Nhiều đoạn đê bao sạt lở, Trà Vinh công bố tình huống khẩn cấp
Vừa qua, UBND tỉnh Trà Vinh đã công bố tình huống khẩn cấp sự cố sạt lở các đoạn đê bao sông Tân Dinh và sông Bông Bót thuộc xã Tam Ngãi và các đoạn đê bao ven sông Hậu trên địa bàn xã Ninh Thới, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè với chiều dài lên tới hơn 312m.
Theo UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, do tác động dòng chảy mạnh kết hợp với các đợt mưa lớn kéo dài và thường xuyên vừa qua đã làm sụp lún, sạt lở nghiêm trọng 4 đoạn đê bao ven sông Hậu trên địa bàn các xã Ninh Thới và Hòa Tân, huyện Cầu Kè, với tổng chiều dài 312m, sạt lở ăn sâu vào chân đê bao từ 3 - 5m (do khu vực có nền đất yếu, phía ngoài sông không có đai rừng bảo vệ bờ nên tốc độ sạt lở rất nhanh và nguy hiểm).
Tình trạng sạt lở đã và đang làm mất an toàn cho tuyến đê bao. Điển hình, sáng 10/10 trên địa bàn xã Ninh Thới triều cường dâng cao đã làm vỡ 7 đoạn đê ven sông Hậu dài 80 m, nước tràn qua đê gây ngập hơn 37 ha vườn cây ăn trái của 69 hộ dân. Còn tại xã Hòa Tân, triều cường gây ngập cục bộ một số điểm tại ấp Hội An và An Bình, ảnh hưởng 24 ha đất vườn của 35 hộ dân và nhiều địa điểm khác trong xã triều cường lên cao gần bằng mặt đê. Các đoạn sạt lở này nếu không được khắc phục kịp thời trước các đợt triều cường dâng cao và mưa, bão vào cuối năm 2022, nguy cơ vỡ đê bao là rất cao, đe dọa đến tính mạng, gây thiệt hại về tài sản nhà ở, cơ sở hạ tầng (đường đan, trường học) và ảnh hưởng đến 429ha đất vườn cây ăn trái của 537 hộ dân trong khu vực.
Cùng với biện pháp cắm biển báo, cảnh báo các khu vực sạt lở, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình sạt lở tại khu vực này, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở; chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện, sẵn sàng ứng phó, xử lý diễn biến sự cố sạt lở; tuyên truyền vận động các hộ dân nằm trong khu vực sạt lở di dời đến nơi an toàn theo đúng quy định.
Trước đó, trên đê bao sông Tân Dinh và sông Bông Bót cũng xảy ra sự cố sạt lở với tổng chiều dài khoảng 170m. Theo thống kê, dọc tuyến sông Tân Dinh và sông Bông Bót có 4 điểm sạt lở sâu vào chân đê từ 2-4m, tạo hàm ếch đường giao thông, rất nguy hiểm (sạt lở đoạn 1 dài khoảng 70m; đoạn 2 dài khoảng 42m; đoạn 3 dài khoảng 28m; đoạn 4 chiều dài khoảng 30m), nguy cơ vỡ đê bao là rất cao, do tác động của mưa kéo dài những ngày đầu tháng 10/2022 và triều cường, đe dọa đến tính mạng, gây thiệt hại về tài sản nhà ở, kết cấu hạ tầng trong khu vực.
Trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tình hình sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh Trà Vinh hiện diễn biến hết sức phức tạp, sạt lở không chỉ xảy ra trong mùa mưa, bão mà còn xuất hiện ngay cả trong mùa khô.
Nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sự cố sạt lở, UBND tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo UBND huyện Cầu Kè cấm biển báo, cảnh báo các khu vực sạt lở; thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình sạt lở tại khu vực này để người dân biết, chủ động phòng tránh. Huyện bố trí lực lượng theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở; thường xuyên báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời, chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện, sẵn sàng ứng phó để chủ động xử lý khi diễn biến sự cố sạt lở tiếp tục uy hiếp đến an toàn đê bao. Hỗ trợ và tuyên truyền vận động các hộ dân nằm trong khu vực sạt lở di dời đến nơi an toàn theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cũng được giao phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Cầu Kè theo dõi diễn biến sạt lở, xây dựng sẵn sàng phương án hộ đê; thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình diễn biến sạt lở, đề xuất UBND tỉnh để chỉ đạo xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, tổ chức khảo sát, tham mưu, đề xuất các giải pháp phi công trình hoặc công trình xử lý khẩn cấp sạt lở nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản, bảo đảm an toàn sản xuất và dân sinh theo quy định của pháp luật hiện hành.