thành được việc sắp xếp đất đai hay không”, bà Tâm báo cáo.
Không chỉ Vinafood1, nhiều tập đoàn, tổng công ty có địa bàn hoạt động rộng, vươn tới 63 tỉnh thành cũng gặp nhiều khó khăn trong việc rà soát đất đai. Thấu hiểu thực tế này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp làm rõ thêm giá trị pháp lý, cơ sở pháp lý và hiệu lực của công văn 4544/BTC-TCDN ngày 18/4/2019 của Bộ Tài chính về phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp: “Yêu cầu rà soát, sắp xếp lại toàn bộ đất đai của các công ty mẹ, công ty con, công ty cháu của các tập đoàn, tổng công ty, DNNN. Nếu cần thiết phải có sự điều chỉnh phù hợp thì phải điều chỉnh”.
Tuy nhiên, “hiện nay bước đầu đã phát hiện những sai phạm, côý́ làm trái quy định của pháp luật trong thoái vốn Nhà nước, làm trái với ý kiến chỉđạo bằng văn bản của lãnh đạo Chính phủ, vì vậy không thể chủ quan. Bên cạnh đó là tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, làm cho quá trình tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, xử lý trách nhiệm liên quan đến những vụ việc này”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Chủ trì hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhắc nhở nhiều bộ, ngành, nhiều địa phương, một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng. Bên cạnh đó vẫn còn tư tưởng ngại thay đổi, không muốn đổi mới vì lợi ích cá nhân, đặc quyền, đặc lợi, lợi ích cục bộ của ngành, lĩnh vực, thậm chí có trường hợp tham nhũng, che giấu sai phạm, cố tình làm chậm, không thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
“Hiện tượng tham nhũng trong DNNN là còn, sân trước, sân sau, thậm chí vườn sau là có”, Thủ tướng cho biết và đề nghị phải khắc phục hiện tượng này để DNNN cùng với hệ thống chính trị đóng góp quan trọng vào công cuộc phòng, chống tham nhũng mà Đảng, Nhà nước ta đang lãnh đạo quyết liệt.
Cho rằng “nguyên nhân có nhiều, cả chủ quan và khách quan, chúng ta phải tự liên hệ thấy nguyên nhân chủ quan là chủ yếu”, Thủ tướng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước luôn có vai trò quan trọng trong xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN ở nước ta.
“Sự lớn mạnh của các tập đoàn là kỳ vọng của Đảng và Nhà nước ta, không chỉ để giải quyết các thách thức phát triển kinh tế - xã hội mà còn là ngọn cờ bảo vệ đường lối kinh tế mà chúng ta đang đặt ra trong quá trình chiến lược phát triển của đất nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/nhieu-dnnn-cham-doi-moi-ngai-doi-moi-93498.html