Nhiều doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu vi phạm
Các vi phạm lớn nhất của doanh nghiệp đầu mối là không duy trì điều kiện kinh doanh, duy trì hệ thống đầu mối và dự trữ.
Thông tin về tình hình kiểm tra các doanh nghiệp xăng dầu, Tổng cục Quản lý Thị trường cho biết, trong báo cáo với Ủy ban Kinh tế Quốc hội cuối tháng 2 vừa qua, cơ quan này xác nhận, đã và phát hiện tổng số 575 vụ việc vi phạm với các doanh nghiệp xăng dầu với số tiền xử phạt trên 18 tỷ đồng.
Theo ông Kiều Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách - Pháp chế, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ trưởng Bộ Công thương đã lập 3 đoàn thanh tra 33 doanh nghiệp đầu mối theo kế hoạch thanh tra xăng dầu hàng năm. Tổng quan kết quả thanh tra cho thấy, các doanh nghiệp đầu mối đều có vi phạm và bị xử lý vi phạm hành chính.
Các vi phạm chính của doanh nghiệp chính là không duy trì điều kiện kinh doanh, duy trì hệ thống đầu mối và dự trữ là các vi phạm lớn nhất.
Trong quá trình thanh tra, các doanh nghiệp đầu mối chia sẻ gặp nhiều khó khăn. Có tình trạng các đại lý phân phối tranh nhau giành giật để đảm bảo duy trì điều kiện kinh doanh. Cùng với đó, vẫn còn tình trạng mua bán xăng dầu bên ngoài chưa được ngăn chặn triệt để.
Ngoài ra, doanh nghiệp đầu mối là duy trì tỷ lệ dự trữ bắt buộc, đồng thời, một số doanh nghiệp cũng không đáp ứng được.
Nhóm sai phạm tiếp theo là giao nhận bán lẻ xăng dầu, ông Dương cho rằng: " Có hiện tượng thay đổi liên tục hệ thống đại lý do nhiều nguyên nhân khác nhau. Cùng đó, các thủ tục hành chính chưa được các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc, không thực hiện đầy đủ và báo cáo kịp thời về số lượng doanh nghiệp trong hệ thống, tồn kho...",
Một số doanh nghiệp đầu mối có hành vi mua bán xăng dầu ngoài hệ thống, không thực hiện nhập khẩu đủ hạn mức tối thiểu.
Nhóm doanh nghiệp bán lẻ gồm tổng đại lý, cửa hàng bán lẻ..., cũng có nhiều vi phạm liên quan kinh doanh xăng dầu, không có giấy phép hoặc hết hiệu lực. Cụ thể, một doanh nghiệp đầu mối phía Nam giấy xác nhận đủ điều kiện đến ngày 25. Ngày 25 bị trống và 26 mới cấp lại giấy phép, doanh nghiệp bị phạt 1 lần 100 triệu đồng.
Đại diện Cơ quan quản lý thị trường còn thông tin: "Hiện 6 Bộ cùng tham gia quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu, và ngoài các Bộ thì còn có UBND địa phương. Nếu chúng tôi có hệ thống cơ sở dữ liệu thì chúng tôi không phải xử lý mà sẽ kịp thời ngăn chặn.
Chính điều này tạo ra ác cảm với quản lý thị trường là doanh nghiệp cứ nghĩ quản lý thị trường nhìn thấy doanh nghiệp là tìm lỗi xử phạt.
Hiện, chuỗi cung ứng xăng dầu trong nước gồm 33 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu, hơn 300 thương nhân phân phối và khoảng 17.000 doanh nghiệp bán lẻ trên khắp cả nước. Hơn 1 năm qua, khi thị trường xăng dầu thế giới biến động do dịch bệnh, tỷ giá tăng, xung đột Nga- Ukraina khiến nguồn nhập khẩu gặp khó khăn, cơ quan quản lý chậm điều chỉnh chi phí khiến các doanh nghiệp từ doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ đồng loạt bị lỗ nặng trong năm 2022.
Tình trạng đứt gãy cục bộ xăng dầu đã diễn ra, do khâu bán lẻ thua lỗ. Nhưng không chỉ có vậy, nhiều doanh nghiệp phân phối cũng kêu lỗ và cho rằng một phần nguyên nhân đến từ các doanh nghiệp đầu mối.
Theo ông Hoàng Trung Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển Phụ gia và Sản phẩm dầu mỏ (APP): "Tôi khẳng định tình trạng đầu cơ, găm hàng để chờ tăng giá mới bán là có. Đề nghị cơ quan quản lý thị trường công khai có bao nhiêu doanh nghiệp bán lẻ, thương nhân phân phối găm hàng trong năm 2022. Nguyên nhân đứt gãy có phải do bán lẻ và phân phối không? Chúng tôi là thương nhân phân phối, nếu lỗ, chúng tôi phải làm sao".
Chỉ ra thực tế về chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu, một trong những nguyên nhân gián tiếp gây đứt gãy cục bộ, ông Dũng cho biết thêm: "Trước đây, khi chu kỳ là 15 ngày, tôi thấy tình hình tương đối ổn định, tuy nhiên, khi rút còn 10 ngày, đứt gãy diễn ra cục bộ. Trước và sau 2 ngày của chu kỳ điều chỉnh rất căng thẳng, xe xếp hàng dài lấy xăng, ai cũng muốn lấy được hàng nhanh nhưng không có để cung cấp".
Lãnh đạo doanh nghiệp này lo ngại, sửa Nghị định kinh doanh xăng dầu có đưa phương án điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu xuống 7 ngày, việc tiếp tục rút ngắn khiến tình trạng đứt gãy nghiêm trọng hơn, không thể nào lấy hàng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Trong năm 2022 và đầu năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường của Bộ Công thương đã thực hiện giám sát trên 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong cả nước và thanh tra, kiểm tra trên 2.700 vụ, xử lý khoảng 600 vụ với số tiền xử phạt gần 20 tỷ đồng.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nhieu-doanh-nghiep-dau-moi-nhap-khau-xang-dau-vi-pham-d184939.html