Nhiều doanh nghiệp vận tải Quảng Ninh chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình

Từ ngày 15/4 đến 15/7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm về thiết bị giám sát hành trình (GSHT) của xe ô tô vận tải trên cả nước.

Đợt kiểm tra này nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm về lắp đặt, khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị GSHT đối với đơn vị kinh doanh vận tải, lái xe kinh doanh vận tải. Đồng thời, qua đợt kiểm tra nâng cao hiệu quả khai thác dữ liệu từ thiết bị GSHT, quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải, góp phần đảm bảo an toàn giao thông.

Tỉnh Quảng Ninh hiện đang có hơn 200 đơn vị đăng ký kinh doanh vận tải hành khách đường bộ với tổng số hơn 4.000 đầu phương tiện ở các loại hình xe khách tuyến cố định, xe taxi, hợp đồng và xe buýt. Dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho hoạt động kinh doanh vận tải hành khách của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề dẫn đến việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình gặp rất nhiều khó khăn.

Dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho hoạt động kinh doanh vận tải hành khách của doanh nghiệp ảnh hưởng nặng nề nên việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cũng gặp nhiều khó khăn.

Dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho hoạt động kinh doanh vận tải hành khách của doanh nghiệp ảnh hưởng nặng nề nên việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cũng gặp nhiều khó khăn.

Ông Đoàn Thế Xuyên, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Phúc Xuyên, đơn vị có hơn 400 phương tiện kinh doanh vận tải cho biết, hiện công ty đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho một số phương tiện, trong đó chủ yếu là xe chạy tuyến đường dài. Tuy nhiên để lắp đặt đại trà thì Công ty rất khó thực hiện bởi một số xe chỉ đạt 30% công suất khai thác, thậm chí là không hoạt động.

“Các doanh nghiệp vận tải đang rất khó khăn và nó liên quan đến vấn đề tài chính là chủ yếu, cụ thể hơn đó là nguồn kinh phí bỏ ra để thay đổi. Nếu cộng tất cả chi phí bao gồm cả thay đổi thiết bị giám sát hành trình số tiền cũng phải lên đến hơn 10 triệu/xe. Việc bỏ ra hơn 10 triệu chỉ để phục vụ một hợp đồng du lịch thì nhiều doanh nghiệp người ta vẫn lựa chọn là để lực lượng chức năng dừng xe còn hơn tiến hành việc lắp đặt. Cho nên nguyện vọng của chúng tôi đó là mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước lùi lại thời hạn tổng kiểm tra để doanh nghiệp có thời gian” - ông Đoàn Thế Xuyên nói.

Dữ liệu từ hệ thống giám sát hành trình có thể ghi nhận các hành vi vi phạm quy định pháp luật của người lái xe trong quá trình điều khiển phương tiện tham gia giao thông (ngủ gật hoặc mất tập trung khi lái xe, sử dụng điện thoại khi lái xe, chở quá số người quy định, có hành vi cư xử thiếu văn hóa với hành khách, lái xe quá thời gian quy định, các tình huống bất thường khác…) giúp đơn vị kinh doanh vận tải kịp thời nhắc nhở, cảnh báo, ngăn ngừa lái xe vi phạm. Dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình cũng sẽ được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan chức năng khác nhằm bảo đảm việc giám sát công khai, minh bạch.

Tuy nhiên, Tổng cục đường bộ Việt Nam cho biết dù đã nhiều lần chỉ đạo các Sở Giao thông Vận tải, các đơn vị kinh doanh vận tải phải có biện pháp theo dõi, chấn chỉnh và xử lý vi phạm thông qua thiết bị giám sát hành trình nhưng trên thực tế, hiện vẫn có khá nhiều chủ phương tiện không thực hiện truyền dữ liệu về Trung tâm giám sát theo quy định.

Đợt cao điểm nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm về lắp đặt, khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị GSHT, quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

Đợt cao điểm nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm về lắp đặt, khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị GSHT, quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

Ông Trần Văn Thuyết, Chủ tịch Hiệp hội ô tô vận tải tỉnh Quảng Ninh, nêu quan điểm: “Chủ trương này theo tôi cũng rất hiệu quả cho công tác quản lý vận tải của doanh nghiệp, giúp nâng cao được ý thức của các lái xe, giúp quản lý luồng tuyến của các xe hoạt động. Đây là ưu điểm để các doanh nghiệp nếu có điều kiện để thực hiện nghiêm túc thì doanh nghiệp cũng có lợi. Tuy nhiên hiện nay do chúng ta triển khai chưa đồng bộ, có tỉnh thì quyết liệt, có tỉnh thì chưa cho nên việc các doanh nghiệp có số lượng xe nhỏ vẫn chưa thực sự chú trọng việc đó”.

Thời gian gần đây, liên tục xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến ô tô kinh doanh vận tải, làm chết và bị thương nhiều người. Trong đợt kiểm tra này, lực lượng chức năng sẽ tập trung xử lý các vi phạm về lắp đặt, duy trì hoạt động; vi phạm về cung cấp, cập nhật, truyền các thông tin từ thiết bị giám sát hành trình; các hành vi sử dụng các biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác để can thiệp vào quá trình hoạt động, phá (hoặc làm nhiễu) sóng GPS, GSM hoặc làm sai lệch dữ liệu của thiết bị và các hành vi vi phạm khác./.

Duy Thái/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/nhieu-doanh-nghiep-van-tai-quang-ninh-chua-lap-dat-thiet-bi-giam-sat-hanh-trinh-849596.vov