Nhiều doanh nghiệp FDI tiếp tục báo lỗ

Các chuyên gia kinh tế cho rằng doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài liên tục báo lỗ nhưng vẫn tăng vốn, mở rộng kinh doanh là điều không bình thường

Báo cáo mới đây của Bộ Tài chính gửi Chính phủ về kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2019 của các doanh nghiệp (DN) đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho thấy hàng loạt DN báo lỗ nhưng vẫn tăng vốn, mở rộng sản xuất - kinh doanh.

55% DN FDI thua lỗ (?)

Theo báo cáo, có tới 55% tổng số DN FDI đang hoạt động trên cả nước đã báo lỗ trong năm 2019. Đáng chú ý, doanh thu của những DN này được ghi nhận khoảng 846.800 tỉ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Những nhóm ngành 2 năm liền có số DN FDI lỗ trước và sau thuế tăng là sản xuất sắt, thép và kim loại khác; dầu khí, xăng dầu, nhiên liệu khí và sản phẩm hóa dầu; viễn thông, phần mềm.

Theo công bố của Bộ Tài chính, đến hết năm 2019, có 14.822 DN lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính, với tổng giá trị lỗ lũy kế là 520.742 tỉ đồng, bằng 41% vốn đầu tư của chủ sở hữu. Ngoài ra, số DN FDI lỗ mất vốn trong năm 2019 là 3.545 DN, tăng 24,2% so với năm 2018 và doanh thu của 2.160 DN trong đó vẫn tăng trưởng.

Năm 2019, Formosa Hà Tĩnh lỗ hơn 11.500 tỉ đồng Ảnh: MINH PHONG

Năm 2019, Formosa Hà Tĩnh lỗ hơn 11.500 tỉ đồng Ảnh: MINH PHONG

Bộ Tài chính cũng "điểm mặt" 2 dự án lớn nhất trong nhóm ngành sản xuất sắt thép, kim loại khác là Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh và Công ty CP Thép Posco Yamoto Vina (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) có tình hình tài chính không lành mạnh, kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh suy giảm, đóng góp vào ngân sách nhà nước rất hạn chế. Trong năm 2019, Formosa Hà Tĩnh lỗ hơn 11.500 tỉ đồng, gấp 4,2 lần cùng kỳ năm 2018 và nộp ngân sách 51,6 tỉ đồng; Công ty CP Thép Posco Yamoto Vina cũng lỗ lũy kế hơn 8.900 tỉ đồng; riêng năm 2019 lỗ 2.780 tỉ đồng, gấp đôi năm 2018 và chỉ nộp ngân sách 41 tỉ đồng.

Bộ Tài chính đánh giá bên cạnh những tác động tích cực của dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, hiệu quả sử dụng tài sản, sử dụng vốn tại các DN FDI nhìn chung còn thấp, chưa phát huy hết tiềm lực của DN; các chỉ tiêu khả năng sinh lời của một số lĩnh vực còn âm, nộp ngân sách chưa tương xứng với những ưu đãi được hưởng. Không những vậy, một số DN không nộp báo cáo tài chính cho cơ quan tài chính và cơ quan thuế đã gây ảnh hưởng đến số liệu tổng hợp.

Cần sớm làm rõ

Theo Bộ Tài chính, hiện tượng chuyển giá, trốn thuế vẫn còn diễn ra ở một số DN có vốn đầu tư nước ngoài. DN báo lỗ, thậm chí là lỗ liên tục nhiều năm nhưng vẫn đầu tư, mở rộng sản xuất - kinh doanh, doanh thu các năm đều tăng, gây thất thoát, thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Nhận định hiện tượng DN FDI liên tục báo lỗ là bất thường, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, cho rằng cần làm rõ để chặn việc chuyển giá, trốn thuế.

TS Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương - băn khoăn về số lượng DN FDI báo lỗ ngày càng tăng. Ông Doanh cho rằng DN lỗ một vài năm đã khó duy trì hoạt động trong khi có quá nhiều DN FDI báo lỗ liên tục mà vẫn mở rộng kinh doanh. "Tình trạng chuyển giá diễn ra rất phức tạp, tinh vi. Cơ quan có thẩm quyền cần có cơ chế giám sát, chống chuyển giá và làm rõ một vài DN lớn thường xuyên báo lỗ, từ đó xác định lỗ thật hay lỗ giả. Chúng ta cần có đội ngũ giám sát chuyên sâu, dày dạn kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao, hợp tác với các tổ chức kiểm toán độc lập để chứng minh được việc chuyển giá và có biện pháp xử lý. Bên cạnh đó, nên xem xét lại các ưu đãi cho DN FDI phù hợp hơn, tránh tình trạng các DN lợi dụng chính sách để thực hiện hành vi chuyển giá, trốn thuế" - TS Lê Đăng Doanh đề xuất.

Tại hội nghị triển khai công tác ngành thuế năm 2021 mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chỉ đạo ngành thuế tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, tập trung thanh tra hoạt động chuyển giá, thương mại điện tử để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi chuyển giá, trốn lậu thuế; tăng cường quản lý hoạt động của khu vực kinh tế phi chính thức. Tổng cục Thuế cũng đã xác định việc phát hiện và ngăn chặn các hành vi chuyển giá, trốn lậu thuế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021 và giai đoạn tới.

Đánh giá lại chính sách ưu đãi đầu tư

Liên quan đến vấn đề ưu đãi đầu tư, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thận trọng về chính sách ưu đãi theo quy mô dự án đầu tư và theo địa bàn kinh tế - xã hội. Đồng thời, cần nghiên cứu và đề xuất phương pháp xây dựng chính sách thu hút đầu tư trong thời gian tới phù hợp với quan điểm chỉ đạo theo Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

MINH CHIẾN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/nhieu-doanh-nghiep-fdi-tiep-tuc-bao-lo-20210127223957001.htm