Nhiều doanh nghiệp để lỡ các cơ hội vào thị trường Anh vì không biết làm marketing
Theo Tham tán thương mại Nguyễn Cảnh Cường (Thương vụ Việt Nam tại Anh), trong thời gian qua, ông đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam để lỡ các cơ hội bán hàng hay thiết lập quan hệ bạn hàng với các doanh nghiệp Anh, dù có sản phẩm tốt vì không biết làm marketing.
Ông Cường cho biết, sở dĩ các doanh nghiệp chưa vào được thị trường Anh là vì chiến lược và phương pháp marketing của các doanh nghiệp này chưa phù hợp với thị trường Anh, cả về công nghệ, thiết kế hình ảnh và ngôn ngữ.
Cụ thể là, các doanh nghiệp không có trang web hay trang web không đầy đủ thông tin hữu ích, dễ tìm, dễ hiểu; không có hình ảnh bắt mắt. Một số doanh nghiệp Việt có tên quá dài, khó nhớ, khó phát âm với người Anh nên có ít cơ hội xuất hiện trên kết quả tìm kiếm của các nhà nhập khẩu.
Nhiều doanh nghiệp sử dụng địa chỉ email miễn phí không có email của doanh nghiệp nên bị đánh giá có tín nhiệm thấp và có rất ít hi vọng nhận được phản hồi của các công ty nhập khẩu của Anh. Những doanh nghiệp có trang web tiếng Anh, thì lại mắc nhiều lỗi ngữ pháp, dùng từ sai hay văn phong dài dòng, lủng củng nên cũng bị đánh giá thấp.
Vì vậy, để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thị trường Anh tốt hơn, ông Cường đề xuất, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) và các sở công thương địa phương tài trợ cho các doanh nghiệp thực hiên các dự án Digital marketing chuyên nghiệp với sự tham gia của các chuyên gia hiểu rõ về thị trường Anh và văn hóa kinh doanh của người Anh.
Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại có trí tuệ nhân tạo để phân tích thị trường nhanh hơn và tiếp cận thị trường Anh hiệu quả hơn.
Còn theo ý kiến của PGS.TS Hà Văn Hội - Trưởng khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế (Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội), để hàng hóa Việt Nam có thể phát triển bền vững ổn định lâu dài tại thị trường Anh thì cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước, cũng như sự cố gắng tự thân của các doanh nghiệp.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, cần có những hỗ trợ đối với các doanh nghiệp để có thể nắm bắt kịp thời những thông tin, quy định mới từ thị trường Anh, để từ đó doanh nghiệp có thể thâm nhập thị trường này.
Đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cần chủ động và nỗ lực hơn trong việc nghiên cứu thị trường và đổi mới sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cao. Hàng hóa muốn thâm nhập thị trường Anh ngoài việc giá cả chất lượng như các yêu cầu về cạnh tranh nói chung thì còn phải đảm bảo ít nhất 3 vấn đề: tiêu chuẩn hóa, sức khỏe và môi trường.
Quan hệ kinh tế song phương Việt Nam - Vương quốc Anh tiến triển mạnh mẽ, với tổng thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa hai nước tính đến cuối năm 2022 đạt khoảng 5,9 tỷ bảng Anh (tương đương gần 7 tỷ USD), tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2021.