Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc dừng thi công vì giá thép tăng phi mã
Khi giá thép leo thang, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc phải trì hoãn các dự án. Một số cân nhắc cắt giảm chi phí, giảm quy mô, thậm chí sa thải người lao động.
Theo CNN, Trung Quốc và Mỹ - hai nền kinh tế hàng đầu thế giới - đang trong cuộc chạy đua mua các mặt hàng cần thiết để xây dựng lại nền kinh tế sau đại dịch. Điều đó đẩy giá cả tăng phi mã và làm chệch hướng kế hoạch phục hồi của Bắc Kinh.
Giá thép, than, xi măng đến thủy tinh - các hàng hóa cần thiết cho sự bùng nổ cơ sở hạ tầng hậu đại dịch - đều tăng vọt. Giá thép cây tại Thượng Hải đạt kỷ lục mới 6.200 NDT/tấn (tương đương 965 USD), tăng 40% trong năm 2021.
Giá quặng sắt (thành phần quan trọng để sản xuất thép) cũng lập đỉnh 1.240 NDT/tấn (194 USD/tấn) trên Sàn giao dịch Đại Liên, tăng 25% kể từ đầu năm.
Than, thủy tinh và nhôm chạm ngưỡng giá cao kỷ lục tại Trung Quốc. Tình hình trở nên trầm trọng đến mức các quan chức Bắc Kinh phải lên tiếng cảnh báo về thiệt hại đối với nền kinh tế.
"Tay không tấc thép" - thành ngữ nổi tiếng của Trung Quốc - hiện được các phương tiện truyền thông nước này sử dụng theo nghĩa đen để mô tả những người mua không thể mua hàng.
Giá tăng bất thường
Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng dương trong năm 2021. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn đưa ra kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 500 tỷ USD để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng.
Xây dựng cũng là một phần trong kế hoạch phục hồi của Mỹ. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất một kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 2.000 tỷ USD, giúp nền kinh tế phục hồi sau đại dịch và củng cố vị thế dẫn đầu của Washington.
Tuy nhiên, Trung Quốc có lý do để lo lắng về tình trạng giá cả tăng vọt. Trong tháng 4, chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc đã tăng 6,8% so với một năm trước đó. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 10/2017. Hồi tháng 3, tỷ lệ là 4,4%.
"Giá cả tăng do các gói kích thích kinh tế thúc đẩy nhu cầu tăng cao" chuyên gia Zhou Hao tại ngân hàng Commerzbank nhận định. Giá nhiều kim loại cơ bản, bao gồm nhôm và đồng, đã vọt lên mức kỷ lục trong vòng nhiều năm trên Sàn giao dịch kim loại London. Chỉ số hàng hóa của Bloomberg cũng dao động ở mức cao nhất 6 năm.
Chi phí đắt đỏ đã khiến một số công ty Trung Quốc phải tạm dừng các dự án. Theo giới phân tích, khi doanh nghiệp nhỏ cân nhắc cắt giảm chi phí hay giảm quy mô, họ có thể tính đến sa thải người lao động.
"Các doanh nghiệp nhỏ có ít khả năng đàm phán hơn. Họ phải chấp nhận chi phí sản xuất tăng cao, hoặc cắt giảm sản lượng và ở ngoài cuộc chơi", chuyên gia Luo Zhiheng tại Yuekai Securities (có trụ sở tại Quảng Châu) bình luận.
Có nhiều lý do khiến giá thép và quặng sắt tăng bất thường. Theo các nhà phân tích tại Fitch Ratings, ngoài xây dựng, sản xuất xe điện cũng đẩy giá lên cao.
Nỗ lực giảm lượng khí thải của carbon cũng thắt chặt nguồn cung thép. Năm ngoái, Trung Quốc sản xuất hơn 50% sản lượng thép trên thế giới. Chính quyền Bắc Kinh đã tạo áp lực, buộc ngành công nghiệp phải theo đuổi mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.
Cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Australia cũng đẩy giá vọt lên. Năm ngoái, Bắc Kinh đã đưa ra một số rào cản đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Australia, bao gồm than đá.
Các doanh nghiệp nhỏ có ít khả năng đàm phán hơn. Họ phải chấp nhận chi phí sản xuất tăng cao, hoặc cắt giảm sản lượng và ở ngoài cuộc chơi
Chuyên gia Luo Zhiheng tại Yuekai Securities
Theo ông Wang Jiechao, chuyên gia phân tích tại Pacific Securities, một số dấu hiệu cho thấy giá tăng cao đã ảnh hưởng đến các công trường xây dựng và nhà máy ở Trung Quốc.
Một cuộc khảo sát của 100njz.com với 460 công ty xây dựng trên toàn quốc chỉ ra nhiều công ty đang gặp khó. Khoảng 56% công ty thừa nhận kế hoạch của họ bị ảnh hưởng.
Có tới 30% phải tạm dừng thi công để kiểm soát chi phí, số còn lại chấp nhận chậm tiến độ. Khoảng 44% công ty cho biết vẫn tiến hành xây dựng theo kế hoạch nhưng phải giảm mua thép. Điều đó buộc họ phải cân nhắc tạm dừng thi công trong tương lai.
Theo ông Luo tại Yuekai Securities, điều đó cũng ảnh hưởng đến việc làm. Các doanh nghiệp nhỏ, chật vật với chi phí tăng cao, đang thuê khoảng 80% người lao động thành thị Trung Quốc.
Bắc Kinh lo ngại
Chính quyền Bắc Kinh cũng bắt đầu lo ngại. Tại các cuộc họp cấp nhà nước mới đây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhiều lần đề cập đến "giá hàng hóa tăng" và áp lực đối với doanh nghiệp nhỏ.
Trung Quốc cần đạt tăng trưởng 5%/năm để đạt mục tiêu tăng gấp đôi GDP vào năm 2035 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Riêng trong năm 2021, Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng 6% và 11 triệu việc làm mới.
Tuy nhiên, bất cứ điều gì đe dọa quá trình phục hồi cũng có thể khiến Trung Quốc không đạt mục tiêu.
Trung Quốc vẫn đang xuất khẩu nhiều thép. Tuy nhiên, các quan chức Bắc Kinh không ủng hộ. Trong tháng 4, chính quyền Trung Quốc thông báo sẽ dừng giảm thuế xuất khẩu đối với hầu hết sản phẩm thép kể từ tháng 5. Cơ quan hải quan nước này cũng giảm thuế nhập khẩu của một số loại thép.
Các chính quyền địa phương cũng mạnh tay chặn giá tăng. Cơ quan quản lý Thượng Hải và trung tâm sản xuất thép Đường Sơn mới triệu tập những nhà máy thép lớn và yêu cầu họ điều chỉnh giá thép "ở mức hợp lý". Chính quyền Trung Quốc khẳng định các nhà máy có thể đối mặt với "những hình phạt nghiêm khắc" nếu thông đồng đẩy giá thép.
Hôm 10/5, sau khi giá quặng sắt tăng vọt, Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên tuyên bố sẽ "trừng phạt mạnh tay" những vi phạm trong các giao dịch mua bán quặng sắt. Cơ quan này cũng tăng yêu cầu ký quỹ và thu hẹp biên độ giao dịch hàng ngày.
Tuy nhiên, giá kim loại vẫn tăng. Các nhà phân tích của Citi nhận định Bắc Kinh khó kiềm chế lạm phát trừ khi từ bỏ những mục tiêu khác, chẳng hạn mục tiêu khí hậu.
Theo ông Louis Kuijs tại Oxford Economics, giá cả tăng cao đã phơi bày sự phụ thuộc của Trung Quốc vào kế hoạch cơ sở hạ tầng để phục hồi nền kinh tế. Và nước này không dễ thay đổi hướng đi đó.
"Câu hỏi lớn là Trung Quốc có thể chuyển động lực tăng trưởng từ cơ sở hạ tầng và bất động sản sang đầu tư doanh nghiệp và tiêu dùng hay không", ông Kuijs nhận định.