Nhiều doanh nghiệp lãi bèo bọt, lộ diện đơn vị sụt lợi nhuận 99%
Các doanh nghiệp đại chúng lần lượt công bố báo cáo tài chính quý I năm nay, nhưng cũng như dự báo thị trường trước đó, không ít doanh nghiệp chịu cảnh lợi nhuận sụt giảm mạnh, thậm chí thua lỗ.
Công ty CP CNG Việt Nam (mã: CNG) ghi nhận một kỳ kinh doanh kém tích cực với cả doanh thu lẫn lợi nhuận đều ‘teo tóp’ hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo tài chính của CNG, doanh thu thuần quý I đạt 739 tỷ đồng, giảm 26% so với quý đầu năm ngoái. Mặc dù doanh thu hoạt động tài chính cao gấp 3 lần song các chi phí đều tăng mạnh khiến lợi nhuận thuần chỉ còn 11 tỷ đồng.
Nhờ khoản thu nhập khác hơn 17 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của CNG trong quý vừa rồi mới đạt 23 tỷ đồng, tuy vậy vẫn chỉ bằng 63% lợi nhuận quý I/2022. Theo giải trình của CNG, nguyên nhân của sự sụt giảm này đến từ việc sản lượng giảm và giá nguyên liệu giảm.
Trong khi đó, Công ty CP Xây lắp dầu khí Miền Trung (PXM) tiếp tục nối dài chuỗi thua lỗ. Quý I/2023 vừa qua, PXM tiếp tục ghi lỗ hơn 4,6 tỷ đồng. PXM đã lỗ liên tục từ 2012 đến nay và những con số âm trong kết quả kinh doanh vẫn chưa dừng lại. PXM cho biết, chi phí tài chính (chi phí lãi vay) của các khoản vay từ những năm trước chưa trả được nợ gốc dẫn đến phát sinh chi phí lãi vay quá hạn trong kỳ quá cao.
Tính đến cuối quý I, PXM âm vốn chủ sở hữu hơn 450 tỷ đồng, trong khi đó nợ phải trả của công ty lên đến hơn 490 tỷ đồng, chi phí phải trả ngắn hạn lên đến hơn 250 tỷ đồng. Hiện tổng tài sản của PXM chỉ vỏn vẹn 42 tỷ đồng.
Là doanh nghiệp ngành thép, phụ thuộc nhiều vào biến động giá nguyên liệu và tình hình các công trình xây dựng, Công ty CP Thép Mê Lin và Công ty CP Gang thép Cao Bằng vừa báo cáo tình hình kinh doanh không mấy khả quan.
Cụ thể, Công ty CP Thép Mê Lin (MEL) ghi nhận doanh thu thuần giảm đến 48% trong quý đầu năm. Cùng với đó các chi phí đều ghi tăng khiến lợi nhuận sau thuế chỉ còn 1,9 tỷ đồng, tương ứng giảm hơn 82% so với cùng kỳ 2022. Trong 3 tháng qua, tiền và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp này cũng giảm mạnh từ 15,4 tỷ đồng xuống còn hơn 5,8 tỷ đồng.
Giải trình về biến động này, MEL cho biết trong quý I diễn biến giá thép trong nước và thế giới giảm khiến giá bán các mặt hàng của công ty giảm, sản lượng bán so với cùng kỳ năm ngoái giảm trong khi lãi suất của ngân hàng cao nên ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của công ty.
Giá phôi thép giảm cũng là lý do mà Công ty CP Gang thép Cao Bằng (CBI) đưa ra để giải thích cho việc lợi nhuận quý I giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 13,7 tỷ đồng. CBI cho biết giá bán quý I năm nay là 14,25 triệu đồng/tấn, giảm 5,45% so với quý I/2022 (15,08 triệu đồng/tấn).
Một doanh nghiệp khác thuộc nhóm ngành sản xuất phân bón, hóa chất là Công ty CP DAP - Vinachem (DDV) cũng có một kỳ kinh doanh "buồn" khi lợi nhuận sau thuế thậm chí chỉ còn 144 triệu đồng.
So với quý I/2022, lợi nhuận sau thuế của DDV giảm tới 99,89%. Mặc dù trong quý đầu năm nay sản lượng DAP tiêu thụ tăng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giá bán lại liên tục giảm. Việc bán hàng gặp nhiều khó khăn khiến công ty phải điều chỉnh tăng mức chiết khấu thương mại để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, ngoài ra chi phí liên quan đến ủy thác xuất khẩu hàng bán cũng phát sinh khiến chi phí bán hàng của DDP tăng mạnh. Những nguyên nhân này đã đẩy DDP vào tình trạng lợi nhuận bèo bọt đầu năm.
Biến động kinh tế thế giới, giá nguyên liệu, lãi suất cao... là những "cơn sóng dữ" tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Dự báo, những gam màu xám kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp sẽ còn được phản ánh ra thị trường trong những ngày tới.