'Nhiều doanh nghiệp muốn vay vốn nhưng không chứng minh được có thể trả nợ'

'Có nhiều doanh nghiệp muốn vay nhưng không chứng minh được có thể trả nợ được không. Trong khi, nguyên tắc tối thiểu của ngân hàng cho vay phải thu được nợ', Phát biểu của Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú về thực trạng quan hệ tín dụng là một trong những phát ngôn ấn tượng tuần qua.

 Nhiều doanh nghiệp muốn vay nhưng không có thể chứng minh trả được nợ.

Nhiều doanh nghiệp muốn vay nhưng không có thể chứng minh trả được nợ.

'Nhiều doanh nghiệp muốn vay nhưng không chứng minh có thể trả nợ được không'

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tính đến hết tháng 6, lãi suất huy động bình quân giảm 0,7-0,8%, lãi vay giảm 1-1,2%. Xu hướng chung, các ngân hàng vẫn đang tiếp tục hạ lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ.

Tuy nhiên, ông Tú cũng thừa nhận dù lãi suất đã giảm song dư nợ tín dụng mới tăng 4,2%, trong khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng theo kỳ vọng cả năm 2023 là 14 - 15%.

“Room (hạn mức) tín dụng cả năm đã giao 11% nhưng đến nay mới đạt 4,2%, cho thấy dư địa còn rất nhiều để các ngân hàng cho vay”, Phó thống đốc cho biết.

Cũng theo ông Tú, những doanh nghiệp nhỏ và vừa đang khó tiếp cận tín dụng. Trước đây doanh nghiệp khó về năng lực tài chính để đảm bảo vay phải có khả năng trả nợ, đến nay càng khó hơn.

"Hiện nay có nhiều doanh nghiệp muốn vay nhưng không chứng minh được có thể trả nợ được không, nguyên tắc tối thiểu ngân hàng cho vay phải thu được nợ. Ngược lại, có doanh nghiệp, ngân hàng mời chào vay nhưng lại chưa có nhu cầu vay", ông Tú nói.

'6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8 - 9%'

Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Kịch bản này được đưa ra sau khi Tổng cục Thống kê công bố tăng trưởng GDP 6 tháng ước chỉ đạt 3,72%, thấp hơn so với kịch bản đã đề ra.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết ở kịch bản 1, tăng trưởng GDP cả năm dự kiến đạt 6%, thì tăng trưởng quý III phải đạt 6,8%, quý IV đạt 9%, cao hơn lần lượt 0,3 điểm phần trăm và 1,9 điểm phần trăm so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP. Tính chung 6 tháng cuối năm, tăng trưởng GDP phải đạt 8,0%.

Kịch bản 2, để tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6,5%, thì tăng trưởng quý III phải đạt 7,4%, quý IV đạt 10,3%, cao hơn lần lượt 0,9 điểm phần trăm và 3,2 điểm phần trăm so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP. Tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,9%.

Như vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5%, thậm chí chỉ là 6%, thì trong hai quý còn lại của năm, tốc độ tăng trưởng phải đạt ở mức rất cao, không phải chỉ là 7-7,5% như kịch bản đã được cập nhật hồi đầu tháng 4/2023, mà phải lên tới 8-9%.

'Cảnh báo cá lớn nuốt cá bé, lũng đoạn thị trường rượu bia'

Tại Hội thảo "Góp ý xây dựng dự án Luật Thuế TTĐB sửa đổi", TS. Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng Cục thuế, Bộ Tài chính) cho rằng, Việt Nam đã có quy định về phương pháp tính thuế hỗn hợp, phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm, phương pháp tính thuế tuyệt đối tại Luật Thuế Xuất khẩu, Thuế Nhập khẩu.

Tuy nhiên, ông Phụng cảnh báo, tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”, lũng đoạn thị trường có thể xảy ra nếu áp dụng tính thuế TTĐB tuyệt đối.

"Thuế tuyệt đối có ưu điểm là tạo sự rõ ràng, nhất quán, người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế biết chính xác số tiền thuế sẽ phải nộp là bao nhiêu tại thời điểm tính thuế. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của thuế tuyệt đối là không bắt kịp được sự biến động của giá cả khi có lạm phát hoặc giảm phát.

"Đối với môi trường kinh doanh, thuế tuyệt đối có thể tạo cơ hội cho việc phát sinh các hành vi lũng đoạn thị trường, tình trạng “cá lớn nuốt cá bé” hoặc một số thương hiệu ngoại nhập có thể làm triệt tiêu một số mặt hàng hoặc ngành nghề truyền thống của địa phương nếu như công tác quản lý thị trường còn hạn chế”" TS. Phụng cảnh báo.

Giả định, áp thuế tuyệt đối 100.000 đồng/lít rượu có độ cồn trên 35 độ, thì việc áp mức thuế này với chai rượu sản xuất truyền thống hơn 100 nghìn đồng và chai rượu ngoại có giá một triệu đồng là thiếu công bằng và có thể làm giảm mức độ đóng góp cho ngân sách (nếu tính theo tỷ lệ phần trăm).

"Cần coi tháo gỡ cho dự án bất động sản là nhiệm vụ cấp bách"

Thông tin về kết quả tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản do các tổ công tác của Thủ tướng thực hiện trong thời gian qua tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, đã làm việc trực tiếp với 6 địa phương, sàng lọc với ba nhóm khó khăn vướng mắc về thể chế, tổ chức thực hiện, vốn, thị trường trái phiếu, tín dụng. Từ đó tổ công tác đã có nhiều kiến nghị tới Chính phủ ban hành nhiều văn bản như nghị quyết 33, các công điện, quy định tháo gỡ về thể chế.

Trong tổ chức triển khai thực hiện, tổ công tác đã nhận được 108 kiến nghị và rà soát, chuyển văn bản tới các UBND tỉnh trực tiếp giải quyết theo trách nhiệm.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết ba vướng mắc lớn nhất của các dự án đầu tư bất động sản đang gặp, là thể chế, tổ chức thực hiện; vốn, thị trường trái phiếu và tín dụng.

"Địa phương cần coi tháo gỡ cho dự án bất động sản là nhiệm vụ cấp bách quan trọng, thẩm quyền cấp nào thì cơ quan đó phải xử lý quyết liệt", Thứ trưởng Văn nêu quan điểm.

'Loại bỏ công nghiệp, lo trồng thêm rừng để giữ lấy bản sắc Măng Đen'

Góp ý về hướng phát triển du lịch Măng Đen, ông Trần Văn Quỳnh, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập Đoàn Vị Trí Vàng cho rằng, Măng Đen là một vùng đất mới nổi, mang nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch xanh và bền vững. Bởi nơi này được ưu ái cho một thời tiết và khí hậu mát mẻ trong lành giống như Đà Lạt, Sapa, Tam Đảo, Bà Nà… Tuy nhiên, trừ Đà Lạt, các điểm du lịch này đã được khai thác gần hết và quy mô lại nhỏ.

Hiện nay, tỉnh Kon Tum đang có những định hướng tích cực trong việc xây dựng mạng lưới đường sá điển hình như Sân bay Măng Đen hay cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum. Với thuận lợi tự nhiên và hạ tầng đang phát triển, việc đầu tư du lịch nghỉ dưỡng xanh sẽ rất phù hợp. Bên cạnh đó, tình trạng phát công nghiệp tại vùng đất này vẫn còn hạn chế, nên thực phẩm ở đây vô cùng sạch. Điều này tạo cho Măng Đen lợi thế trở thành một điểm du lịch, nghỉ dưỡng lý tưởng.

Tuy nhiên, theo ông Quỳnh, "mọi sản phẩm có thể tạo ra được nhưng khí hậu là điều không thể. Vì thế, với định hướng xây dựng Măng Đen trở thành vùng du lịch sinh thái quốc gia gắn với bảo vệ và phát huy giá trị thiên nhiên. Do đó, Kon Tum nên loại bỏ những định hướng liên quan đến công nghiệp và lo trồng thêm rừng. Tỉnh Kon Tum, nên có những hướng quy hoạch phát triển Măng Đen hài hòa với thiên nhiên".

“Việc làm này sẽ giúp Kon Tum có một hệ hình thái du lịch xanh bền vững”, ông Quỳngh nhấn mạnh.

>>>Xem thêm: ‘Loại bỏ công nghiệp, lo trồng thêm rừng để giữ lấy bản sắc Măng Đen’

Hoàng Sơn

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/nhieu-doanh-nghiep-muon-vay-von-nhung-khong-chung-minh-duoc-co-the-tra-no-20180504224286354.htm