Nhiều doanh nghiệp phương Tây rục rịch chuyển khỏi Trung Quốc
Nhiều công ty phương Tây đang chuyển dần dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác, trong bối cảnh đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng gay gắt.
Từ 10 năm trở lại đây, các công ty phương Tây đã bắt đầu tìm địa điểm thay thế Trung Quốc để đặt nhà máy sản xuất hàng hóa, chiến lược này được gọi là "Trung Quốc cộng một".
Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung trở nên gay gắt, khiến môi trường kinh doanh tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiềm ẩn ngày càng nhiều rủi ro, làn sóng tháo chạy khỏi Trung Quốc đang diễn ra nhanh hơn.
"Trung Quốc cộng một" giờ đã trở thành "Trung Quốc và những địa điểm khác", theo Bloomberg.
Làn sóng rời Trung Quốc
Trung Quốc là nơi đặt trung tâm sản xuất của Apple. Nhưng vài năm qua, công ty công nghệ Mỹ đang nhanh chóng mở rộng sản xuất tại một số nước khác như Ấn Độ - một trong những trung tâm sản xuất điện thoại thông minh mới nổi.
Crocs, nhà sản xuất giày dép của Mỹ, đã chuyển một phần dây chuyền sản xuất sang Đông Nam Á, đồng thời đẩy mạnh tìm nguồn cung ứng tại Indonesia và Ấn Độ.
Nhà sản xuất sản phẩm cảm ứng an ninh và thiết bị giải trí gia đình Universal Electronics đang lên kế hoạch đóng cửa một trong hai nhà máy tại Trung Quốc để mở rộng cơ sở ở Mexico, cũng như xây dựng một nhà máy mới tại Đông Nam Á.
Dù vậy, các công ty nước ngoài chưa thể từ bỏ hoàn toàn Trung Quốc. Một phần lý do bởi không quốc gia nào đáp ứng đủ những gì mà ngành sản xuất Trung Quốc mang lại.
Nền sản xuất công nghiệp Trung Quốc có mọi thứ mà các doanh nghiệp phương Tây cần, từ lao động tay nghề cao, cơ sở hạ tầng tương đối hiện đại, cùng chuỗi cung ứng nguyên vật liệu dồi dào.
Dẫu vậy, làn sóng rời bỏ Trung Quốc là xu thế khó đảo ngược. Nó phản ánh thực tế của nền kinh tế thế giới với mức độ phức tạp lớn hơn nhiều so với 10 năm trước.
"Mục tiêu của các doanh nghiệp là giảm thiểu mức độ rủi ro khi bỏ trứng vào một giỏ", Neale O’Connor, giáo sư Đại học Cowan Australia, nhận định.
Theo báo cáo của công ty kiểm toán quốc tế KPMG hồi tháng 3, trong 132 công ty thuộc danh sách Fortune 500, hai phần ba các cuộc cải tổ chuỗi cung ứng kể từ 2018 đến nay liên quan tới chuyển dây chuyền sản xuất sang 2 hoặc 3 quốc gia khác nhau. Chỉ một phần ba tập trung dây chuyền vào một quốc gia duy nhất.
Đa dạng hóa nơi đặt dây chuyền sang xuất là quyết định đắt đỏ. Các công ty phải thăm dò địa điểm mới, đầu tư đào tạo lao động, xây dựng quan hệ với chính quyền địa phương.
Các nhà cung ứng mới phải được nâng lên tiêu chuẩn chất lượng có thể chấp nhận. Đồng thời, tìm kiếm nguồn cung linh kiện tại địa phương cũng là bài toán khó.
Tuy nhiên, tìm kiếm những địa điểm sản xuất mới đang là xu thế không thể đảo ngược.
Khi bắt đầu rời khỏi Trung Quốc, lo ngại chính của các doanh nghiệp là chi phí. Lương của công nhân Trung Quốc đã bắt đầu tăng lên, buộc các doanh nghiệp tìm địa điểm mới có nguồn nhân công rẻ hơn.
Tới năm 2018, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, khiến nhu cầu di rời dây chuyển sản xuất càng cấp thiết. Những năm gần đây, môi trường kinh doanh ở Trung Quốc càng thêm rủi ro với các công ty phương Tây.
Công xưởng mới đặt ở đâu?
Lovesac là một công ty nội thất có trụ sở ở Connecticut, Mỹ. Sau khi chính quyền cựu Tổng thống Trump áp thuế nhập khẩu với hàng hóa Trung Quốc, Lovesac chuyển nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Không dừng lại ở đó, từ 2020, Lovesac xây dựng thêm nhà xưởng ở Malaysia, Indonesia và Ấn Độ.
"Quyết định ấy đã mang lại trái ngọt. Khi việc sản xuất bị gián đoạn ở một hoặc 2 nơi, công ty sẽ không bị hết hàng", Shawn Nelson, CEO của Lovesac, nói.
Lovesac hiện phối hợp với các đối tác nhằm xây dựng các nhà máy sản xuất tự động ở Mexico và Mỹ. Theo ông Nelson, mục tiêu là xây dựng chỗ đứng vững chắc ở châu Âu và Tây bán cầu, cho phép công ty có khả năng ứng phó nếu gián đoạn xảy ra ở châu Á.
Trong khi đó, nhà sản xuất giày dép Crocs đã mở nhà máy thứ hai ở Indonesia từ 2022. Crocs cũng đang xây dựng một trung tâm sản xuất tại Ấn Độ.
"Đa dạng hóa nguồn hàng mang lại lợi ích tổng thể mà không có nhiều hạn chế, xét tới những sự kiện không thể lường trước mang tính vĩ mô toàn cầu", Anne Mehlman, giám đốc tài chính của Crocs, cho biết.
Việc di chuyển dây chuyền sản xuất phức tạp hơn với các thiết bị điện tử như của Apple. Tuy vậy, công ty Mỹ cũng đang mở rộng dây chuyền sang các quốc gia khác, đáng chú ý là Ấn Độ. JP Morgan ước tính Ấn Độ sẽ sản xuất 25% iPhone vào năm 2025.
Các nhà sản xuất giày dép lớn nhất thế giới cũng đang tìm kiếm nơi đặt nhà xưởng, những ứng viên sáng giá là Bangladesh và Ấn Độ.
Pou Chen, nhà cung cấp sản phẩm cho Nike và Adidas, dự kiến khánh thành cơ sở sản xuất trị giá 280 triệu USD tại bang Tamil Nadu của Ấn Độ, chính quyền sở tại cho biết hồi tháng 4.
Một số nhà phân tích cho rằng lãi suất cho vay ở mức cao cùng nền kinh tế thế giới trì trệ sẽ cản trở nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung ứng, do chi phí xây dựng nhà xưởng mới tăng lên.
"Nhiều công ty muốn đa dạng hóa nhưng năng lực không đủ", Chris Rogers, giám đốc nghiên cứu chuỗi cung ứng của công ty tư vấn S&P Global Market Intelligence, nhận định.
Một số công ty đang tính phương án xây dựng dây chuyền sản xuất ở châu Âu và Bắc Mỹ. Tuy nhiên, khó khăn là tiếp cận nguồn nguyên liệu thô, và nếu có thì giá thành sẽ đắt hơn, khiến hàng hóa giảm sức cạnh tranh trên thị trường.