Nhiều doanh nghiệp gấp rút tuyển dụng lao động để mở rộng kinh doanh

Số lượng đơn hàng tăng đặt ra yêu cầu phải mở rộng quy mô sản xuất khiến nhiều doanh nghiệp đang ráo riết tuyển dụng số lượng lớn công nhân. Tín hiệu tích cực này góp phần rộng mở cơ hội việc làm với mức thu nhập, đãi ngộ thỏa đáng cho lao động.

Nhu cầu tuyển dụng tăng cao

Dù liên tục đăng tuyển, nhiều doanh nghiệp sản xuất vẫn không tuyển đủ số lượng lao động cần thiết, nhất là lao động phổ thông. Theo phản ánh của các doanh nghiệp trong khu chế xuất - khu công nghiệp, tình trạng thiếu hụt lao động đã diễn ra từ đầu năm đến nay, ảnh hưởng đến tiến độ đơn hàng và khả năng mở rộng sản xuất. Một số nhà máy phải tăng ca, chia ca linh hoạt hoặc thuê nhân công bên ngoài để bù đắp lực lượng thiếu hụt.

Tình trạng thiếu hụt lao động đã diễn ra từ đầu năm đến nay

Tình trạng thiếu hụt lao động đã diễn ra từ đầu năm đến nay

Ông Lê Văn Hưng, Giám đốc nhân sự một công ty may mặc tại khu công nghiệp Tân Tạo (TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Công ty có kế hoạch mở rộng dây chuyền số 6 đã không thể hoàn thành vì thiếu nhân công. Chúng tôi cần tuyển 500 công nhân từ cuối tháng 3/2025 để vận hành chuyền mới, đáp ứng đơn hàng nhưng đến nay mới tuyển được hơn một nửa. Số lượng tuyển cũng rơi rụng khoảng 10% do nhiều nguyên nhân”.

Là doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử đi vào hoạt động từ năm 2013, hiện Công ty trách nhiệm hữu hạn Goertek Vina (Khu công nghiệp Quế Võ - Bắc Ninh) có 3 nhà máy tại tỉnh Bắc Ninh, tạo việc làm cho khoảng 50 nghìn lao động. Để đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô nhà xưởng, doanh nghiệp hiện đăng ký tuyển mới 50 nghìn công nhân trình độ phổ thông. Hiện công ty đưa ra mức lương cơ bản hấp dẫn (5,5 triệu đồng/người/tháng) và các khoản phụ cấp khác (thâm niên, hiệu suất, nhà ở, đi lại, ăn ca…), bảo đảm thu nhập tối thiểu của mỗi công nhân đạt 10 triệu đồng/tháng.

Để tuyển đủ nhân lực, Công ty triển khai nhiều phương thức tuyển dụng: Trực tiếp, qua mạng xã hội và ký kết hợp tác với các đơn vị cung ứng nhân lực trong và ngoài tỉnh. Trong hai tháng 6 và 7, doanh nghiệp áp dụng phương thức tuyển nội bộ (người trong Công ty giới thiệu công nhân mới) với mức thưởng 5 triệu đồng/người. Đặc biệt, lao động mới vào ứng tuyển được thưởng “nóng” lên đến 10 triệu đồng khi làm việc đủ 3 tháng (tiền thưởng chi trả dần trong 3 tháng, cùng với kỳ trả lương hằng tháng).

Ông Bàn Hồng Triệu, phụ trách tuyển dụng Công ty cho biết: “Doanh nghiệp tuyển dụng cả lao động nam và nữ, người đến 50 tuổi; môi trường làm việc trong phòng điều hòa, chế độ phúc lợi bảo đảm… Chúng tôi hy vọng sẽ thu hút được lực lượng lớn lao động, bảo đảm kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất”.

Để đáp ứng nhân lực cho việc mở rộng quy mô sản xuất, bộ phận tuyển dụng của Công ty trách nhiệm hữu hạn Pearl Global Việt Nam, Cụm công nghiệp Dĩnh Trì (tỉnh Bắc Ninh) đang tăng tốc trong công tác tuyển dụng. Doanh nghiệp đăng ký tuyển với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để mở rộng kênh thông tin, giúp lao động ở nhiều địa bàn khác nhau dễ dàng ứng tuyển. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa bàn đứng chân và một số vùng lân cận để phát tờ rơi, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh về nhu cầu, chính sách tuyển dụng của doanh nghiệp.

Tăng cường dự báo, kết nối cung - cầu

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Ninh cho biết, trên địa bàn Bắc Giang cũ hiện có hơn 1,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký tuyển lao động với số lượng lên đến 116 nghìn vị trí việc làm trống. Trong số này, lao động phổ thông chiếm khoảng 80%, tập trung chủ yếu ở hai ngành là điện tử và may mặc.

Một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhiều như: Công ty trách nhiệm hữu hạn Goertek Vina, Khu công nghiệp Quế Võ (50 nghìn người); Công ty trách nhiệm hữu hạn Newwing Interconect Technology Bắc Giang, Khu công nghiệp Vân Trung (10,5 nghìn người); Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải, Khu công nghiệp Quang Châu (10 nghìn người); Công ty trách nhiệm hữu hạn Dreamtech Việt Nam, Khu công nghiệp VSIP (5,5 nghìn người); Công ty trách nhiệm hữu hạn Luxshare-ICT, Khu công nghiệp Vân Trung (3 nghìn người)...

Đánh giá thực tế cung - cầu của thị trường lao động thời điểm này, các chuyên gia cho rằng, đây là tín hiệu tích cực, không chỉ thể hiện hiệu quả trong chính sách thu hút đầu tư của tỉnh mà còn tạo ra sự cạnh tranh lao động lành mạnh. Chủ doanh nghiệp muốn tuyển được người để sản xuất thuận lợi và giữ chân lao động có tay nghề thì không có cách nào khác là phải áp dụng thêm nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn. Về phía lao động, họ có quyền lựa chọn cơ hội việc làm tốt nhất với mình.

Một thực tế hiện nay, nhu cầu tuyển dụng cao nhưng người lao động lại chưa mặn mà quay trở lại nhà máy. Nhiều người chọn các công việc tự do, linh hoạt như tài xế công nghệ, bán hàng online… thay vì làm việc cố định theo ca, theo dây chuyền. Trong khi đó, lực lượng lao động trẻ có xu hướng dịch chuyển hoặc chọn các khu vực có thu nhập cao hơn.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP. Hồ Chí Minh, có một lý do sâu xa hơn là sự thay đổi trong nhận thức và kỳ vọng của thế hệ lao động trẻ. Một yếu tố không kém phần quan trọng là sự thiếu hiệu quả trong công tác tuyển dụng. Nhiều doanh nghiệp vẫn đang sử dụng các phương pháp truyền thống như dán thông báo, phát tờ rơi, đăng tin ở một số kênh không chuyên biệt. Trong khi đó, phần lớn lao động trẻ hiện nay tìm việc qua các nền tảng tuyển dụng trực tuyến hoặc qua giới thiệu bạn bè.

Đức Thuận

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nhieu-doanh-nghiep-gap-rut-tuyen-dung-lao-dong-de-mo-rong-kinh-doanh-166758.html