ĐBQH: Đánh thuế VAT 5% với phân bón, không nên thu của người nghèo trả cho người giàu

Chiều 24-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật Thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) sửa đổi

Dự thảo luật đề xuất chuyển phân bón, tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển, các loại máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp từ diện không chịu thuế sang nhóm hàng hóa áp dụng mức thuế suất 5%. Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm, thảo luận về vấn đề này.

Đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng

Đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng

ĐBQH Trần Anh Tuấn (đoàn TP HCM) cho rằng hiện nay chúng ta đang thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tức thực hiện chính sách tài khóa mở rộng theo hướng tiếp tục giảm thuế (giảm thuế 2% cho đến cuối năm 2024). Cùng với đó tiếp tục sẽ có những biện pháp để kích cầu tiêu dùng và sản xuất đến cuối năm 2025, tốc độ tăng trưởng mới đảm bảo duy trì tốt.

Theo vị ĐBQH đoàn TP HCM, nếu sửa đổi luật đưa mức chịu thuế từ 0% lên 5% như dự thảo luật đối với một số mặt hàng là đầu vào của sản xuất, các doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng này sẽ giảm sức cạnh tranh, gây áp lực lạm phát các mặt hàng tiêu dùng, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

"Thiết kế chính sách theo lộ trình, nhất là đối với sản phẩm nông nghiệp cần tính toán lại chính sách thuế hợp lý, có thể đưa vào mức chịu thuế 0% thay vì 5% như dự thảo luật để doanh nghiệp được khấu trừ thuế, nhưng sản phẩm lương thực thực phẩm đầu ra không bị áp lực tăng giá mà vẫn thực thi chính sách tài khóa mở rộng tốt hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn" - ĐB Trần Anh Tuấn nêu.

ĐB Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) nhận định hiện nay bối cảnh nền kinh tế chưa phục hồi tốt sau đại dịch COVID-19 và hiện tại Quốc hội, Chính phủ đang vẫn còn phải tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất thuế VAT. Nếu đưa mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang nhóm hàng hóa phải chịu mức thuế suất 5%, chắc chắn sẽ tác động ảnh hưởng đến thu nhập của hàng triệu hộ gia đình nông dân và tính hiệu quả, cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.

Vị ĐB đề nghị cần phải có khảo sát, đánh giá kỹ và báo cáo đầy đủ hơn về tác động của việc chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng phải chịu thuế. Trong đó, đánh giá tác động đến sự phát triển của ngành sản xuất, kinh doanh phân bón, phục vụ sản xuất nông nghiệp và cả tác động từ việc tăng giá của sản phẩm phân bón, ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân ra sao, hiệu quả cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp thế nào.

Phát biểu thảo luận, ĐB Trần Văn Lâm (đoàn tỉnh Bắc Giang) cho rằng nông nghiệp, nông dân và nông thôn là khu vực vô cùng quan trọng, là trụ đỡ khi nền kinh tế và đất nước khó khăn. Tuy vậy, đây cũng là đối tượng yếu thế trong kinh tế thị trường. Việc tăng thuế VAT sẽ làm tăng giá vật tư đầu vào, tăng chi phí, giá thành, giảm tính cạnh tranh của nông sản; giảm thu nhập nông dân, tác động xấu đến khu vực nông thôn.

ĐBQH Trần Văn Lâm phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng

ĐBQH Trần Văn Lâm phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng

Với ngân sách, nếu tăng thuế VAT 5%, chỉ tính riêng với phân bón, tổng thu ngân sách sẽ tăng 6.200 tỉ đồng. Với doanh nghiệp, tăng VAT 5% sẽ giúp doanh nghiệp được khấu trừ đầu vào, từ đó tăng sức cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu trên sân nhà. Với nông dân, 5% VAT nêu trên sẽ thu từ việc nông dân sử dụng sản phẩm cho sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, nông nghiệp của Việt Nam chủ yếu là sản xuất nông hộ, nhỏ lẻ, không đủ điều kiện hạch toán để khấu trừ VAT đầu vào, nên hầu như toàn bộ 5% VAT này sẽ cấu phần vào và làm tăng giá thành nông sản; giảm cạnh tranh, giảm thu nhập.

Như vậy, tăng thuế thì doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh, tăng lợi nhuận và ngân sách nhà nước tăng thu, nhưng nông dân thiệt.

Theo ĐB Trần Văn Lâm, Việt Nam hiện có 4 nhà sản xuất phân bón chính và đã hội nhập hoàn toàn với quốc tế. Vì thế, dù trong nước sản xuất với giá thành bao nhiêu, cao hay thấp thì cũng phải bán sản phẩm theo giá thị trường thế giới. Nếu giá trong nước thấp, doanh nghiệp sẵn sàng xuất khẩu để thu lợi nhuận tối đa, chứ không thể đòi hỏi doanh nghiệp hi sinh lợi ích chính đáng của họ.

Trong khi đó, người nông dân luôn phải mua vật tư theo giá thị trường thế giới, cộng thêm thuế nếu có. Việc tăng thuế làm tăng chi phí đầu vào của nông nghiệp là điều hiển nhiên. ĐB Trần Văn Lâm cho rằng có nhiều cách để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu chứ không nhất thiết phải hi sinh lợi ích của hàng chục triệu hộ nông dân, không nên đẩy trách nhiệm này cho nông nghiệp, nông dân và "không nên thu của người nghèo trả cho người giàu".

Văn Duẩn - Huy Thanh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dbqh-danh-thue-vat-5-voi-phan-bon-khong-nen-thu-cua-nguoi-ngheo-tra-cho-nguoi-giau-196240624175847957.htm