Nhiều doanh nghiệp nhà nước báo lỗ, sụt giảm lợi nhuận
Chịu tác động nặng nề từ dịch Covid-19, hàng loạt doanh nghiệp có vốn nhà nước đồng loạt báo lỗ, sụt giảm mạnh lợi nhuận, nặng nhất là các ông lớn thuộc các ngành dịch vụ, hàng không và sản xuất công nghiệp.
Ông lớn nhà nước đồng loạt tụt dốc
Số liệu tổng hợp báo cáo Ðảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương cho thấy, trong 2 quý đầu năm, tổng doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty trong khối doanh nghiệp nhà nước ghi nhận đạt hơn 663.000 tỷ đồng, giảm 17,7% so với cùng kỳ 2019.
Lợi nhuận trước thuế sụt giảm mạnh tới 41,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 41.100 tỷ đồng.
Ðứng đầu trong số các doanh nghiệp chịu tác động bởi dịch bệnh là nhóm doanh nghiệp thuộc lĩnh vực giao thông, thương mại, dịch vụ, đặc biệt là Petrolimex, VNPT, Vietnam Airlines,Vinalines, Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam (VNR), Mobifone, VTC, VNPost,Vinafood 1, Vinafood 2.
Tổng doanh thu 10 doanh nghiệp thuộc nhóm này trong 2 quý đầu năm ước đạt 161.200 tỷ đồng, giảm 27%. Ðặc biệt, các "ông lớn" hàng không và xăng dầu là Vietnam Airlines lỗ tới 7.474 tỷ đồng, Petrolimex lỗ 1.360 tỷ đồng, VNR lỗ 450,6 tỷ đồng.
Tương tự, 10 doanh nghiệp nhà nước lớn bao gồm các tập đoàn, tổng công ty trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp như Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Dệt may, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản, Tập đoàn Ðiện lực, Tập đoàn Hóa chất, Tổng công ty Thép, Tổng công ty Phát triển nhà và đô thị, Tổng công ty Xi măng và Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy cũng đều chịu chung tình trạng suy giảm mạnh doanh thu, lợi nhuận do thị trường 2 quý đầu năm khó khăn.
Ước tính, tổng doanh thu 10 ông lớn này giảm 15,4% so với cùng kỳ, đạt khoảng 457.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế giảm mạnh tới 50,3%, đạt 11.940 tỷ đồng.
Trong nhóm này chỉ ghi nhận 2 đơn vị có doanh thu tăng trong 2 quý đầu năm, gồm Tổng công ty Thép tăng 5,2% và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản tăng 1%. Ðáng chú ý, Tổng công ty Sông Ðà ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng 42,3% so với cùng kỳ.
Trong lĩnh vực dầu khí, PVN cho biết, trong tháng 7, tình hình khai thác và giá dầu thế giới có xu hướng tích cực hơn giúp kết quả 7 tháng cải thiện so với quý II và 6 tháng đầu năm.
Cộng với việc phát hiện trữ lượng lớn dầu khí tại Lô 114 mới đây đã mở ra triển vọng phát triển tích cực cho Tập đoàn trong thời gian tới. Theo đó, 7 tháng qua, doanh thu toàn Tập đoàn ghi nhận 327.798 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 10.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kết quả của một số đơn vị thành viên chủ chốt của PVN vẫn trong tình trạng thua lỗ nặng nề. Trong đó, CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) vừa công bố báo cáo tài chính cho thấy, trong quý II/2020, Công ty ghi nhận doanh thu bán hàng giảm tới 50,7% so với cùng kỳ 2019, chỉ đạt 13.718 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế âm 1.897,5 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm, BSR ghi nhận doanh thu thuần sụt giảm 38%, còn 31.730 tỷ đồng; lợi nhuận âm gần 4.230 tỷ đồng.
Với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, bao gồm Tập đoàn Cao su, Tổng công ty Cà phê, Tổng công ty Giấy, Tổng công ty Thuốc lá, dịch bệnh cũng đã ảnh hưởng đến giá cả, thị trường tiêu thụ thu hẹp.
Các doanh nghiệp cho biết, mặc dù đã có giải pháp ứng phó song tác động từ tình hình thị trường suy giảm khiến kết quả sản xuất - kinh doanh cũng như các chỉ tiêu tài chính phần lớn đều giảm so với cùng kỳ.
Tổng doanh thu toàn nhóm ước đạt 19.160 tỷ đồng, giảm 19,5%; lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.700 tỷ đồng, giảm 18%.
Riêng nhóm doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tình hình khả quan hơn. Các chỉ tiêu như tổng tài sản, huy động vốn, dư nợ tín dụng vẫn tăng so với cùng kỳ, giúp nhóm các ngân hàng ghi nhận 27.940 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, chỉ giảm nhẹ ở mức 3,8% so với cùng kỳ.
Tập đoàn Bảo Việt và SCIC đều ghi nhận doanh thu tăng trong kỳ, lần lượt đạt 22.190 tỷ đồng, tăng 30,6% và đạt 3.580 tỷ đồng, tăng 15,7%. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế vẫn giảm so với cùng kỳ, trong đó Bảo Việt ghi nhận 641 tỷ đồng, giảm 13,8%; SCIC 2.580 tỷ đồng, giảm 12,6% so với cùng kỳ.
Thận trọng 2 quý cuối năm
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp với xu hướng bùng phát trở lại của làn sóng thứ 2 tại nhiều quốc gia trên thế giới cũng như trong nước, các doanh nghiệp họ dầu khí, xăng dầu cũng như lĩnh vực sản xuất công nghiệp nói chung cùng có chung nhận định khá thận trọng về tình hình 2 quý cuối năm.
Ðối với BSR, do đặc thù phải sản xuất liên tục, hoạt động chế biến của nhà máy lọc dầu đòi hỏi phải duy trì một lượng dầu thô và cần thời gian để chế biến từ dầu thô ra thành sản phẩm xuất bán khiến doanh nghiệp luôn chịu tác động từ giá dầu thô trên thị trường và ảnh hưởng tới tình trạng tồn kho.
Việc phải duy trì liên tục một lượng dầu cho sản xuất khiến doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng lớn khi giá dầu thô trên thị trường giảm dẫn tới giá các sản phẩm dầu giảm, giá vốn bị ảnh hưởng do giá dầu tồn kho cao hơn giá thị trường.
Dịch bệnh gây ra nhiều khó khăn, nhưng cũng là cơ hội để các tập đoàn kinh tế nhà nước chủ động bứt phá. Thay vì xin tiền, các doanh nghiệp nhà nước nên xin cơ chế phù hợp để doanh nghiệp năng động, linh hoạt, sáng tạo hơn, từ đó có thể khai thác có hiệu quả khối tài sản lớn và biến nó thành sức mạnh.
TS. Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng CIEM
Chưa kể, nếu dịch bệnh chưa được kiểm soát và phải thực thi giãn cách xã hội, nhu cầu các sản phẩm lọc hóa dầu sẽ giảm rất mạnh, thu hẹp mức chênh lệch giữa giá dầu thô và giá các sản phẩm chính.
Do đó, các sản phẩm do Công ty chế biến như xăng A92, A95, dầu JetA1, DO thấp hơn giá dầu thô khiến doanh nghiệp có thể lại rơi vào tình trạng lỗ như đã từng xảy ra vào tháng 4 và tháng 5 vừa qua.
Trong điều kiện thị trường và giá cả bất định, khó dự đoán do tác động của dịch bệnh kéo dài, Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cho biết, nhằm đảm bảo mục tiêu hoàn thành kế hoạch đề ra trong 6 tháng cuối năm, PVN sẽ chỉ đạo các đơn vị theo sát dự báo cung - cầu thị trường, tăng cường giải ngân 6 tháng cuối năm, áp dụng các giải pháp công nghệ để tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất.
“Tình hình dịch bệnh dự báo vẫn còn diễn biến phức tạp. Tập đoàn tiếp tục thực hiện quyết liệt các gói giải pháp ứng phó với dịch bệnh Covid-19 và giá dầu giảm sâu, có giải pháp phù hợp với diễn biến thị trường, giá dầu trong từng thời điểm, xử lý kịp thời lượng tồn kho các sản phẩm nhằm tối ưu hóa lợi ích, bù đắp những thiệt hại trong giai đoạn đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm từ đầu năm 2020 đến nay”, ông Hùng nhấn mạnh.
Trong lĩnh vực sản xuất đồ uống, 2 ông lớn có vốn nhà nước là Sabeco và Habeco cũng khá dè dặt trước khả năng hoàn thành chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh 2 quý cuối năm cũng như cả năm 2020.
Dù dẫn đầu thị trường, song cả hai ông lớn này cũng không thoát khỏi tình trạng doanh thu và lợi nhuận sụt giảm mạnh từ 30-35% trong 6 tháng đầu năm.
Riêng Habeco, lợi nhuận lũy kế 6 tháng đầu năm giảm tới 51% so với cùng kỳ năm ngoái do chịu tác động kép từ bởi tác động từ Nghị định 100 và dịch bệnh kéo dài.
Theo nhận định của Ban lãnh đạo Sabeco, tình hình dịch bệnh trở lại từ cuối tháng 7 đang đặt các hãng bia trước nguy cơ phải tiếp tục đối mặt với sức tiêu thụ giảm tới cuối năm 2020, chưa kể tác động từ Nghị định 100 sẽ làm thay đổi hoàn toàn thói quen ăn uống của người dân.
Trong bối cảnh này, Ban lãnh đạo Sabeco cũng thận trọng đưa ra mục tiêu doanh thu và lợi nhuận năm 2020 giảm gần 40% so với năm 2019, là mức thấp nhất kể từ năm 2016.
Tương tự, Habeco cũng giảm mục tiêu doanh thu và lợi nhuận tương ứng 44% và 51% so với năm ngoái trước dự báo tình hình dịch bệnh Covid-19 sẽ kéo dài hết năm 2020.
Trong khi đó, lường trước tình trạng kinh doanh khó khăn tiếp tục kéo dài đến hết năm do dịch bệnh, Tổng giám đốc VNR Ðặng Sỹ Mạnh cho biết, doanh nghiệp sẽ cơ cấu lại vận hành tàu theo hướng tổ chức chạy tàu phù hợp với nhu cầu vận tải bị sụt giảm mạnh do dịch Covid-19, đồng thời có các giải pháp để kinh doanh hiệu quả hơn như cắt giảm tàu tuyến ngắn khi lượng khách sụt giảm, tăng ga đỗ các tàu đường dài phục vụ du khách, tăng cường tổ chức chạy tàu hàng Bắc - Nam để bù đắp sụt giảm hành khách…
VNR mới đây đã tiếp tục kiến nghị cho phép các doanh nghiệp vận tải đường sắt miễn nộp phí sử dụng kết cấu hạ tầng năm 2020 và miễn nộp 20% tiền thu cho thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2020.
Trước đó, Tổng công ty đã kiến nghị Nhà nước cho các doanh nghiệp trong ngành được miễn trích nộp ngân sách phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt 8% trên doanh thu vận tải cả năm 2020 để có thể duy trì hoạt động kinh doanh và duy trì doanh thu trong 6 tháng cuối năm.